Con đường hạnh phúc
Tết ngày một đến gần, cữ độ này lên Hà Giang rồi từ đó mà lên tiếp Lũng Cú – “Chóp nón” thân yêu, mảnh đất “Tột Bắc” (Chữ của cụ Nguyễn Tuân), không gian khắc nghiệt của đá, của những mảnh ruộng khô cằn mùa Đông đã dịu bớt đi phần nào. Mưa xuân đã bắt đầu rây bụi trên đá núi, nhiệt độ cũng đã dần nhích lên. Không gian ấm áp, các loại thực vật cựa mình để đón nắng, đón mưa, trổ nụ bung hoa theo niêm luật.
Mùa này ở Cao nguyên đá Hà Giang có thể coi là mùa của các loại hoa. Dọc đường từ Quản Bạ, qua Yên Minh, đến Đồng Văn rồi lên Lũng Cú… hoa miên man nở! Đầu tiên là hoa sở trải mầu trắng ngà lung linh khắp các đường cua, từ đỉnh núi đến thung sâu. Dưới mặt đất cơ man nào là hoa bạc hà với mầu tím phớt, hoa tam giác mạch với mầu hồng đỏ, hoa cải cay với mầu vàng ruộm… Hoa sở đến kỳ mãn độ, cái Tết đã gần gụi lắm rồi, ấy là khi hoa đào phai bung cánh, khoe sắc để tiếp tục “sứ mệnh” đón xuân của mình với người Cao nguyên đá.
|
|
Toàn cảnh Cột cờ Lũng Cú. |
Lên Lũng Cú vào mùa Xuân, du khách đi theo con đường Quốc lộ 4C, con đường này còn có tên gọi là Đường Hạnh phúc. Sở dĩ nó có tên vậy cũng là do căn nguyên của lịch sử hình thành. Đây là con đường lớn nhất trong hệ thống đường sá của Hà Giang và nó đã thể hiện sức mạnh đoàn kết đến cao độ của các dân tộc anh em vùng miền núi phía Bắc cùng với miền xuôi khi hoàn thành con đường ấy.
Trước năm 1959, con đường từ thị xã Hà Giang dẫn lên nơi địa đầu Tổ quốc này dài khoảng 200km, chỉ lọt vừa bước chân người và ngựa. Án ngữ dọc đường là những cổng trời hun hút lỗ châu mai, thoắt ẩn thoắt hiện bóng dáng của những toán người làm nhiệm vụ bảo vệ sự cường thịnh cho một số cá nhân. Thỉnh thoảng súng lại nổ, làn khói có mùi hỏa tiễn bung ra là có người ngã xuống.
Đất nước hòa bình, theo tâm niệm và chủ trương “miền núi tiến kịp miền xuôi” của Đảng và Bác Hồ, chúng ta đã quyết tâm mở Quốc lộ 4C – Đường Hạnh phúc bây giờ. Khởi công vào tháng 9 giá buốt của năm 1959, đúng vào mùa Xuân của 6 năm sau, năm 1965 đường hoàn thành.
|
|
Trẻ em với sắc màu tươi tắn trên những bộ quần áo đón Tết. |
Để góp sức xây dựng con đường, 16 dân tộc của Chiến khu Việt Bắc và các tỉnh đồng bằng như Hà Nam, Nam Định, Hải Dương đã có hàng nghìn những con người, trong đó rất nhiều thanh niên trai trẻ làm đơn đăng ký tham gia.
Chỉ trong một thời gian ngắn đã có trên 2 vạn con người trong đó có 1.000 thanh niên xung phong, 1.200 dân công tìm đến với Cao nguyên đá. Với sức lực này, với tinh thần đoàn kết lao động đến quên ngày quên đêm, 6 năm sau tuyến đường này đã thông suốt. Chuyến xe đầu tiên chở muối, dầu, gạo và đưa cán bộ lên thăm đã tới được huyện đá xa xôi Đồng Văn. Đồng bào rẻo cao đón chuyến hàng đầu tiên đã rơi nước mắt, thêm lòng tin Đảng, tin Bác Hồ và quyết tâm thêm yêu quê hương đất nước hơn nữa.
Đường từ Hà Nội lên đến Lũng Cú, nơi có cột cờ Tổ quốc thân yêu, nơi địa đầu ở Kinh tuyến 105 độ 19 phút Đông, 23 độ 22 phút Bắc của chúng ta giờ đã nhựa hóa cơ bản. Đường đáp ứng cho đủ các loại phương tiện tìm vào. Mùa này tìm lên Lũng Cú người ta thấy xuân mới đã hiển hiện mồn một vì người Mông rất quý Tết và tổ chức Tết khá sớm.
Những cây đào phai đã nở cánh khắp các bờ rào đá, dọc đường vào các thôn bản. Bên sắc hoa đào là những sắc váy áo xông xênh của các thiếu nữ Mông, Lô Lô, Giáy, Dao… Chưa đâu tôi thấy không khí Tết nhộn nhịp như ở chốn địa đầu Tổ quốc này. Không khí ấy, nụ cười bên lửa thắm ấy, rồi tiếng kèn pílè, khèn Mông réo rắt vang lên khắp triền đá, tạo ra một sự gần gụi, như thể họ không phải là người nơi mãi địa đầu, không phải là người xa xôi Tổ quốc lắm!...
Vùng đất địa đầu và "sứ mệnh" thiêng liêng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa, có một tập tục khác nhau nhưng tinh thần đoàn kết nơi địa đầu Tổ quốc này đã tụ hợp họ là một, như người gia đình, cùng nắm tay nhau xây dựng quê hương. Chính sự đoàn kết, tương thân, tương ái này đã làm cho cái nghèo cái khó ở đây bị “đuổi” đi nhanh chóng.
Theo thông lệ, mỗi khi lên miền biên giới, người ta thường tìm đến cột mốc Tổ quốc. Vì không nơi đâu lại đánh thức con người ta về sự thiêng liêng của tấc đất Tổ quốc như ở nơi này. Người ta nói Lũng Cú là nơi địa đầu Tổ quốc, nhưng ở xã biên giới có 16km đường biên giới thì điểm cao nhất phải là thôn Séo Lủng.
|
|
Xuân đến cũng là lúc mọi người vui với các lễ hội. |
Lựa theo con đường bê tông uốn lượn dưới bời bời sắc đào phai, leo 286 bậc đá tôi tìm lên cột cờ Lũng Cú. Trên chiếc cột cờ cao 20m, chân đế có 6 mặt trạm khắc phù điêu mang nét hoa văn của Trống đồng Đông Sơn là lá cờ Tổ quốc rộng 6m, dài 9m với diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trong dặm dài Đất Việt phần phật bay trong nắng, gió mùa Xuân.
Theo một số cứ liệu, xưa, trong kỳ khai thiên lập địa, ông cha ta đã rất chú trọng đến mảnh đất địa đầu này. Ghi rõ nhất trong lịch sử thời Tây Sơn thì sau thời gian đưa quân vào giải phóng Thăng Long Mồng 5 Tết năm Kỷ Dậu thì Hoàng Đế Quang Trung đã thị sát và cho đặt ở nơi biên ải hiểm trở này một chiếc trống đồng. Vị trí đặt trống hiện là Trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ. Ngày xưa ấy, tiếng trống là thông tin, báo hiệu địch họa hay yên bình. Ý tưởng cao cả của Quang Trung Hoàng Đế là đặt trống ở đây, coi những người con Lũng Cú là Con Lạc, Cháu Hồng, có địch họa thì sẽ khua trống. Tiếng trống lan truyền, anh em miền đồng bằng biết được sẽ đưa người lên giúp.
Xuôi Tả Gia Khâu, tôi tìm vào các nhà dân khi lá dong, gạo đỗ và các loại thực phẩm đã về nơi góc bếp mỗi nhà, chỉ chờ gói gém và xào nấu là có cái đãi bạn và đón xuân. Nằm cách xã 6km, Tả Gia Khâu đã biết trồng lúa nước trên ruộng bậc thang, trồng ngô trên các hốc đá, nhờ vậy sản lượng lương thực của 80 hộ gia đình người Mông nơi đây đã được cải thiện đáng kể.
|
|
Nụ cười của phụ nữ thôn bản khi Tết đến, Xuân về. |
Nhận bát rượu ngô người dân mời theo thông lệ, chuyện trò được biết: Hiện Tả Gia Khâu không còn hộ đói. Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột, Chương trình 134, 135 và các Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số... của Chính phủ nhanh chóng xóa đi các nhà tạm, nhà dột đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nơi đây. Nhờ chương trình này, cả thôn Tả Gia Khâu đã bừng sáng bởi mầu tấm lợp hỗ trợ, người dân không còn lo mưa, lo gió lạnh biên ải nữa.
Điện lưới quốc gia đã về xã, tình trạng khan hiếm nước sạch đã được xóa cơ bản… Không gian tĩnh lặng bỗng dưng bị phá vỡ bởi tiếng khèn và tiếng hát bất chợt vang lên phía nhà văn hóa của thôn. Tôi biết, nơi ấy, con trai con gái người Mông bây giờ đã rảnh chân, rảnh tay và đang tập văn nghệ để đi hát thi với các thôn khác trong dịp Tết này!...
Chuyến xe khách miền biên ải vào dịp Tết chật chội hơn ngày thường bởi phải “cõng thêm” rượu ngô đặc sản, mật ong hoa bạc hà và cả những cành đào to vậm nụ làm quà cho người miền xuôi. Tôi cùng với các thầy, cô giáo ở trường Trung học Cơ sở Lũng Cú cũng xuôi về quê ăn Tết với gia đình. Câu chuyện đầu xuân về niềm tin, sức trẻ của họ đã thắp trong tôi những hy vọng. Họ đang là những người của một thế hệ tiếp bước nắm tay đoàn kết để xây dựng và giữ vững mảnh đất địa đầu này như tầng lớp cha anh họ đã từng làm! Để cho mùa Xuân địa đầu mãi mãi bình yên!