Cho đến giờ tôi vẫn nhớ rất rõ cảm xúc của mình khi bài báo đầu tiên được đăng trên Tạp chí Luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội. Lúc ấy tôi đang là sinh viên năm thứ 2, chuyên ngành Luật Dân sự, tôi viết sau chuyến đi tình nguyện tại Lào Cai. Nghề báo và tôi bén duyên nhau như thế!
Sau lần đó, tôi bắt đầu viết nhiều hơn và gửi bài đăng một số tờ báo khác. Nhưng với chuyên ngành đào tạo, tôi vẫn không bao giờ nghĩ rằng sẽ có lúc mình trở thành một nhà báo. Bấy giờ, tôi viết báo một cách “nghiệp dư”, bằng tất cả nhiệt huyết và sự năng động của tuổi trẻ, bằng niềm đam mê thực sự với những trang viết. Tình yêu với nghề báo cũng được bồi đắp dần trong tôi từ đó.
Ra trường, trong lúc nhiều bạn cùng khóa còn đang loay hoay tìm kiếm một công việc, tôi may mắn trúng tuyển kỳ thi của Thanh tra Chính phủ và được phân công về làm việc tại Tạp chí Thanh tra, chính thức bước chân vào nghề làm báo. Những ngày đầu làm ở Phòng Biên tập, công việc của tôi chủ yếu mang tính chất “học việc”. Tôi được phân công đưa tin các sự kiện của Thanh tra Chính phủ và các Hội nghị, Hội thảo của Thanh tra các bộ, ngành, địa phương. Tôi hăm hở, háo hức với những chuyến công tác xa Hà Nội đầu tiên. Quả thực khi đó, với một người trẻ như tôi, được đi, được trải nghiệm những vùng đất mới và được viết là một điều vô cùng hạnh phúc. Tôi thỏa sức sáng tạo và từng bước nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão tuổi trẻ từ chính công việc mình yêu thích.
Cùng với việc tự nghiên cứu các vấn đề chuyên ngành và trau dồi thêm kỹ năng viết tin, bài, thời gian rảnh rỗi, tôi tìm đọc lại các bản thảo bài viết đã được các anh chị cùng phòng biên tập từ những năm trước, rồi cẩn thận, tỉ mỉ ghi chép ra một cuốn sổ, đối chiếu với những nội dung của bản gốc, để rút kinh nghiệm cho những tin, bài của mình sau này. Sau ba tháng làm công tác phóng viên và “học việc”, tôi bắt đầu được giao nhiệm vụ biên tập bài của cộng tác viên đăng trên Tạp chí Thanh tra. Quy trình biên tập tin, bài trên Tạp chí Thanh tra rất nghiêm ngặt. Những bài viết tôi biên tập sẽ được chuyển cho biên tập viên đánh máy, sau đó được đồng chí Trưởng Ban biên tập tiếp, qua khâu morat, rồi đến Trưởng Ban biên tập duyệt một lần nữa toàn bộ market và nội dung trước khi trình Tổng Biên tập duyệt. Quy trình đó yêu cầu chúng tôi phải làm việc thật nghiêm túc, thận trọng trong từng khâu, nhằm đảm bảo cho các bài viết không có bất cứ sai sót nào về mặt nội dung trước khi xuất bản. Là một tạp chí chuyên ngành nên những bài viết đăng trên Tạp chí đa phần là những nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, vì vậy, công tác biên tập khi đó thực sự là một công việc mới mẻ và đầy khó khăn đối với một sinh viên vừa ra trường, còn hạn chế cả về kinh nghiệm, kiến thức và vốn sống như tôi. Lần đầu tiên biên tập, tôi cẩn thận photo lại những bài viết, rồi chỉnh sửa và đọc đi đọc lại nhiều lần, cho tới lúc cảm thấy vừa ý mới dám viết lại trên bản chính. Càng làm tôi lại càng khám phá nhiều điều thú vị ở ngay những trang viết mình biên tập. Thú vị khi được tiếp cận với những kiến thức mới, được nâng cao kỹ năng viết bài và điều quan trọng hơn cả, công việc đó giúp tôi rèn luyện sự kiên nhẫn, tính cẩn trọng và ý thức trách nhiệm đối với mỗi bài viết mình biên tập.
|
|
Công việc biên tập giúp tôi rèn luyện sự kiên nhẫn, tính cẩn trọng và ý thức trách nhiệm đối với mỗi bài viết . Nguồn: Internet |
Có thể nói, tìm được một công việc mình yêu thích ngay khi ra trường đã là một may mắn, song tôi còn may mắn hơn vì nhận được sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của một biên tập viên giàu kinh nghiệm, nghiêm túc và đầy trách nhiệm. Điều đó đã giúp tôi - một người không được đào tạo bài bản về nghiệp vụ báo chí nói chung, công tác biên tập nói riêng - có những hiểu biết, nhận thức đúng đắn, sâu sắc về nghề và luôn có ý thức nỗ lực học hỏi để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của công việc. Từ một phóng viên chập chững vào nghề, giờ tôi đã là một trong những biên tập viên “có thâm niên” của Tạp chí Thanh tra. Ngoài việc biên tập Tạp chí in, tôi được giao thêm nhiệm vụ biên tập tin, bài trên Tạp chí điện tử Thanh tra và các ấn phẩm khác của Tạp chí theo kế hoạch của đơn vị. Mới đó đã hơn 15 năm, thời gian và công việc đã cho tôi những trải nghiệm bổ ích và lý thú, giúp tôi tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm và những kỹ năng cần thiết, để tôi tự tin hơn trong công việc, vững vàng trong cuộc sống. Mỗi ngày, tôi tìm thấy niềm vui ở những bài viết mới, ở việc chăm chú, tỉ mẩn với từng con chữ và tự hào khi nhìn lại những thành quả của mình lưu giữ trong mỗi ấn phẩm mà Tòa soạn xuất bản được bạn đọc đón nhận, ủng hộ.
Nhiều người vẫn nghĩ, công việc biên tập của chúng tôi chỉ đơn thuần là sửa lỗi bài viết, nhưng mấy ai biết được rằng, để trở thành một biên tập viên của Tạp chí Thanh tra là cả một quá trình không hề đơn giản. Hơn 15 năm làm nghề, quãng thời gian đó không quá dài, nhưng cũng chẳng ngắn, đủ để tôi có những trải nghiệm chân thực nhất về nghề biên tập. Tôi ý thức được rằng, công việc biên tập đòi hỏi chúng tôi không chỉ có kỹ năng làm báo, mà còn cần phải có sự trung thực, tính sáng tạo, vốn hiểu biết rộng, từ ngữ phong phú, độ nhạy cảm ngôn ngữ và khả năng cảm thụ nhất định. Trước khi biên tập, chúng tôi phải hiểu được nội dung, tư tưởng và chủ đề xuyên suốt bài viết đó, để khi quyết định chỉnh sửa, cắt gọt hay thêm bớt bất kỳ câu chữ nào cũng phải đảm bảo giữ được thông điệp, ý nghĩa tác giả muốn truyền tải tới người đọc. Đó cũng chính là cách chúng tôi thể hiện sự tôn trọng với tác giả bài viết cũng như mong muốn mang tới cho bạn đọc những thông tin trọn vẹn, chính xác nhất.
Ở Tạp chí Thanh tra, những biên tập viên như tôi không chỉ làm công việc kiểm tra thông tin, đọc và chỉnh sửa bài viết trước khi đăng tải trên Tạp chí in và Tạp chí điện tử, mà chúng tôi còn lên ý tưởng, định hướng, xây dựng dự kiến nội dung, dự kiến các chương trình, kế hoạch xuất bản những ấn phẩm của Tạp chí, đồng thời giữ mối liên hệ thường xuyên, mật thiết với đội ngũ cộng tác viên… Mỗi công việc chúng tôi đều làm bằng ý thức trách nhiệm và trên hết là bằng sự đam mê với nghề. Có thể nói, chúng tôi hầu hết đều trưởng thành từ quá trình tự tích lũy tri thức, kỹ năng biên tập ngay khi còn làm công tác phóng viên và thông qua việc tự tham khảo, học hỏi kinh nghiệm ở những đồng nghiệp đi trước. Cho tới bây giờ, chúng tôi vẫn đang tiếp tục quá trình tự hoàn thiện bản thân, để ngày càng đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của nghề và cũng là để góp thêm một phần công sức nhỏ bé vào sự phát triển của Tạp chí Thanh tra trên chặng đường tiếp theo.
Ngày hôm nay, cầm trên tay kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam", tôi lại tự nhủ, chẳng có một công việc nào dễ dàng nếu không có đam mê và trách nhiệm. Hãy cứ theo đuổi công việc mình yêu thích bằng chính khả năng và niềm đam mê, bởi nếu mình thực sự có tâm với nghề, chắc chắn nghề sẽ chẳng phụ mình!!!