“Ta sẽ về thương lại nhánh sông xưa”(Viết tặng quê mình)

Thứ ba, 08/03/2022 22:45
(ThanhtraVietNam) - Tôi chọn đặt tên tản văn bằng câu mở đầu trong bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Tất Nhiên, bởi câu thơ có chút gì như gợi thương, gợi nhớ dòng sông, bến nước quê hương. Sông quê, rõ ràng về từ loại, người ta xếp vào danh từ, nhưng bao đời nay sông quê vẫn gợi xúc cảm như tính chất một tính từ. Sông đi vào nhạc, vào thơ. Trong âm nhạc của Đynh Trầm Ca, đó là kỷ niệm thanh xuân cùng mối tình đầu bên dòng sông Vĩnh Điện, Quảng Nam:

“Có một dòng sông chảy tràn trong trí nhớ

làng em bến lở, làng anh ở bến bồi

mỗi ngày em qua bên này sông đi học

dưới bến con đò chờ trong bóng mù u”

(Sông quê - Đynh Trầm Ca)

Trong thơ Tế Hanh là nỗi nhớ sông Trà Bồng của người con xa quê tập kết ra Bắc bởi chiến tranh chia cắt không về. Trà Bồng là dòng sông phía cực Bắc Quảng Ngãi, phát nguyên từ những dãy núi cao giữa Trường Sơn của huyện Trà Bồng, qua nhiều ghềnh thác, xuôi ra cửa Sa Cần, hòa dòng nước biển Đông.

“Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng”

(Nhớ con sông quê hương - Tế Hanh)

Nỗi nhớ vốn mang nhiều hình sắc, thanh âm nhưng chiều nay nỗi nhớ của mình có bóng dáng một dòng sông, một bến phà. Thời gian trôi đã nhiều năm, ký ức bị đứt gẫy vì ở phố, xa sông nên đọng lại trong trí nhớ mơ hồ chỉ vài nét chấm phá không rõ ràng với yên ả dòng sông vi vút heo may, nói cười đầy ắp và chuyến phà nối bờ vui.

leftcenterrightdel
Một góc sông quê nhìn ra cầu Tân Đệ. Ảnh: Thu Hằng

Quê ngoại của mình thân thương, bình yên ở sát sông Hồng rì rầm sóng vỗ, con sông quốc dân trong lòng kỷ niệm biết bao người. Từ nhà ông bà ngoại băng qua góc vườn, bờ ao là ngấp nghé nhìn thấy màu nước dòng sông. Ngày còn nhỏ, mình theo chân đám trẻ lớn đi mót thóc, giãi nắng trên đồng, chiều mát lại thong thả ra bờ sông hóng gió. Trong nắng hè oi ả vẫn còn ít dư âm gay gắt, đám trẻ nhà quê lê la rẽ đất tìm cỏ gà. Đưa tay bới đám cỏ bò chằng chịt đan nhau thành thảm là thấy ngay nhánh cỏ đầu xù, phình to, vươn ngạo nghễ, hệt như đầu chú trống kiêu căng. Cỏ cây mặc sức lớn giữa bờ sông vắng nên không có vẻ đài các, sang trọng mà được cái hồn cốt vốn có của thảo mộc. Cỏ gà màu tía bao giờ cũng chắc dẻo, khỏe hơn đám cỏ gà mầm mẫm nước vừa xông trận bị một cái vung tay quất mạnh đã đứt ngay. Có đứa tỉ mẩn ngồi bóc đầu gà tìm trong bẹ cỏ con sâu tí tẹo cựa quậy, uốn đi uốn lại, ngo ngoe. Chúng lấy cọng cỏ dài gập đôi móc vào nhau, kéo co thi xem cọng nào đứt trước. Trò vui nhà quê cứ tưởng nhanh quên, không hiểu vì sao thổi vào tâm hồn tuổi thơ sắc màu trong trẻo tận đến bây giờ, để lớn khôn rồi, nhìn đám cỏ dưới chân bất chợt lại nhớ lúc bới cỏ gà giữa thênh thang bờ đê nắng gió. Cái thời vô tư ấy, mình chưa biết trời xanh đến nao lòng, nắng vàng cũng ngơ ngẩn và gấu quần dệt kín cỏ may cũng đi vào thơ đẹp buồn như thế:

“Trăng vàng đêm ấy bờ đê

Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may”

(Lời thề cỏ may, Phạm Công Trứ)

Trên triền đê hun hút cỏ may có lối đi nhỏ mòn vẹt dấu chân người, trơ bụi đất, nhìn xa tựa sợi chỉ màu nâu. Sau này lớn lên, nghĩ về sợi chỉ nâu, mình hay liên tưởng đến Lỗ Tấn: “Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Con đường nho nhỏ là lối tắt dẫn ra chợ bến. Bên này là quê ngoại, là thành phố dệt nhỏ như bàn tay con gái, bên kia là quê hương “chị Hai năm tấn”. Muốn sang đã có phà Tân Đệ. Đầu bến phà bên kia nho nhỏ cái chợ quê, bà hay dẫn mình sang sông đi chợ. Mùa nước cạn loáng cái đã qua một chuyến phà. Đến mùa nước xiết, mặc sóng nước cứ xô, cứ đẩy bập bềnh như lũ trẻ ngang ngạnh đuổi nhau, bác lái phà vẫn nhẹ nhàng, từ tốn dần dần xoay chuyển đưa phà về bến. Bến phà quê mình nằm trên quốc lộ chính từ Nam Định đi Thái Bình, Hải Phòng nên không lúc nào thôi nườm nượp. Giáp Tết, người xe xếp hàng dài, người nói, người cười, gánh gánh gồng gồng, rộn ràng cả khúc sông. Bến phà thân thuộc với người quê tảo tần qua lại ngày đôi bận. Những chuyến xe đội nắng, đội mưa, chằng buộc ngất ngư, xuống thì phải nhờ người giữ, lên thì phải ghì gắng đẩy. Nơi đây là chốn gắn bó mưu sinh của bao cảnh đời bên quán hàng san sát. Người dân ở hai đầu bến đôi khi chẳng còn biết mình thuộc về Nam Định hay Thái Bình, bởi lẽ họ chung một khúc sông chẳng rộng xa một tầm cò vỗ cánh cũng xinh xinh vài sải chèo quẫy mạnh; chung một công việc; chung niềm vui, nỗi buồn và chung cả những hẹn ước lứa đôi...

Những năm chống Mỹ, địch oanh tạc bất kể ngày đêm, rải bom bi, bom nổ chậm nhưng phà vẫn kiên cường vận chuyển nhiều lương thực, nhu yếu phẩm ra mặt trận góp phần cho chiến công đất nước kết hoa triệu vòng. Khi chiến tranh đã lùi xa, hình ảnh bến phà bất khuất trong bom đạn còn in dấu trong lịch sử anh hùng và rồi cũng đến lúc nó hoàn thành sứ mệnh của mình. Cầu Tân Đệ thời điểm đó là một trong những cây cầu bê tông cốt thép lớn, khó xây dựng nhất nước ta bởi phải làm trụ cầu nơi sông sâu, nước xiết. Qua bao khó khăn cuối cùng những trụ cầu dẫn bắt đầu trồi lên khỏi mặt nước. Vào dịp khánh thành năm 2002, có tờ báo đã chạy tít “Một cây cầu phá hai ốc đảo”. Với Nam Định, Thái Bình, cây cầu là niềm ước mơ của gần 4 triệu dân bởi nó nối liền hai bờ sông Hồng cách trở. Cầu sừng sững đương xuân phơi phới sức trai Phù Đổng. Qua sông giờ chẳng phải lụy đò nhưng cũng từ ấy, cảnh mưu sinh hai đầu bến vắng thưa dần rồi không còn nữa. Dòng sông vẫn lúc lặng tờ, lúc vơi đầy chín đỏ phù sa, chỉ có bến phà phía hạ lưu cứ hiu hắt chìm vào ký ức. Biết rằng quy luật cần phải đi lên nhưng sâu thẳm hồn quê chắc không ít người vẫn thiết tha một dòng sông bình yên, vẫn thương nhớ một bến phà tấp nập thời khốn khó.

“Mỗi con người gắn bó một dòng sông

Khi ta bé dòng sông nào cũng rộng

Chiếc thuyền giấy gửi tuổi thơ theo sóng

Một cánh cò vỗ lả xuống lòng ta…”

(Những dòng sông, Bế Kiến Quốc)

Ilya Ehrenburg, nhà văn nổi tiếng của Liên Xô trong bài báo “Thử lửa” cuối tháng 6/1942, thời kì khó khăn nhất trong cuộc chiến tranh vệ quốc của Nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức xâm lược đã viết: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu con phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh... Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê đã trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Ilya Ehrenburg đã diễn tả lòng yêu nước từ chỗ là một khái niệm trừu tượng thành một khái niệm cụ thể, dễ hiểu. Yêu nước bắt nguồn từ tình yêu những sự vật, khung cảnh gần gũi thân quen trong cuộc sống hằng ngày. Tình yêu ấy xoắn vặn sợi dây vô hình bền chắc, ràng buộc con người với làng quê, xứ sở để “Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ” (Việt Nam quê hương ta, Nguyễn Đình Thi). Dòng sông vỗ bờ của mình vẫn sớm chiều in bóng mây trời, riêng bến phà từ lâu chỉ còn gặp mặt trong thơ:

“Chợ Bến lèo tèo mẹ bán mớ rau xanh

Quán cóc khuya những ngọn đèn không thắp

Manh chiếu nhỏ nhớ ông già tầm quất

Chẳng còn ai mời chè chén thuốc lào

Tân Đệ ơi, như một giấc chiêm bao

Ngày sang phà mũ sao không thu vé

Sông Cái thì muôn đời vẫn thế

Khi bình yên, khi nước mấp mé đê

Phà sang sông khắc khoải nỗi đi về”

(Bến phà Tân Đệ xưa, thơ sưu tầm không rõ tác giả)

Sóng nước lặng thầm còn chút nào nôn nao thương nhớ “mảnh hồn làng” vang bóng nữa không?

Thu Hằng        

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra