Thao thức với mùa Xuân

Thứ năm, 19/01/2023 15:37
(ThanhtraVietNam) - Tháng năm thao thiết trôi, lũ trẻ lớn dần và lần lượt kéo nhau đi. Mười tám tuổi, lần đầu tiên xa thành phố nhỏ như bàn tay con gái, em nhớ nhiều về quê ngoại. Nhớ khung cửa sổ ông vẫn ngồi ngóng gió sông Hồng, nhớ gốc ổi đánh đu chuyền chắt, nhớ hàng chè tàu quanh co ngõ vắng và nỗi nhớ dừng lại lâu hơn ở cây mộc trong vườn.

Ngày em còn là con bé áo đỏ, tóc ngắn ngủn, sáng sáng được ông đặt lên xe, chở tới trường mẫu giáo đã có cây mộc đứng đó. Em xa nhà đi học, cây lặng lẽ cùng ông đứng cửa tiễn em đi, đến Tết lại ấm áp tỏa hương đón em về. Thoáng chốc tuổi em đã nhiều mùa xuân qua ngõ. Quê ngoại vẫn bình yên bên bờ sông lộng gió hai buổi sớm chiều. Cây mộc vẫn âm thầm giấu những chùm hoa thanh bạch sau nách lá để dịu ngọt hương bay. Mỗi khi mộc dậy hương mùa xuân sâu lắng, bao nhiêu ký ức tuổi thơ em lại ùa về thơm thảo, rạng rỡ, vui vầy như câu chuyện vừa mới hôm qua.

leftcenterrightdel
 Hoa mộc

Từ xa xưa, mộc đã là loài cây thanh lịch, dáng đẹp, hoa thơm, được ưa chuộng và trồng phổ biến nơi sân vườn, đền chùa ở khắp các miền quê đồng bằng Bắc Bộ. Cây ưa ẩm, thân gỗ nhỏ, nhiều dăm, lại chẳng cầu kỳ tay người chăm tưới. Cây lâu năm có vỏ ngoài nâu nhạt. Lá nhỏ, phiến thon, mép có răng cưa. Hoa mộc rải rác quanh năm nhưng nhiều nhất là mùa xuân, từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch. Hoa nhỏ như hạt gạo, mọc thành chùm, mới nở có màu ngà ngà, sau chuyển dần sang trắng. Chỉ cần cây mộc nho nhỏ cho hoa, hương thơm phảng phất đã lan tỏa khắp vườn nhà. Cùng với nhài, cúc, ngâu, sói, sen, mộc là một trong sáu loại hoa bắt hương nhất thường được dùng ướp trà. Quanh ấm trà nóng, thoang thoảng, lẩn khuất, quyện hòa cả hương đất, hương trời, hương thảo mộc. Xưa, người thưởng trà thong thả với nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh. Nay, xen giữa đời sống vội vàng tất bật có đôi phút lắng lại bên người tri tâm cùng ấm trà xuân cũng là niềm hạnh phúc.

leftcenterrightdel
 

Nhìn từ xa, những cành mộc khẳng khiu với màu lá xanh đậm rất dễ chìm lẫn trong bao cây cối vườn nhà. Thân cây lấm tấm rêu phủ màu cổ kính. Suốt cả năm, cây chắt chiu nhựa sống trong lòng đất mẹ, bền bỉ đâm cành, xòe lá để bắt đầu cuối đông cho đến hết ngày xuân bung ra nhiều chấm sữa li ti. Khi mưa giăng giăng bụi trên hàng cây trước cửa là lúc mùi hương thanh tao bắt đầu phảng phất khắp không gian. Chẳng đậm hương như ly, kiêu kỳ như thược dược hay sặc sỡ gọi mời như cánh bướm, mộc khiêm nhường từng chùm nhỏ, kín đáo, e ấp như chính cái tên mộc mạc, chân quê. Duy chỉ có hương thơm tha thiết nhớ thương là không giấu nổi, cứ vương vấn, cứ lưu luyến bước chân người.

leftcenterrightdel
 

Mộc vừa là loài cây thân thuộc của quê hương xứ sở vừa ghi dấu kỷ niệm riêng của gia đình em. Cụ ngoại xưa là thầy lang đức độ, thông tuệ trong vùng, vì nhớ thương người con trai xa nhà tên Mộc, đã đem trồng trong vườn một cây mộc. Cây lớn dần, mỗi xuân về, bền bỉ hương bay. Đất bãi bồi, phù sa màu mỡ nên mộc rất sai hoa. Ngày còn bé, em thích hái những chùm hoa nhỏ xíu, xinh xắn, thơm tho ấy bỏ vào túi áo, thi thoảng đem ra hít hà. Đến khi lớn lên, xa nhà, trong nỗi niềm nhớ quê, em thường đếm ngược thời gian chờ Tết về ngắm quất vàng hoa trắng, gặp mưa phùn dai dẳng cùng hương mộc tràn ngập khắp sân vườn.

Mộc giống cô gái nhỏ dịu dàng, không náo nức hương sắc. Tuy không xấu hổ, rụt rè như trinh nữ vội vàng khép lá nhưng ai muốn yêu đến tận cùng nét mộc thanh nhã ấy cũng phải giữ cho lòng đôi chút lặng yên. Thời khắc hoa tỏa hương mạnh nhất là khi khuya khoắt hay lúc tinh sương. Hoa gặp mưa bụi như rây bột thì đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu càng thơm sâu thẳm. Hoa lặng thầm thao thức suốt ba tháng mùa xuân, hương lẩn vào gió, lẫn vào mưa, thoảng nhẹ, tựa có, tựa không.

Từ bóng cây gói ghém tình cha nhớ thương con, mộc đã đứng bình yên hơn nửa thế kỷ trong khu vườn quê yên tĩnh. Một đời cây ôm trọn mấy đời người. Mộc chứng kiến nhiều nỗi vui buồn, ly hợp. Năm tháng qua đi, mộc không cao lớn thêm nhiều vì đặc tính sinh trưởng chậm. Người sành sỏi am hiểu bảo rằng phải nhìn vỏ mà đoán tuổi cây. Rồi một ngày, thành phố có chủ trương làm công trình nước thải, đất đai nằm trong diện giải tỏa. Cả khu vườn của ông bà khi ấy đáng giá nhất là cây mộc. Mộc được bác em xin vào phố. Cây sống trong chậu không quen, cứ héo úa, rụng lá dần. Thương cây gắn với kỷ niệm gia đình, nhớ công cụ chăm sóc xưa kia, bác đem mộc trồng trong vườn nhà cậu, cũng là đất tổ tiên để lại. Lạ kỳ thay, mộc trở về phong vị quê hương lại tươi xanh nhựa sống. Sau này, những đứa cháu lớn khôn dựng vợ gả chồng, muốn xin lộc cụ, sẵn nghề, cậu đều chọn đất bó bầu, chiết cành cho chúng mang đi. Cây là kỷ niệm nhắc nhở cội nguồn. Từ lâu, một phần cành lá mộc già đã theo con gái ông Mộc vào miền Trung mà cắm rễ, tựa hương bay. Mộc tuy không hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở đây nhưng luôn được chăm tưới, giữ gìn, trân quý bởi cây đâu chỉ là cây, cây còn là tấm tình của ông, của cha để lại.

Bây giờ, ông Mộc, ông ngoại và nhiều ông bà nữa đều về quây quần bên cụ nhưng tình cảm yêu thương gia đình còn chảy mãi. Em chỉ nghe cụ qua lời kể nhưng em hiểu ông ngoại giống cụ ở sự đức độ, hiền từ, thương con, thương cháu. Em đọc rằng cậu bé Nôbita ở nước Nhật rất nhớ bà ngoại. Bà là chỗ dựa tinh thần, là niềm an ủi cho chú bé yếu ớt, hậu đậu. Bà tặng cậu con lật đật với lời chúc cháu của bà sẽ không khóc khi ngã và dù ngã thế nào cũng có thể tự mình đứng dậy. Thấy lại lật đật, món quà thơ ấu bà tặng năm nào, chú bé nghẹn ngào rơi nước mắt. Còn em, mỗi khi gặp hương hoa mộc trong gió thoảng, em thường nghĩ, đâu đó trên cao, ông ngoại vẫn dõi mắt theo em. Từ ngày ông vắng xa, em có thói quen ngồi trước cửa nhà thờ, ngắm nhìn mảnh vườn nho nhỏ còn lại sau quy hoạch. Trên mảnh vườn, nay đã trồng một cây mộc khác, xuân về cũng thao thức đưa hương. Mai đây, cây sẽ có đời sống riêng và lũ trẻ lớn khôn lại thấy trong cây bóng quê gần gũi.

Giữa tiết trời đang độ mùa xuân, đêm quê ngoại thật bình yên, tĩnh lặng. Đêm đong tràn dịu ngọt, khẽ khàng hương mộc cứ mải miết chạm vào trí nghĩ của người hay thương nhớ những ngày xưa…

Bài và ảnh: Thu Hằng
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra