“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”
Đọc những câu thơ trên trong bài “Ông đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên không khỏi làm ta xao xuyến, bồi hồi. Bức tranh về một mùa Xuân mới nhộn nhịp như hiện ra trước mắt với những gam màu vô cùng sặc sỡ, tươi mới. Nó vừa pha trộn nét cổ kính, nhân văn gắn với phong tục truyền thống xin chữ đầu năm của dân tộc ta song cũng thấm đẫm tính thời đại.
Người xưa khi xin chữ thường rất chú ý đến người cho chữ bởi nét chữ thể hiện tinh thần, cốt cách người cho chữ và coi đây là một sự kiện rất đặc biệt. Vì thế, người ta chọn ngày, chọn hướng với tấm lòng tìm đến người mình tin tưởng, có đời sống đáng trân trọng noi theo. Người cho chữ phải là người dày công học hành, có thể chính là những ông đồ dạy học ở những làng quê hoặc phải là những người “có danh với núi sông”. Xin chữ còn là biểu tượng thể hiện sự kết nối văn hóa giữa người xin và người cho, giữa quá khứ và hiện tại. Do đó, theo phong tục, muốn xin chữ phải biện lễ có thể là một miếng trầu, một chai rượu hoặc sang hơn là một con gà. Có thể nói, mỗi người đến xin chữ với một tâm thế khác nhau, nhưng khi xin được câu đối hay con chữ linh thiêng như ý, người ta thường mang về nhà treo vào nơi trang trọng nhất, để cầu cho những điều ước nguyện được ẩn chứa trong những câu đối, con chữ được linh ứng. Bắt nguồn từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến cũng không nằm ngoài nét văn hóa đó. Mặc dù, so với trước đây, hình ảnh ông đồ bây giờ có khác, các chữ được xin cũng có phần đổi thay nhưng đó vẫn là nét đặc trưng của văn hóa Việt nuôi dưỡng tâm hồn con người.
Xin chữ đầu năm - nét văn hóa của người Hà Thành
Đầu thế kỷ XX, phong trào âu hóa, phong trào chữ quốc ngữ phát triển, tục xin chữ dần bị mất, như nhà thơ Tú Xương đã từng viết: “Vứt bút lông đi, dắt bút chì”. Khi nền cựu học mất đi, nền tân học mới phát triển, ông đồ không còn học trò nữa. Trước đây, gia đình học trò là người nuôi ông đồ, giờ tầng lớp này phải tự kiếm sống và có người đi “bán chữ”. Từ đó, tạo ra mầm mống cho thị trường gọi là thị trường nghệ thuật hay thị trường chữ.
Thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng, nghiên cứu viên Hán Nôm, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết: “Ở Việt Nam giai đoạn 1930-1945 là giai đoạn thoái trào của triều đại phong kiến. Tất cả những ông đồ thời bấy giờ đang còn rất trẻ. Thời bao cấp, chiến tranh họ không có đủ tiền và phải làm rất nhiều việc để kiếm sống, không có thời gian để luyện chữ. Khi đất nước hòa bình, một số phong tục được khôi phục lại như tế lễ trên đình, chùa, trong đó có thư pháp. Lúc đầu có một vài cụ già, các cụ từng được đi học chữ Nho, có năng khiếu về thư pháp nên viết mấy chữ để tặng bạn bè, tặng nhau. Song xã hội hiện đại bây giờ không chỉ cần “ăn no, mặc ấm” mà còn có nhu cầu thú chơi, các cụ cứ viết rồi tạo phong trào. Chính vì vậy, tục xin chữ đầu năm ở Văn Miếu nở rộ trong những năm gần đây. Người ta bắt đầu đua nhau đi học chữ Nho tuy nhiên không cần phải học nhiều chữ mà chỉ cần học những chữ thịnh hành mà công chúng hay xin, như chữ Tâm, chữ Đức, chữ Phúc… là những chữ thể hiện ước mơ, hoài bão của con người.”
Phong trào xin chữ ở Văn Miếu do Thư pháp gia Nguyễn Quang Thắng cùng các đồng nghiệp khởi xướng. Lúc đầu, hoạt động này diễn ra ở vỉa hè và chỉ diễn ra vào dịp Tết. Bây giờ, hoạt động này diễn ra trong khu vực Hồ Văn. Muốn được vào Văn Miếu viết chữ đầu năm, các ông đồ phải đăng ký và trải qua kỳ sát hạch. Theo kế hoạch của Ban Quản lý Văn Miếu Quốc Tử giám, hàng năm các ông đồ đều phải sát hạch lại xem trình độ có thay đổi không và dần dần các tiêu chí được nâng cao hơn.
Đối tượng đi xin chữ đầu năm ở Văn Miếu Quốc tử giám khá đa dạng, phong phú. Người dân xin chữ “An”, chữ “Phúc” cho toàn thể gia đình, con cái; người kinh doanh, buôn bán thì hay xin chữ “Hưng”, chữ “Thịnh”, chữ “Phát”, chữ “Lộc”, chữ “Tín”; người đi học thường xin chữ “Tài”, “Đăng Khoa”; có người muốn rèn khả năng chịu đựng xin chữ “Nhẫn”…Tuy nhiên, nhiều nhất vẫn là học sinh, sinh viên. Họ đa số ra Văn Miếu xin chữ: Đỗ, Đạt, Thành… Hơn nữa, những đối tượng này quan niệm Văn Miếu là nơi linh thiêng bởi nơi đây từ xưa luôn là biểu tượng của trung tâm giáo dục, đào tạo nhân tài lớn nhất cả nước, nơi lưu giữ và bảo tồn nhiểu truyền thống quý báu của dân tộc như hiếu học, hiếu nghĩa, tôn trọng nhân tài...
Ở một góc độ nào đó, việc xin chữ đầu năm ở Văn Miếu góp phần làm đẹp hơn văn hóa người Việt, song cũng làm cho số lượng lớn công chúng xin chữ nhận thức về thẩm mỹ, về giá trị nghệ thuật giảm đi khi những chữ được họ xin không có nhiều. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Quang Thắng cho rằng, trào lưu đó một phần do các ông đồ định hướng. Hơn nữa, từ Hán Việt (chiếm 70% tiếng Việt) trong đời sống hiện đại được sử dụng rất ít và không nhiều người hiểu hết ý nghĩa của những con chữ, nên họ dễ dàng chấp nhận các chữ mà ông đồ viết. Họ đi xin chữ với mong muốn có được may mắn, đạt được mục đích đặt ra mà không quá đề cao mặt ngữ nghĩa và nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng có những người xin chữ vì sự hiểu biết, hoài cổ hay đam mê với chữ Hán nhưng số lượng này chiếm tỷ lệ rất ít.
Nhận định về sự phát triển của phong trào xin chữ đầu năm ở Văn Miếu của người dân Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Quang Thắng cho hay, nhà quản lý và những người làm thư pháp ở Văn Miếu đều mong muốn thư pháp ngày càng phát triển hơn về chất lượng cũng như số lượng, chữ nghĩa không còn “cùn” nữa mà có sự cách tân, phát triển. Bản thân ông đồ cũng phải tự nâng cấp họ bằng cách đi học các trung tâm, câu lạc bộ, tham gia triển lãm nhóm nhỏ trước… Bên cạnh đó, hạn chế số lượng người vào viết chữ ở Văn Miếu thì chất lượng sẽ được nâng cao hơn. Hay nói cách khác, nét đẹp sẽ được đẩy lên dần dần từ tự thân ông đồ và người đi xin chữ.
Xin chữ đầu Xuân vẫn là một bản sắc văn hoá truyền thống không thể nào mất đi của người Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người chạy theo trào lưu mà không để ý đến ý nghĩa đích thực của việc xin chữ. Thậm chí, có người còn quan niệm xin chữ để quyết định số mệnh của mình trong cả năm, sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để xin được chữ như ý muốn rồi chen lấn, xô đẩy. Điều này ít nhiều làm mất đi hình ảnh đẹp của nét văn hóa truyền thống đặc trưng của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Xuân đã về trên khắp các nẻo đường của Thủ đô Hà Nội, một năm mới đã đến và người dân lại háo hức rủ nhau đi xin chữ ở Văn Miếu để cầu mong một năm mới luôn tốt đẹp, bình an. Song mỗi người đi xin chữ cũng cần nhìn nhận lại thái độ, cách xin chữ của mình để phong tục vô cùng nhân văn này được bảo tồn và ngày càng phát huy giá trị./.
Minh Nguyệt