Đặc biệt là mâm cỗ tết, có một chén mắm rươi đúng độ, màu hồng đỏ để kho cá thịt là nhất xứ.
|
Ảnh: Thanh Hảo |
Hồi nhỏ, bà ngoại tôi kể, cứ mỗi độ gió chướng về là y rằng ngoài lộ có người rao: “R…ư…ơ…i… Ai mua rươi!...” Tiết trời lúc đó đã sang tháng chạp. Không ai biết đích xác người Việt biết ăn mắm rươi từ bao giờ, nhưng theo đại từ điển Việt Nam, “rươi thuộc họ giun chất đốt, thân nhiều tơ nhỏ, sống ở vùng nước lợ, sinh theo mùa, có thể làm nước mắm ăn được”.
Rươi có nhiều ở dọc duyên hải Việt Nam nhưng nhiều nhất là đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là miệt Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng. Rươi thường xuất hiện khoảng từ tháng 11 âm lịch đến sau tết. Khi con nước lớn cùng gió chướng thổi mạnh là thời điểm nhiều rươi nhất.
Người lớn kể, có lúc rươi nhiều vô kể, chỉ cần một cái vợt làm bằng lưới mùng, miệng lớn cỡ vành nón lá và đôi thùng gánh nước là đủ đồ nghề để vớt rươi.
Sau khi bắt rươi, người ta ủ rươi bằng cách bỏ chúng vào một cái khạp to và cho vào khoảng 2 – 3 thúng muối. Sau đó quậy đều tay cho muối tan và đóng kín nắp khạp lại. Phơi độ vài nắng. Khoảng thời gian chừng nửa tháng sau, mở nắp khạp ra, xác rươi nổi lên với nước rươi quánh lại có màu đỏ hồng, mùi thơm nức mũi.
Rươi có thể chế biến nhiều món ngon như món rươi rang giòn, chiên trứng, rươi xào nấm măng... Món chả rươi của người miền Bắc cũng thuộc vào hàng đặc sản. Nhưng nước mắm rươi của người Trà Vinh có lẽ cũng ngon sánh ngang với nước mắm Phan Rang nếu không muốn nói là hơn.
Phải vậy không mà dân ở đây còn truyền, vẫn là ông vua nổi tiếng về tạo ra nhiều huyền thoại – Nguyễn Ánh khi lánh nạn về vùng biển Trà Vinh, có người đã dâng lên ngài nước mắm rươi. Về sau, khi lên ngôi, vua Gia Long vẫn nhớ hương vị nước mắm này nên hàng năm, trong số sản vật tiến cống vua còn có nước mắm rươi, về sau quen gọi là “nước mắm ngự”.
Theo Như Trần
Sài Gòn tiếp thị