Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng lớn của dân tộc và thời đại. Một trong những di sản tinh thần vô giá mà Người để lại cho chúng ta là những tư tưởng chiến lược về giáo dục, đào tạo, tổ chức và phát huy vai trò to lớn của thanh niên. Ngay từ khi bắt đầu truyền bá tư tưởng cách mạng cho dân tộc, Bác đã chọn thanh niên là đối tượng đầu tiên, lực lượng trẻ đầy lòng yêu nước và sẵn sàng hy sinh cho cách mạng.
Tháng 6.1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã thành lập “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội”, xuất bản tờ báo Thanh Niên. Năm 1926-1927, Bác trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo hơn 200 thanh niên Việt Nam yêu nước, rồi đưa trở về nước xây dựng phát triển phong trào cách mạng. Bác đã lựa chọn giới thiệu nhiều thanh niên ưu tú đến học tại Trường Đại học Phương Đông, trong số đó nhiều người sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta.
Bởi vậy, chỉ một năm sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mùa Xuân 1931, Đoàn thanh niên Cộng sản đã được thành lập. Tính từ mùa xuân năm 1931 đến nay đã vừa tròn 90 năm.
Trong suốt chiều dài lịch sử, tuổi trẻ nước ta hết thế hệ này đến thế hệ khác, đã nêu cao truyền thống yêu nước, chí khí anh hùng, cống hiến to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Trong kháng chiến chống ngoại xâm đã làm nên một thời hào hùng, ra trận cứu nước với lời thề son sắt “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Thế giới đã hết lời ca ngợi về khí phách của tuổi trẻ và dân tộc Việt Nam với những chiến công hiển hách của thế kỷ XX và vinh danh là “lương tri nhân loại”. Niềm tin, lý tưởng đã giúp tuổi trẻ và các thế hệ anh hùng của dân tộc chúng ta viết nên những điều kỳ diệu ấy. Trong hòa bình, xây dựng đất nước, tuổi trẻ đã ra sức học tập, rèn luyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đắc lực làm nên những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, khẳng định uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong giai đoạn hội nhập quốc tế và phát triển đất nước hiện nay, thanh niên vẫn khẳng định là lực lượng hăng hái xung kích, đi đầu trong thực hiện các chương trình, mục tiêu của sự nghiệp đổi mới, nổi bật là hai phong trào lớn “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, được tiến hành cụ thể ở bốn chương trình hành động “Lập thân, lập nghiệp, xây dựng đất nước phồn vinh”, “Bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an ninh”, “Nâng cao dân trí, bồi dưỡng tài năng trẻ, phát triển văn hóa, thể thao”, “Công tác xã hội, bảo vệ môi trường”... đã thu hút hàng triệu thanh niên tham gia, chủ động sáng tạo, cống hiến cho Tổ quốc.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, trong thời gian qua, cùng với các cấp, ngành, các địa phương, tuổi trẻ cả nước đã và đang có nhiều hoạt động hết sức thiết thực nhằm phát huy vai trò xung kích tình nguyện của thanh niên trong việc chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bảo vệ sức khỏe cộng đồng…
Báo cáo Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình đại hội XIII của Đảng, đề ra mục tiêu “đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số” (1).
Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, Đảng và nhân dân ta phải chúng ta phải chú trọng chăm lo, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa; bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước; nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; xây dựng môi trường, điều kiện cho học tập, lao động, giải trí, rèn luyện; phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ cho thế hệ trẻ; tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, làm chủ các kiến thức khoa học công nghệ hiện đại; phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Còn nhớ, Tổng Bí thư Lê Duẩn từng căn dặn: “Thanh niên là đội xung kích và quân chủ lực đông đảo. Thanh niên phải đi đầu trong cách mạng khoa học kỹ thuật, phấn đấu và tiến lên làm chủ khoa học kỹ thuật để làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân... thanh niên phải vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao trong nhiều ngành khoa học, từng bước xây dựng nền khoa học kỹ thuật hiện đại của Tổ quốc, đi vào những ngành khoa học mũi nhọn của thời đại” (2). Vì như chúng ta biết chỉ có khoa học kỹ thuật mới có thể giúp rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam với các nước giàu mạnh, phát triển và cũng chỉ có khoa học kỹ thuật mới góp phần đưa đất nước Việt Nam tiến lên “sánh vai cùng với cường quốc năm châu” như mong muốn của Bác Hồ.
Năm nay, tổ chức kỷ niệm lần thứ 90 ngày thành lập Đoàn TNCSHCM (26/3-1931 - 26/3/2020) và lần thứ 65 ngày thành lập Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam (15/10/1956 - 15/10/2006), là dịp để toàn Đảng và toàn dân ta nhìn nhận lại sự cống hiến to lớn, truyền thống vẻ vang và sự trưởng thành vượt bậc của các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để thanh niên Việt Nam mãi mãi xứng đáng với lời động viên dạy bảo của Bác Hồ: “Đâu cần thanh niên có - Việc gì khó có thanh niên” vấn đề chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo phát triển toàn diện cho thanh niên hiện nay phải được xem là quốc sách, là chiến lược hàng đầu, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tộc.
Nguyễn Văn Thanh
Chú thích:
(1)- Báo cáo Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình đại hội XIII của Đảng, Tạp chí Cộng sản số 959 (2-2021), trang 25, 26.
(2)- Lê Duẩn: Tuổi trẻ anh hùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, H, NxB QĐND, 1980, tr 17