Rồi mùa xuân cũng đã về…
Rồi đào thắm mai vàng cũng vấn vít cùng người đón Xuân vui Tết.
Những trắc trở, thấp thỏm, lo âu trong một năm đầy sóng gió dường như đã lùi lại phía sau, thành quá khứ, nhường chỗ cho những lạc quan, ước vọng, mong chờ.
Trong không gian lắng đọng và thanh tịnh của thời khắc giao hòa, không thể không nghĩ về sự linh diệu của con đường đi tới mùa xuân.
Như đường đến mùa xuân Tân Sửu này…
Có quá nhiều cảm xúc đan xen, pha trộn. Có cảm giác con đường đi tới mùa xuân dài lâu và nhọc nhằn hơn.
Như cái năm Canh Tý – 2020 không phải 365 ngày, mà đằng đẵng, nhiều hơn, dài hơn ba-trăm-sáu-lăm ngày!
Ngay cả những ngày cuối cùng của năm, thiên tai, dịch giã vẫn chưa chịu buông tha, vẫn gia oan giáng họa, chăng dây giăng bẫy, như muốn ngăn mùa xuân đến với đất nước này!
Từ vài thập kỷ lại đây, con người bỗng nhiên hay lặp lại cái cụm từ - Cụm từ chưa-có-bao-giờ! Chưa có bao giờ thế giới đổi thay với nhịp độ chóng mặt như bây giờ! Chưa có bao giờ thế giới tiềm ẩn nhiều bất trắc và khó lường như ngày nay! Chưa có bao giờ con người lại tạo nên những đỉnh cao về khoa học công nghệ đến độ thần kỳ, vượt cả những sản phẩm tưởng tượng từ bộ óc nhà văn viễn tưởng siêu phàm bậc nhất! Nhưng, cũng chưa có bao giờ con người mang nặng tâm trạng ưu tư, hoang mang và hoài nghi, ngay cả với bản thân mình, với thế giới mình đang sống, đến thế!
Chưa có bao giờ…
Trên dải đất hẹp, cong cong hình chữ S bên bờ Biển Đông, dằng dặc một năm qua, không chỉ một lần cái cụm từ này cứ bỗng dưng buột ra, thành quen thuộc như một quán từ. Họa và phúc, cơ hội và thách thức, thành tựu và đổ vỡ, anh hùng và tội đồ, đối tác và đối tượng, giả dối và tử tế..., dồn dập, đan xen, hoán đổi, thoáng qua và đọng lại, thật sự như-chưa-có-bao-giờ!
Nhưng chưa-có-bao-giờ sức sống Việt Nam lại can trường, dẻo dai và thường trực tâm thế “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đến thế! Như hình ảnh cây tre ngàn năm gắn bó với đời sống dân Việt; như triết lý ngàn đời không buông xuôi mặc số phận: còn da lông mọc, còn chồi nảy cây. Những chồi măng đã nhú mầm ngay trong mùa giông bão. Những ngọn gió đông đã len về trong rét giá ngày đông!
Những ngày cuối cùng của năm Canh Tý này, trong cái tâm trạng an nhiên mà chộn rộn, hy vọng mà bồn chồn, tự tin mà phấp phỏng, bỗng nhiên mang mang vọng về những giai điệu của ca khúc “Ta thấy gì đêm nay” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn thời ca khúc Da vàng...
Ta đã thấy gì trong đêm nay?
Nương bóng “Cờ bay, trăm ngọn cờ bay”, thấy hiện về những mùa xuân khói lửa hào hùng và những mùa xuân thanh bình êm ấm đã qua...
Hòa cùng “giọt nước mắt vui lay lòng gỗ đá”, mường tượng những mùa xuân sáng tươi muôn thanh ngàn sắc đang về...
Ta đã thấy gì trong đêm nay?
Cùng đoàn “người đi như nước qua đê”, thấy lung linh những con người cần lao khắp mọi miền, cần mẫn, miệt mài vá lại vết thương nơi trời, nơi đất, nơi rừng, nơi biển, nơi lòng mình, nơi lòng người...
Thấy lung linh những con người mang “dòng máu anh em nhuộm mặt trời” đầy lòng tự tôn, tự trọng, dệt nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường, giữ dòng máu Việt luôn ấm, nóng, và lành.
Ta đã thấy gì trong đêm nay?
Thấy hơi ấm từ chuỗi quán cơm có tên Yên Vui giữa lòng Hà Nội của anh Nguyễn Cao Sơn - một người tử tế thầm lặng. Hơn chục quán cơm với suất cơm có giá 2 ngàn đồng giúp bao cảnh phận sa cơ lỡ vận trong thời buổi đại dịch Covid và thảm họa thiên tai ấm lại lòng, thêm niềm tin mà tồn tại, mà vươn lên.
Thấy sống lại hình ảnh lửa xà-nu thời kháng chiến hào hùng của người Tây Nguyên bên hàng hàng bếp lửa của nồi bánh chưng vì đồng bào miền Trung trong những ngày thảm họa chồng thảm họa.
Thấy “bàn tay đi nối anh em”, hiến giọt máu hồng, làm ấm lại bao gương mặt, để bao người anh em vượt qua nghiệt ngã định mệnh.
Thấy những con người dũng cảm, dám dấn thân, chấp nhận hiểm nguy, nơi biên giới, giữa trung tâm điểm nóng, ngăn ngừa xung đột, đẩy lùi thảm họa, giữ mùa xuân ở lại...
Ta đã thấy gì trong đêm nay?
Thấy vận hội mới của nước nhà hé rạng, khi bắt đầu từ mùa Xuân Tân Sửu này khởi đầu chu kỳ 5 năm hứa hẹn và hy vọng, nguyên khôi nguồn năng lượng, sung mãn nhiệt huyết sáng tạo, bứt phá, đổi thay.
Thấy trở lại niềm tin vào đội ngũ “con nòi” gánh vai rường cột nước nhà khi họ thực sự yêu nước thương dân, thức khuya dậy sớm, lo trước cái lo nước nhà, vui sau cái vui nhân dân...
Thấy chưa hết những gian nan, bất trắc, nhưng lòng người đã vững tin hơn, lại hoan hỷ lời thơ “đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”, lại nương theo câu hát “đời sống ấm êm nhân danh con người”.../.