Hoàn thành lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản đã được ghi danh
Theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình là hoàn thành việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di sản đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh, các di tích quốc gia đặc biệt đã được xếp hạng.
Đồng thời, tu bổ, tôn tạo tổng thể các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, khảo cổ được UNESCO ghi danh, cấp quốc gia đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu. Trong đó, có ít nhất 3 di sản đã được UNESCO ghi danh và 13 di tích quốc gia đặc biệt; ít nhất 11 di tích cách mạng - kháng chiến quan trọng; ít nhất 20 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, khảo cổ cấp quốc gia có giá trị đang bị xuống cấp; hỗ trợ chống xuống cấp, tu bổ cấp thiết ít nhất 400 lượt di tích cấp quốc gia.
Thực hiện các dự án chỉnh trang nội dung trưng bày, nâng cấp trang thiết bị và hệ thống trưng bày bảo tàng, bao gồm: Duy tu, bảo trì hệ thống trưng bày và kho lưu giữ hiện vật của các bảo tàng công lập; trang bị, thay thế trang thiết bị, nâng cấp trưng bày các bảo tàng cấp quốc gia, bảo tàng tại các vùng kinh tế trọng điểm, các địa bàn có sức thu hút khách du lịch; duy tu, bảo trì hệ thống trưng bày và kho bảo quản bảo vật quốc gia; kiểm kê, sưu tầm di vật, hiện vật, cổ vật quý hiếm.
Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ, kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu có giá trị tiêu biểu. Đặc biệt, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong di sản văn hóa ở lĩnh vực bảo tàng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu (trưng bày, thuyết minh, bảo quản, tu bổ, phục chế, thực hành, trao truyền...); tư liệu hóa, số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa; phát triển các ứng dụng công nghệ số nhằm hỗ trợ nâng cao trải nghiệm của khách tham quan tại di tích, bảo tàng, điểm tham quan, điểm du lịch...
Ô Quan Chưởng - Di tích lịch sử đã được xếp hạng. Ảnh: PV&BT
Một nội dung quan trọng khác là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực di sản văn hóa thông qua việc triển khai các lớp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng (ngắn hạn và dài hạn), tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ cho nguồn nhân lực di sản văn hóa ở trong nước và nước ngoài; biên soạn tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng với nội dung, hình thức phong phú, dễ nắm bắt, cập nhật.
Cùng với đó, việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa ở trong nước và nước ngoài cũng cần được chú trọng, với các hoạt động như trưng bày, giới thiệu tại các bảo tàng trong nước và một số bảo tàng, trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; tổ chức các liên hoan, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể ở trong nước và quốc tế, các cuộc thi sáng tác, triển lãm về di sản văn hóa.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để tránh thất thoát, lãng phí
Để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, nội dung nêu trên, cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Theo đó, phổ biến, nâng cao nhận thức, pháp luật về di sản văn hóa bằng việc tăng cường tập huấn, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các chương trình, hoạt động tương tác, xã hội hóa trong công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp với các cơ quan báo chí, các đài truyền hình, đài phát thanh đẩy mạnh tuyên truyền.
Cần đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực thực hiện Chương trình nhằm huy động sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và xã hội đối với lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đáng chú ý, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát việc thực hiện các mục tiêu, và tiến độ triển khai các nhiệm vụ; huy động sự tham gia, đóng góp, giám sát của xã hội trong việc thực hiện mục tiêu của Chương trình. Ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực, thất thoát, lãng phí nguồn vốn được cấp.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm xây dựng nội dung, kế hoạch, phương án phân bổ kinh phí cho từng nhiệm vụ chi thường xuyên cho các bộ, ngành, địa phương phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ được giao, gửi Bộ Tài chính, để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Việc quản lý việc triển khai và chịu trách nhiệm xây dựng nội dung Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối.
Nguyên Khôi