Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với công tác chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Thứ ba, 28/05/2024 13:15 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Thanh tra Bộ) đã làm việc và xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm về sở hữu trí tuệ.
Luật số 07/2022/QH15 ngày 16/6/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (ISP).
Căn cứ quy định pháp luật, thời gian qua Thanh tra Bộ đã yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ Internet (nhà cung cấp dịch vụ nối mạng – ISP) trong nước và nước ngoài triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn truy cập 2.763 website, 3.611 link có nội dung vi phạm các trận bóng đá giải Ngoại Hạng Anh; Cúp C1 Châu Âu và website tác phẩm điện ảnh,… Thanh tra Bộ đã tổ chức nhiều buổi làm việc giữa đại diện chủ sở hữu chương trình phần mềm máy tính của các công ty với các doanh nghiệp sử dụng phần mềm. Theo đó, các bên đã xây dựng kế hoạch mua phần mềm hợp pháp sử dụng tại công ty.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ đã gửi hàng nghìn khuyến cáo yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, không sao chép sử dụng những hình ảnh, âm nhạc, video,…trong hoạt động kinh doanh thương mại mà không được sự cho phép của chủ sở hữu; chủ động tự kiểm tra tính hợp pháp các chương trình phần mềm máy tính đang sao chép, sử dụng tại công ty. Đối với chương trình phần mềm máy tính chưa có bản quyền hợp pháp, công ty chấm dứt sao chép sử dụng và thực hiện mua bản quyền chương trình phần mềm máy tính hợp pháp để tránh rủi ro bảo mật và trách nhiệm pháp lý khi công ty để xảy ra vi phạm./.
Việt Anh