Về hiện tượng sùng bái Quan Công

Thứ tư, 29/12/2021 16:48
(ThanhtraVietNam) - Hiện nay tượng Quan Công được các cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ chế tác, bày bán rất nhiều. Nhiều gia đình, công sở, cơ quan, doanh nghiệp của người Việt trưng bày, thờ cúng tượng Quan Công, có dự án du lịch còn đề xuất dựng tượng nhân vật này cao tới 36m, vậy chúng ta nên nhìn nhận về hiện tượng này như thế nào?

Quan Công (158 - 220), tên thật là Quan Vũ, tự Vân Trường, Trường Sinh, người quận Hà Đông, nay là Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Người Việt Nam biết đến Quan Công chủ yếu qua ba lĩnh vực: Lịch sử, tín ngưỡng và văn học - nghệ thuật. 

Về lịch sử, bộ sử “Tam Quốc chí” của Trần Thọ - người từng làm quan với nhà Thục và triều Tây Tấn, biên soạn vào thế kỉ III, đây là bộ sử chính thống của Trung Quốc, trong đó có chép lại khá chân thực về Quan Công - vị tướng nhà Thục thời Tam quốc: Dũng mãnh, có tính tự đại, kiêu ngạo, đánh trận bị thua nhiều lần, được giao trọng trách trấn giữ vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng là Kinh Châu thì để mất, bị bắt và xử tử, làm ảnh hưởng tới sự tồn vong của nhà Thục.

Về tín ngưỡng thờ cúng Quan Công, vào đời nhà Tùy (thế kỷ VI), dân gian lập miếu thờ tại quê hương nhân vật này ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, các truyền thuyết bắt đầu được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, trong đó nổi bật là chuyện Đức Quan Thánh quy y Phật pháp. Từ đó tên tuổi và uy danh tâm linh của Quan Công được lan truyền ở Trung Quốc.

Sang đời Đường (giai đoạn từ thế kỷ VII đến thế kỷ X), Phật giáo Trung Quốc ghi nhận Quan Công là vị thần Hộ pháp già lam. Đến đời Tống (thế kỷ X - XIII), Quan Công được thờ cúng khắp mọi nơi với vai trò vị Thánh trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, thậm chí cả Khổng giáo và Lão giáo cũng xuất hiện nhiều truyền thuyết, huyền tích để kéo Quan Công về đạo mình. Các triều đại phong kiến cũng lợi dụng danh tiếng Quan Công để bảo vệ lợi ích của họ, do vậy tước danh của Quan Công được phong không ngừng, theo hướng càng ngày càng cao: Từ Hầu, Công, Vương cho tới Đại Đế, Thánh Quân.

Theo một số nhà nghiên cứu, tín ngưỡng thờ Quan Công của Trung Quốc được truyền vào nước ta trong thời Bắc thuộc, giai đoạn nhà Tùy, nhà Đường cai trị, các thế kỷ sau này tiếp tục theo chân lưu dân người Hoa đến miền Bắc Việt Nam và được dung hợp với tín ngưỡng bản địa (hiện ở Thủ đô Hà Nội còn có các đình: Hồi Mỹ, Châu Long, Tây Luông, Yên Viên thờ Quan Công làm Thành Hoàng, đền Ngọc Sơn ở Hồ Gươm cũng phối thờ Quan Công).

Đến thời cuối Minh đầu Thanh, xã hội Trung Quốc biến động, nhiều đoàn người Hoa đến Đại Việt tị nạn mang theo hình thức thờ cúng Quan Công đương thời truyền đến Đàng Trong, được người dân vùng này tiếp thu, từng bước dung hợp với các tín ngưỡng bản địa. Một số tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ như đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cao Đài và một số chùa ở Nam Bộ cũng thờ cúng Quan Công.

Cộng đồng người Hoa sinh sống lâu đời ở Việt Nam được công nhận là một dân tộc thiểu số trong 54 dân tộc anh em. Về hiện tượng người Kinh và người Hoa thờ cúng Quan Công ở Nam Bộ:“Đây chính là sự đồng cảm về mặt văn hóa tinh thần, sự cộng cảm tâm linh và quá trình giao lưu văn hóa của các dân tộc anh em trong tiến trình khai khẩn, xây dựng và phát triển trên vùng đất phương Nam của tổ quốc từ hàng trăm năm qua.” (1)

Về ảnh hưởng qua văn học - nghệ thuật, bộ tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” của tác giả La Quán Trung - một trong “tứ đại danh tác”, “tứ đại kỳ thư” của văn học Trung Hoa, làm si mê bao thế hệ người đọc. Ra đời vào thời kỳ đầu nhà Minh, bộ tiểu thuyết trứ danh này được phóng tác dựa trên các tác phẩm có trước, sử liệu và truyền thuyết dân gian theo kiểu “bảy thực, ba hư”, do vậy độ tin cậy về lịch sử dĩ nhiên không thể bằng bộ sử “Tam quốc chí” của sử gia Trần Thọ được ghi chép ở thế kỷ III (hơn 1.000 năm về trước). Ngoài tiểu thuyết, hình tượng Quan Công đến với khán giả Việt Nam qua kịch, tuồng, hội họa, điêu khắc, điện ảnh…

Nhiều người Việt Nam thích sưu tầm, trưng bày, chế tác tượng, vẽ tranh Quan Công, thậm chí vào năm 2015, Công ty Cổ phần thương mại sản xuất bao bì Thành Lợi (có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh) còn xin phép UBND tỉnh Sóc Trăng dựng tượng Quan Công với chiều cao dự kiến là 36m bằng vật liệu bê tông cốt thép tại dự án đầu tư Khu du lịch tâm linh - biển Vĩnh Châu nhằm tạo điểm nhấn, thu hút của khu du lịch, tuy nhiên đề nghị này đã không được chấp thuận và chủ đầu tư được chính quyền tỉnh gợi ý thay thế bằng các tượng khác phù hợp. Theo một số nhà văn hóa, nhà báo và người dân địa phương: Việc thờ cúng Quan Công là theo tín ngưỡng dung hợp, nhưng xây dựng tượng Quan Công nhìn ra Biển Đông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là không phù hợp, nếu chủ đầu tư đề xuất xây dựng tượng Phật hay tượng các vị anh hùng có công với nước như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trung Trực,… thì có lẽ ai cũng ủng hộ (2).

Tóm lại người Việt Nam tiếp xúc với ba gương mặt Ngài Quan khác nhau:

- Quan Vũ trong lịch sử là vị tướng có thật nhà Thục thời Tam quốc (thế kỷ III), vũ dũng nhưng “cương và tự phụ,… lấy sở đoản chuốc lấy thất bại” (theo bộ chính sử Tam quốc chí của Trần Thọ).

- Quan Vân Trường trong văn học - nghệ thuật là nhân vật được lý tưởng hóa, siêu nhân hóa, thần tượng hóa thành người trung nghĩa, dũng mãnh, văn võ toàn tài. Sách giáo khoa Ngữ văn 10 cũng đã đưa trích đoạn “Hồi trống Cổ Thành” trong “Tam quốc diễn nghĩa” có nói về Quan Công vào giảng dạy cho học sinh Trung học phổ thông.

- Quan Thánh Đế Quân, Hộ pháp già lam là vị thần trong tín ngưỡng, tôn giáo…

Như vậy, Quan Công từ một nhân vật lịch sử có thật không quá nổi bật, được truyền thuyết dân gian lan truyền, được tiểu thuyết gia phóng tác, được các triều đại phong kiến Trung Quốc lợi dụng suy tôn thần thánh hóa. Do vậy, hình tượng Quan Công trong văn học - nghệ thuật và tín ngưỡng dân gian khác quá xa so với nguyên mẫu trong lịch sử.

Liên hệ ở Việt Nam có danh tướng Trần Quốc Tuấn được sử sách, nhân dân suy tôn là Đức Thánh Trần, thờ phụng khắp mọi nơi, chiến công lừng lẫy đánh tan đạo quân xâm lược của đế chế Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ, được Tân Bách khoa toàn thư đảo Anh (The new Encyclopædia Britannica) xếp hạng các vị danh tướng trên thế giới. Như vậy, Trần Quốc Tuấn vừa có “danh”, vừa có “thực”. Điều này Quan Công không có.

leftcenterrightdel

Tượng Quan Công lớn nhất thế giới ở Kinh Châu - Trung Quốc bị phá dỡ, di dời
(Ảnh minh họa)

Ngay ở Trung Quốc, người ta cũng phân tích nêu lên mặt trái của hiện tượng tôn sùng Quan Công đã bị các triều đại phong kiến Trung Quốc lợi dụng để bảo vệ giai cấp thống trị, uy hiếp, trấn áp, dọa nạt nhân dân: “Rồi Quan Vũ luôn luôn là thần đứng hàng đầu trấn áp cách mạng dân tộc (như đời nhà Thanh) và những cuộc phản kháng của giai cấp (như đời Minh) dùng cái bộ mặt đỏ râu dài hung dữ “hiển thánh” để “bảo vệ” thành trì, “chiến thắng” nghĩa quân (trong những bản ghi chép và tiểu thuyết đời Minh viết những chuyện này rất nhiều) thời đó nhiều người bị những lời bày đặt hoang đường đó lừa bịp, trở thành lực lượng phản động làm trở ngại cách mạng. Âm mưu của kẻ thống trị phong kiến dĩ nhiên bỉ ổi nực cười. Chúng có thể lợi dụng được Quan Vũ vì Quan Vũ có cơ sở nhân dân sâu rộng, nhưng càng quan trọng hơn là ở chỗ bản thân truyện Tam Quốc có những nhân tố tư tưởng chính thống, ý thức phong kiến. Vì bản chất nhân tố đó chứa đầy rẫy những tư tưởng phản động, thậm chí có thể phủ định cả nhân dân tính và tư tưởng tính của cuốn tiểu thuyết vì vậy rất có hại. Chúng ta cần nhận thức rõ” (3).

Thêm nữa, việc dựng tượng đài Quan Công ở Trung Quốc gần đây cũng có vấn đề đáng nói. Đó là sự kiện vào năm 2018, tại thành phố Kinh Châu, thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc hoàn thành bức tượng Quan Công bằng đồng lớn nhất thế giới, cao 58m (ngang với tòa nhà 19 tầng), tổng trọng lượng 1.320 tấn (riêng thanh Long Đao của ông nặng 136 tấn), tốn phí khoảng 600 tỷ đồng Việt Nam, mục đích để làm điểm nhấn hút khách du lịch. Tuy nhiên bức tượng khổng lồ này là hiện tượng văn hóa gây tranh cãi ở Trung Quốc, việc dựng tượng đã vi phạm quy định của pháp luật địa phương về xây dựng, kiến trúc, bị quy kết "làm hỏng diện mạo và văn hóa lịch sử của Kinh Châu", những người ủng hộ tượng đài đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật thực hiện dự án. Cư dân địa phương thì phàn nàn rằng tượng đài làm xấu cảnh quan và bày tỏ thái độ bất bình. Vì vậy, chính quyền địa phương đã quyết định di dời bức tượng “vô dụng”, “lãng phí” này, mặc dù việc di dời này tốn phí tương đương 540 tỷ đồng Việt Nam (4).

Trang Giác Ngộ Online của Phật giáo cũng khuyên rằng: “Theo tinh thần chánh kiến của Phật giáo, người Phật tử Việt chỉ kính tin và thờ phụng Tam bảo (Phật - Pháp - Tăng) để thực hành Chánh pháp, tu tạo phước đức, phụng sự tha nhân là đã đầy đủ”, Phật tử người Việt không nhất thiết phải thờ Quan Công cũng như các vị thần khác như Ông Táo, Thổ Địa, Thần Tài…(5).

Do vậy, chúng ta chỉ nên thưởng thức cái hay, cái đẹp của những tác phẩm văn học - nghệ thuật về nhân vật Quan Công, còn sùng bái quá thì không nên./.

Nguyễn Khánh Toàn
Chánh Thanh tra Công an TP Hải Phòng

Chú thích:

 (1) Theo sách “Nam Bộ đất và người” (tập VI), NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2008;

(2) Tham khảo https://dantri.com.vn/xa-hoi/xay-tuong-quan-cong-tran-thu-bien-phia-nam-20151120121500272.htm;

(3) Trích Lời nói đầu bộ Tam quốc diễn nghĩa do Bộ biên tập - Nhân dân văn học xuất bản xã, Bắc Kinh, tháng 3-1959, Phan Kế Bính dịch ra Tiếng Việt, NXB Văn học tái bản năm 2016 theo bản in năm 1959 của NXB Phổ thông;

(4) Bài “Tượng Quan Công khổng lồ ở Trung Quốc xây 600 tỉ, tốn 546 tỉ di dời” trên https://tuoitre.vn/tuong-quan-cong-khong-lo-o-trung-quoc-xay-600-ti-ton-546-ti-di-doi-20210904113710733.htm;

(5) Trích bài “Phật tử có nên thờ Quan Công?” trên https://giacngo.vn/phat-tu-co-nen-tho-quan-cong-post53643.html.

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra