Tu bổ Chùa Cầu - cần đánh giá khách quan

Thứ tư, 31/07/2024 14:20
(ThanhtraVietNam) - Diện mạo mới của di tích Chùa Cầu ở Hội An sau khi được tu bổ đang nhận được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân với nhiều ý kiến khác nhau. Đây là vấn đề cần được nhìn nhận, đánh giá khách quan ở các góc độ.

Ông Trần Duy Đông giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc

Một công ty than có nhiều gói thầu tỷ lệ tiết kiệm “khiêm tốn”

“Bắt mạch” nguyên nhân 50 trận động đất xảy ra trong 3 ngày tại Kon Tum

Nhiều nơi ở Lạng Sơn ngập sâu, sạt lở do mưa lớn kéo dài

Một người chết ở Thái Nguyên do bị lũ cuốn trôi

Luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác tiếp công dân

Biểu tượng văn hóa kiến trúc độc đáo của phố cổ Hội An

Chùa Cầu, tên chữ là Lai Viễn kiều, là cây cầu được xây dựng vào giữa thế kỷ 17, nằm ở trung tâm phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đây là một trong những di tích được chọn để in trên tờ tiền 20.000 đồng đang lưu hành ở Việt Nam.

Năm 1990, Chùa Cầu được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Đến năm 1999, UNESCO ghi tên đô thị cổ Hội An vào Danh mục Di sản Văn hóa Thế giới, trong đó Chùa Cầu là biểu tượng văn hóa kiến trúc độc đáo, quan trọng bậc nhất trong quần thể di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An.

leftcenterrightdel
Chùa Cầu trước khi được tu bổ năm 2022. (Ảnh: tienphong.vn) 

Chùa Cầu được xây dựng trên một chiếc cầu bằng gỗ dài khoảng 18m, vắt ngang một lạch nước sâu chảy ra sông. Giữa cầu là lối thẳng cho xe ngựa qua lại, hai bên là hai lối cuốn lưng lừa dành cho khách bộ hành. Chùa và cầu đều được sơn son và chạm trổ rất tinh vi với nhiều họa tiết đẹp mắt. Ở hai đầu cầu, một bên có hai tượng chó, một bên có hai tượng khỉ.

Trong suốt những năm qua, Chùa Cầu được các cơ quan chức năng quan tâm, tu bổ, là điểm đến quen thuộc của đông đảo du khách Việt Nam cũng như quốc tế. Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Hội An, từ khi được xây dựng, Chùa Cầu đã được tu bổ ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1915, 1962, 1986, 1996.

Tuy nhiên, do nằm ở vùng trũng, chịu sự tác động của thời gian, thiên nhiên, Chùa Cầu bị xuống cấp nghiêm trọng và cần được tu bổ một cách toàn diện, bài bản.

Ngày 28/12/2022, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã khởi công Dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu với vốn đầu tư 20,3 tỷ đồng và được thực hiện trong hai năm 2022 và 2023. Theo đó, di tích này được trùng tu các hạng mục, như: Nền, móng, mố, trụ cầu; sàn, khung gỗ, mái; chống mối công trình…

Diện mạo mới gây nhiều tranh cãi

Sau 1,5 năm tiến hành tu bổ, di tích Chùa Cầu đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục và dự kiến chính thức mở cửa đón khách vào ngày 3/8/2024, nhân sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” lần thứ 20.

Song diện mạo mới của di tích này đang nhận được sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều người khen di tích đẹp nhưng cũng một số ý kiến trái chiều.

leftcenterrightdel
Diện mạo mới của Chùa Cầu sau tu bổ. (Ảnh: Báo Quảng Nam) 

Trong đó, màu mới, sáng phần tiếp giáp giữa mố cầu và mặt cầu của Chùa Cầu, khác hẳn với vẻ rêu phong cổ kính ban đầu nhận được nhiều ý kiến nhất. Nhiều người dân bày tỏ rằng, việc trùng tu Chùa Cầu đã làm mất đi vẻ đẹp cổ kính vốn có của di tích và không phù hợp với không gian cổ kính của phố cổ Hội An. Thậm chí, có ý kiến cho rằng Chùa Cầu đã bị trùng tu sai, làm hỏng di sản.

Song có nhiều ý kiến cho rằng, hình ảnh mới của Chùa Cầu là không tránh khỏi. Chị Lan Anh, một du khách ở Hà Nội vào thăm phố cổ Hội An đúng dịp Chùa Cầu gần hoàn thành trùng tu, cho biết: Là một di tích hơn 400 năm tuổi, chắc chắn nhiều hạng mục, thành phần của Chùa Cầu bị hư hỏng và xuống cấp trầm trọng. Do đó, việc tu bổ, tôn tạo là cần thiết và sẽ không tránh khỏi khi diện mạo “trông như mới”. Tôi nghĩ rằng, theo thời gian sau, màu vôi mới của Chùa Cầu sẽ dần cũ đi, điều quan trọng nhất là việc tu bổ đã giữ được sự tồn tại của di tích như hiện trạng ban đầu.

Trên mạng xã hội, không ít người đồng tình với quan điểm, ý kiến nêu trên của chị Lan Anh.

Việc trùng tu Chùa Cầu là tất yếu khách quan

Sau hơn 400 năm tồn tại trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung, Chùa Cầu đã xuống cấp và hư hỏng nặng: Phần móng bị lún, nghiêng; nhiều kết cấu bằng gỗ bị mối mọt, mục ruỗng; hệ thống tường bao bằng gạch bị bong tróc…, đã khiến cho tổng thể Chùa Cầu bị biến dạng phần nào; liên kết kiến trúc bị yếu đi, khiến công trình có thể sụp đổ, nhất là khi có mưa bão tấn công. 


Trước đó, tháng 12/2023, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An (Quảng Nam) cho biết, buổi tọa đàm tham vấn về công tác tu bổ Chùa Cầu do UBND thành phố Hội An tổ chức đã đi đến quyết định tạm dừng tu bổ phần sàn của di tích chùa Cầu (lối đi qua cầu của chùa Cầu) do có nhiều ý kiến chưa thống nhất.

Là di tích đặc biệt của quốc gia, là di sản văn hóa thế giới, việc tu bổ Chùa Cầu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Nam, thành phố Hội An và các cơ quan, tổ chức liên quan tiến hành cẩn trọng và bài bản.

Ngày 16/8/2016, Hội thảo quốc tế về trùng tu Chùa Cầu được tổ chức quy mô lớn với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về tu bổ di tích kiến trúc gỗ trong nước và Nhật Bản. Đa số các đại biểu tại Hội thảo đều thống nhất quan điểm chung là Chùa Cầu cần thiết và cấp thiết phải được trùng tu tổng thể, căn cơ vì mục tiêu gìn giữ nguyên vẹn và lâu dài giá trị di tích.

Để tiến tới trùng tu Chùa Cầu, các cơ quan chức năng đã tổ chức sưu tầm, nghiên cứu khoa học thông tin, tư liệu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của di tích trên cơ sở tập hợp, phân tích các thông tin, tư liệu, bài nghiên cứu đã có trước đây, đồng thời triển khai một số chuyên đề mới cần thiết để phục vụ dự án.

Theo lãnh đạo thành phố Hội An, quá trình trùng tu di tích được giám sát chặt chẽ từ cán bộ ngành văn hóa, cơ quan Trung ương và có chuyên gia tư vấn Nhật Bản tham gia, trên nguyên tắc công khai, minh bạch.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, Chùa Cầu được trùng tu đảm bảo tiệm cận với tính nguyên gốc, nguyên bản. Chỉ thay thế những cột, trụ, thanh gỗ đã mục, hỏng, nguy cơ sụp đổ công trình. Chỉ trùng tu, gia cố móng, cột, kết cấu... để đảm bảo an toàn cho di tích và tính bền vững; còn lại đã lắp ráp nguyên cũ, lợp lại ngói cũ...

leftcenterrightdel
 Màu sơn đỏ của Chùa Cầu tồn tại từ trước năm 1985. (Ảnh: VTV)

Riêng việc sơn lại đường viền sáng màu, lệch khá xa so với màu cũ hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến giá trị cốt lõi của di tích. Trong quá trình trùng tu di tích Chùa Cầu, tất cả các hạng mục đều được thi công đúng theo hồ sơ đã được phê duyệt.

Ghi nhận, tiếp thu những ý kiến trái chiều về màu sơn mới của Chùa Cầu, thành phố Hội An đã chỉ đạo thực hiện việc sơn lại đường viền màu trắng, phần tiếp giáp giữa mố cầu và mặt cầu cho sậm hơn.

Như vậy, việc trùng tu, tôn tạo di tích Chùa Cầu là tất yếu khách quan và tuân thủ nguyên tắc, đảm bảo công khai, minh bạch, được nhiều chuyên gia đánh giá cao.

Được biết, Hồ sơ về quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu đã được Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tập hợp, biên soạn và xuất bản với tên gọi “Tu bổ di tích Chùa Cầu” và dự kiến phát hành trong dịp khánh thành ngày 3/8/2024 với hy vọng sẽ đem đến cho các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia, du khách, người dân Hội An có cái nhìn cặn kẽ, thấu đáo, hiểu rõ hơn quá trình tu bổ di tích Chùa Cầu./.

Hoàng Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra