Tại sao phải có chuẩn?
GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông - cho biết: Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội khuyến khích nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK. Nếu không có quy định thống nhất sẽ khó tránh khỏi tình trạng mỗi SGK viết một cách, gây khó khăn cho việc dạy, học và đánh giá kết quả giáo dục. Trước yêu cầu đó, Bộ GDĐT đang tổ chức biên soạn văn bản quy định về chính tả trong SGK mới.
Thực tế cho đến nay, Bộ GDĐT đã có 3 văn bản quy định về chính tả trong SGK là: Văn bản do Bộ GD ký với Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam năm 1980; văn bản do Bộ trưởng Bộ GD Nguyễn Thị Bình ký năm 1984; văn bản do Thứ trưởng Bộ GDĐT Đặng Huỳnh Mai ký năm 2003. Giữa các văn bản này có nhiều quy định thống nhất, nhưng cũng không ít quy định không thống nhất với nhau. Một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh mới. Vì thế, việc có một quy định có tính pháp lý để thống nhất chính tả trong SGK là cần thiết.
Theo GS Thuyết, thực ra dự thảo quy định mới về chính tả không có gì thay đổi nhiều. Điểm lớn nhất là thay đổi cách viết tên người, tên địa lý, thuật ngữ nước ngoài và cách đặt dấu thanh. Nhưng nói cho đúng, về vấn đề này, dự thảo chỉ quay trở lại với những quy định đã có trong Quyết định số 240/QĐ ngày 5.3.1984 của Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình. Nếu được lãnh đạo bộ đồng ý, dự thảo sẽ được đưa lên Cổng thông tin điện tử của bộ và các phương tiện thông tin đại chúng 2 tháng để xin ý kiến nhân dân. Phạm vi áp dụng quy định này là chương trình, SGK mới. Việc sử dụng thống nhất trong toàn ngành giáo dục sẽ tạo ra một lớp người mới quen với cách viết này, dần dần những quy định mang tính hợp lý sẽ lan tỏa ra toàn xã hội.
Quy định chính tả hiện tại phức tạp, gây khó khăn
Hiện nay, trong chính tả tiếng Việt (chữ Quốc ngữ), nhiều người vẫn còn lúng túng trong việc chọn “i” và “y” khi âm /i/ đứng làm âm chính trong âm tiết mở (không có âm cuối vần) sau các phụ âm như /h, k, l, m, s, t/. Do đó vẫn tồn tại hai cách viết khác như hi vọng/hy vọng, lí luận/lý luận/, công ti/công ty...
Sự “lúng túng” này xuất hiện thường xuyên từ các quy định của pháp luật, văn bản của các cơ quan chức năng, ban ngành đến ngôn ngữ sử dụng trên báo chí, giao tiếp trong đời sống. Thậm chí, ngay cả tại Bộ GDĐT, mặc dù trong SGK đã có sự thống nhất nhất định khi chọn “i” để sử dụng, tuy nhiên trong các văn bản hành chính, chỉ đạo cũng chưa có sự thống nhất. Khảo sát ngẫu nhiên 5 văn bản, thông tư của Bộ GDĐT vẫn xuất hiện các chữ “lệch chuẩn” theo thống nhất chương trình giảng dạy của bộ như: Quy định, quản lý, tâm lý, quy chế, kỳ xét... Quy định chính tả hiện tại được đánh giá là phức tạp, gây khó khăn, mất thời gian của người học.
Theo PGS-TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam: “Về cơ bản, tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương và dự thảo của Bộ GDĐT. Chính âm, chính tả là một yêu cầu quan trọng trong việc thể hiện chữ viết tiếng Việt. Vì thế, cần có cách viết khoa học, hợp lý, phổ dụng đối với mọi người sử dụng tiếng Việt, đặc biệt là đối với học sinh bậc học phổ thông. Chuẩn hoá chính tả cần phải thống nhất trong mọi cấp học. Cách tốt nhất là phải chuẩn hoá trong SGK để giáo viên và học sinh có căn cứ thực hiện”.
PGS-TS Tình đánh giá vướng mắc nhiều nhất, không chỉ trong SGK mà trong cả những văn bản xã hội đang thực hiện, nhất là báo chí truyền thông là tên riêng, tên địa lý nước ngoài, tiếng dân tộc. Hiện tại, vấn đề này tồn tại mấy cách xử lý. Dĩ nhiên, mỗi giải pháp đều có nhân tố hợp lý và có giá trị nhất định. Nhưng ta phải hướng tới giải pháp chứa nhiều yếu tố tích cực, tiện dụng và hướng tới sự thống nhất chung với chính ta và với thế giới. Việc sử dụng này phải có cơ sở khoa học, công trình nghiên cứu kỹ càng, có logic, không phải thích dùng thế nào thì cũng được. Việc dùng nhầm lẫn là do thói quen bị sai của một số bộ phận trong xã hội và tư duy không muốn sửa.
Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam nhận định, khi thay đổi chuẩn, lúc đầu có thể có khó khăn với cả giáo viên và học sinh. Nhưng mọi việc sẽ vào guồng, ổn thoả. Đồng quan điểm trên, giáo viên Nguyễn Thu Trang (bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Đào Sơn Tây, quận Thủ Đức, TPHCM) cho rằng: Việc thống nhất chính tả tiếng Việt là rất cần thiết.
Theo Bộ GDĐT muộn nhất tháng 9.2018 phải hoàn thành việc soạn thảo Thông tư. Lúc đó, các tổ chức, cá nhân bắt đầu viết SGK và ngay từ đầu, viết sách theo đúng quy định thì sau này sẽ không phải sửa nữa.
Theo Lao động