Thương nhớ quê nhà

Thứ hai, 22/03/2021 15:35
(ThanhtraVietNam) - Những đứa con của mẹ mặc dù lên phố cũng ngót nghét mười lăm, hai chục năm nhưng may thay vẫn giữ được nét quê kiểng, vẫn nhớ mình là người của quê và coi thành phố chỉ là nơi mình mưu sinh chứ không bị cái nét phố phá nhòa chất quê. Mỗi bận được nghỉ là lại về với quê, về với mẹ liền. Quê đối với chúng nó chẳng bao giờ chán. Mặc dù cũng ngót nghét gần hai mươi năm sống ở đó, mọi thứ thân thuộc, quen làu như lòng bàn tay.

Mẹ từ vườn bước vô trên tay cầm nhúm rau cải bẹ lá không còn được mướt xanh, thân lốm đốm vài cái u sần sùi, loại cải mà mẹ hay muối dưa. Mẹ giơ nhúm cải nói với đám con. Trông nó xấu mã thế chứ mẹ muối dưa cái là thành món ngon ngay. Mẹ liền bắt tay vào công cuộc muối dưa, giũ bỏ đất phía gốc cho lên chiếc nong tre đưa ra mảnh sân phơi nắng cho héo. Mẹ đợi chừng một con nắng rồi rửa sạch lại với nước lạnh, cắt khúc, ngâm với nước vo gạo rồi chuẩn bị muối, tiêu, cay cho vào hũ sành muối. Chừng độ dăm, bảy ngày hũ dưa muối của mẹ ngả màu vàng thì vớt ra ăn được.

Lúc ăn mẹ lên kế hoạch muối thêm mấy hũ nữa đặng con Hai, thằng Út lên thành phố mang theo mà ăn. Mẹ kêu lên đó san sẻ cho hàng xóm, bà con trong khu trọ. Mẹ biết, ba cái đồ nhà quê, dưa cà ấy mà lại khiến nhiều người say đắm. Và mẹ cũng lo sợ những đứa con của mẹ nếu mua ngoài ăn thì không biết nơi nào mới đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hồi xưa con Hai, thằng Út còn ngại ngùng xách đồ của mẹ từ quê lên cứ chối đây đẩy, còn bây giờ mỗi lần mẹ lên kế hoạch thì gật đầu đồng ý ngay tắp lự.

Những đứa con của mẹ mặc dù lên phố cũng ngót nghét mười lăm, hai chục năm nhưng may thay vẫn giữ được nét quê kiểng, vẫn nhớ mình là người của quê và coi thành phố chỉ là nơi mình mưu sinh chứ không bị cái nét phố phá nhòa chất quê. Mỗi bận được nghỉ là lại về với quê, về với mẹ liền. Quê đối với chúng nó chẳng bao giờ chán. Mặc dù cũng ngót nghét gần hai mươi năm sống ở đó, mọi thứ thân thuộc, quen làu như lòng bàn tay.

Buổi sớm ở quê tỉnh giấc không phải là tiếng đồng hồ kêu một hồi chuông rộn rã mà là tiếng của lũ khướu sau bụi tre, bụi nứa, có khi là tiếng lũ gà trống gáy rền vang, lũ chó nghịch ngợm trêu đùa nhau kêu ăng ẳng. Ban mai quê tĩnh lặng một cách không ngờ. Nắng xiên xéo muôn đám lá xanh ngoài vườn, trước sân, xa xa là dãy núi trập trùng, cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Màu xanh lấp lánh trong ánh nắng dịu nhẹ. Hơi sương lành lạnh bốc lên từ mấy ụn đất nâu, pha chút hơi ẩm của lá mít, lá nhãn ẩm mục quyện thành một thứ mùi ngai ngái, thứ mùi rất đỗi chỉ có quê mới có. Trong khi những đứa con đang mải mê ngắm đất trời, ngắm cỏ cây thì trong chái bếp mẹ đã lom khom nhóm bếp thổi cơm. Khói bếp tà tà bay lên, chờn vờn, từng lọn rồi bay tít lên không khung. Khung cảnh mờ mờ, ảo ảo, gợn sự bình yên da diết.

Củ khoai, củ sắn mẹ luộc bốc khói nghi ngút trên chiếc chõng tre nóng hôi hổi. Có khi là khoai vừa mới đào ngoài bãi bở tơi, khoai từ vụ trước mật đượm thấm ngọt lừ. Củ sắn trên nương trắng ngà, bùi bùi, ngòn ngọt. Hồi xưa nhà nghèo ăn hoài, ăn mãi mà không biết chán. Cho tới khi khoai, sắn trở thành thứ “đặc sản” trên phố, những đứa con của mẹ vẫn thấy chúng ngon một cách lạ kì.

Ăn xong, ngơi nghỉ cho ngót bụng rồi mặc quần áo lao động ra vườn, ra ruộng với mẹ. Ruộng lúa đang thì con gái xanh mơn mởn, mấy chùm cỏ me, cỏ kê, cỏ lác cũng theo lúa mà tốt lên. Mẹ khom lưng nhổ từng bụi, vắn lại và đưa chúng lên bờ. Bùn bám tay mẹ, bám đôi bàn chân giao chỉ, bám cả lên khuôn mặt chằng chịt những vết chân chim. Mẹ làm ruộng từ rất sớm, ngày xưa mẹ học chưa đến lớp năm mẹ phải nghỉ học theo ông bà ngoại ra đồng cấy, hái, làm cỏ. Cái mùi bùn thấm đẫm phù sa theo mẹ mấy chục năm trời lận. Mẹ đưa tay quệt quệt lên trán đùa, cái mùi bùn với mẹ như mùi nước bông sang trọng vậy đó. Cái tính tếu táo của mẹ làm những đứa con cười ngay nhưng rồi phút chốc lại chạnh lòng. Mỗi mùa xuân sang mẹ lại càng thêm già cỗi lắm rồi nhưng mẹ vẫn làm bạn với bùn để đỡ gánh nặng cho đám con cháu, chẳng biết bao giờ mẹ mới được nghỉ ngơi, không còn dính với bùn đất?

Loanh quanh quê nhà cũng đến ngày những đứa con phải rời quê lên thành phố mưu sinh, dẫu rằng rất muốn ở lại thêm với mẹ, với quê ít ngày nữa nhưng không thể. Quê nhà với chúng thiêng liêng và gần gụi hơn bao giờ hết. Ở đó chúng được tắm táp bằng những bình yên, những vị ngọt thân thương mẹ và quê hương bồi đắp từ thuở ấu thơ tới giờ. Bước chân lên bến tàu, vẫy vẫy đôi tay chào mẹ. Tàu lăn bánh, bóng dáng gầy còm lầm lũi của mẹ khuất gần lùi xa, mắt những đứa con bỗng nhòa lệ hoen mi…

 

Tăng Hoàng Phi

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra