Tháng Chạp mưa phùn

Thứ năm, 28/01/2021 08:26
(ThanhtraVietNam) - Tháng Chạp mưa phùn! Nghe thì thấy bất tiện và nhớp nháp nhưng đó lại là niềm vui của mẹ. Mưa phùn tháng Chạp như những giọt ngọc trời quý giá, nhẹ nhàng thấm vào lớp đất, tỉ tê mấy hạt mầm tỉnh giấc, đội đất và vươn lên xanh ngời.

Một buổi sáng thức dậy, tôi đã thấy mẹ cặm cụi xếp những thanh củi chất quanh chái bếp. Mẹ đội nón lá ngăn những giọt mưa phùn đang lất phất bay vào mái tóc pha những sợi sương khói. Biết tháng Chạp thường có những cơn mưa phùn ghé qua nhưng lại quên khuấy mất việc cất giữ củi đuốc, thành ra thật là mất công cho những ngày phơi phóng dưới nắng. Cũng do một phần cái tính lơ đãng của đàn con mẹ dặn trước rồi mà không nhớ, thế nên bây giờ mẹ mới cực như vậy. Và tôi đã mang theo hình ảnh dáng mẹ còm lưng nhẫn nại xếp từng thanh củi trong những ngày mưa phùn tháng Chạp, nén mình nỗi nhớ thương mà bước chân vào đời.

Mẹ tôi là một người chu toàn. Tết đến không những mẹ lo gạo gấu, thịt thà, bánh kẹo mà mẹ còn lo củi đuốc nữa. Ngày ấy, chưa phổ biến dùng bếp ga, bếp từ như bây giờ mà đa số người dân phải dùng bếp củi. Củi trong mấy ngày Tết dùng nhiều hơn ngày thường nên mẹ chuẩn bị từ rất sớm. Củi dùng để nấu bánh chưng, dùng để sên mứt, nấu thịt đông,… rồi còn nấu nước lá mùi già tắm trong chiều Ba mươi Tết cho cả nhà nữa. Mưa phùn tháng Chạp tuy lây rây nhè nhẹ phơ phất nhưng nếu để qua một đêm củi sẽ bị ướt, thấm rất sâu. Để được khô giòn trở về như trước cần phải hong bếp một thời gian dài. Chẳng cần nói thì ai cũng biết củi ướt mà đem đun nấu thì cực tới cỡ nào. Khói um đặc quánh trắng cả một gian bếp, chui vào trong khóe mắt mẹ ướt sũng, rồi chui qua vách rạ, vách rơm mà bay lên không trung bao la của quê nhà mênh mông bát ngát. Đứng phía bên kia gian nhà lớn, nhìn những lọn khói trắng chờn vờn như đang ghẹo đùa với màn mưa phùn, tôi không khỏi bâng khuâng…

Tháng Chạp mưa phùn! Nghe thì thấy bất tiện và nhớp nháp nhưng đó lại là niềm vui của mẹ. Mưa phùn tháng Chạp như những giọt ngọc trời quý giá, nhẹ nhàng thấm vào lớp đất, tỉ tê mấy hạt mầm tỉnh giấc, đội đất và vươn lên xanh ngời. Mẹ có những luống rau Tết ngoài bãi bồi, một năm ngoài hai vụ cấy chính ngoài đồng thì vụ rau Tết cũng được coi là một vụ quan trọng trong năm. Trong những ngày mưa phùn rau cứ thế mà phất lên xanh mơn mởn, như để chờ chực gặp mưa mà chúng vươn lên mạnh mẽ. Nhìn luống rau hanh hao trong mùa đông, qua một đêm ngậm mưa phùn tốt tươi, chân mẹ bước đi, lòng khấp khởi mừng vui. Mẹ nhẩm tính ngày nào thì bán cải bắp, ngày nào bán xu hào, ngày nào cắt rau cải cúc… Trừ chi phí phân bón không kể công thì cũng được chút ít tiền mua sắm vào dịp Tết nhất. Dăm ba cân thịt lợn, cân măng hầm nấu canh, và mua quần áo, giầy dép mới cho đàn con. Những tính toán, tỉ mẩn của mẹ vừa thấy thương làm sao. Cả một đời lam lũ, năm hết Tết đến mẹ cũng chỉ mong cho đàn con được đủ đầy, sung túc như con nhà người ta.

Tháng Chạp mưa phùn! Những hôm được nghỉ học, tôi xuống bếp phụ mẹ nấu nướng. Bữa cơm đạm bạc trôi qua trong tiếng cười nói rôm rả. Tiếng xuýt xoa của thằng Út vì trời lạnh quá. Tiếng con mèo tam thể cứ một chặp lại “meo” lên làm tôi giật thót mình khi đang chăm chú vớt rau luộc. Mùi sắn, mùi ngô, khoai nướng quyện lẫn mùi khói tạo nên mùi nhớ thương mà bất kể đứa con nào đi xa cũng nhớ về. Mặc kệ mưa phùn giá rét ngoài kia đang rơi, chúng tôi ngồi bên mẹ mà lòng hạnh phúc tràn đầy, vẹn tròn khoảnh khắc…

Chúng tôi lớn lên mang theo bao nhiêu ký ức về những ngày mưa phùn tháng Chạp quê nhà với bóng dáng hình của mẹ chịu thương chịu khó lên thành phố mưu sinh. Cứ mỗi độ tháng Chạp, gọi điện về cho mẹ, nghe tiếng lách cách, nhớ dáng mẹ tẩn tảo, còm lưng xếp củi và nhớ quê đến nao lòng. Tháng Chạp của năm xưa sẽ khác với tháng Chạp của những năm nay. Duy chỉ có mẹ, dẫu con cái đã công thành danh toại, đủ lo cho mẹ cuộc sống tiện nghi hơn nhưng mẹ vẫn giữ lại chái bếp, giữ lại thói quen xếp củi vào những ngày mưa phùn tháng Chạp. Bất chợt tôi thèm biết bao được trở về gian bếp cũ, trong mưa phùn chiều tháng Chạp, quẩn quanh bên mẹ, nghe thoảng gió lùa trên mái rạ, mùi sắn, mùi khoai mẹ nấu, lòng đầy ắp những kỷ niệm trong veo…

Tăng Hoàng Phi

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra