Căng mũi ra cố nghe mùi xạ bọ xít nhưng chịu, chỉ nghe mùi lá chanh sực nức, nhà báo Hoàng Quý Cầu - nguyên giám đốc Đài Tây Bắc - hân hoan mời khách: “Bọ xít bản Puôi là số một!”.
Vừa ăn vừa cười như mếu
Bữa cơm đạm bạc nhưng ấm cúng, có canh có rau, đĩa măng chua và dĩ nhiên rượu cùng… bọ xít. Nguyễn Huy Hoàng - người Thái, lớn lên ở bản Puôi - vồn vã: “Ăn đi, dành cho khách quý đấy!”.
Ký ức về mùi bọ xít ngày xưa còn ở miền quê khiến chúng tôi ngài ngại: đêm trăng sáng, bọn trẻ ỏm tỏi ngoài đường, trên đồng lát lát có đứa ré lên vì bọ xít bay vào mắt, xịt xạ cay xè. Lúc ấy mái tóc của bọn con gái tỏ ra hữu hiệu và đứa con trai nào bặm trợn nhất cũng phải nhún nhường trước các cô: dùng tóc dụi vào mắt một lát là đỡ ngay. Để chơi xấu nhau, có đứa còn bắt bọ xít chà nát ra, chụp vào mũi đứa khác! Hôi không chịu nổi. Vậy mà giờ đây, chúng tôi đang ngồi trước những đĩa đồ ăn chế biến từ loài có mùi hôi kinh khủng đó…
|
Bọ xít ở bản Puôi - Ảnh: Phạm Ngọc Dương |
Hoàng xúc cho mỗi người một muỗng bọ xít rang: “Ăn được chứ?”. Sao lại không! Tôi “ùm” một muỗng chừng 3-4 con, trút vèo vào miệng. Trời ạ! Bọ xít vẫn là bọ xít, cái mùi đặc trưng không sao mất được. Mùi bọ xít xộc lên! Không thể nhai được vì càng nhai mùi càng bốc nặng. Nhưng không thể không nhai, tôi làm như nhai mà thật ra là trệu trạo, đảo qua đảo lại trong miệng rồi há mồm tọng thêm một ly rượu, nhắm mắt nhắm mũi nuốt ực kiểu như con nít uống thuốc! Vì không dám nhai nên những chân cẳng nghều ngoào của bọ xít cào qua cổ họng, trôi đến đâu biết đến đó! Phía bên kia, mấy ông bạn tôi cũng trợn mắt trợn mũi nuốt và nhăn nhó gật gù!
Thấy khách “qua phà” trơn tru, cánh phụ nữ nhà bếp hả hê ra mặt, lăng xăng: “Ngon không, ngon không?”. Đành phải nói dối thôi: “Ngon, ngon…”! Thế là mỗi đứa lại thêm một vun muỗng nữa. Khách rối rít cảm ơn nhưng cười như mếu.
Săn bọ xít - món ăn ngàn đời
Bọ xít, nhái, dế, cua… và măng chua
Chế biến bọ xít có nhiều cách. Có thể ngâm nước cho bọ xít chết đi, tan bớt mùi xạ, sau đó ngâm nước vôi. Nhưng đó là cách làm của dân thị trấn. Còn ở bản Puôi bọ xít bắt về được ngâm, tẩm, ướp với nước măng chua. Ở vùng này nhà nào cũng có một hũ măng chua, kiểu như ngày xưa ở làng quê miền Bắc nhà nào cũng có một hũ tương ở hiên cửa trước. Bất luận món gì cũng nấu với nước măng chua: cua trinh nữ (cua con), lòng dậy thì (lòng sấy khô), nhái “khỏa thân” cho đến bọ xít rang, dế xào… Phải công nhận mùi nước măng chua thật đặc biệt, khiến cô tiến sĩ người Xê Đăng của Viện Khoa học xã hội cùng đi với chúng tôi - Rơđăm Ngọc - nhón mấy con dế chiên giòn, xuýt xoa: “Ngon quá, ngon quá!”. |
Để có bữa bọ xít lai rai cũng không đơn giản. Khi chúng tôi đến là đầu mùa đông, chỉ có thể kiếm được bọ xít đồng. Từ trưa, đám trai tráng trong làng được huy động tay vợt tay rổ, kéo nhau ra đồng lùng bắt từng con trên đồng lúa đã gặt xong hoặc trên bờ cỏ. “Gặp mùa nhiều bọ xít chúng bay rào rào” - một thanh niên cho biết. Còn trong mùa lúa, để bắt được mớ bọ xít cho một bữa nhậu lai rai hoặc làm thức ăn cho bữa cơm công phu hơn nhiều. Hoàng cho biết phải lội ruộng, vạch từng bụi lúa, nhặt từng con cho vào túi. “Bất kể nam phụ lão ấu nhà bọ xít, hễ thấy là bắt tuốt, con nào cũng béo cũng bùi” - Hoàng rau ráu một muỗng bọ xít, tợp một ly rượu, khề khà. Những con bọ xít đủ cỡ đủ kiểu: con màu đen, con màu xám, con tròn con dẹt, có con khum tròn như chiếc ôtô, cũng có con mình như bộ giáp…
Nhưng nhiều nhất vẫn là bọ xít nhãn. Nhà báo Hoàng Quý Cầu - người sinh ra ở bản Puôi - cho biết: từ tháng 4 đến tháng 6 là mùa nhãn ra hoa kết trái, bọ xít sinh sôi dày đặc. Nhựa cây, nhụy hoa và trái non đang mùa đơm hoa quyến rũ chúng. Lúc này, chủ vườn dùng lưới mắt nhỏ bao hoa và trái. Muốn bắt bọ xít, người ta dùng sào tre có gắn vợt lưới, đưa lên hứng dưới chùm hoa và rung nhẹ cho bọ xít rớt vào vợt. Con nào rơi xuống đất là nhanh tay chộp lẹ kẻo chúng bay mất.
Bọ xít nhãn được dân Phù Yên tôn là “tôm bay”, đủ thấy đây là món khoái khẩu độ nào.
Cũng mùa hè, món “tôm bay” phổ biến không chỉ ở nhà nhà thung lũng Phù Yên, mà còn có ở hầu hết các quán cho quý ông lai rai với ly bia hay ngụm rượu. Vì lẽ đó, đây cũng là mùa người dân có thể kiếm thêm thu nhập từ việc bắt bọ xít bán cho các quán, với giá bọ xít ruộng 200.000-300.000 đồng/kg; bọ xít nhãn thì rẻ hơn chút đỉnh. “Vì bọ xít đen ở ruộng ngon hơn” - những người phụ nữ lo chuyện bếp núc vui vẻ chen vào. Nhưng chúng tôi thì chịu, không thể phân biệt được loại nào ngon hơn loại nào.
Bữa rượu rồi cũng tàn. Ai cũng hoàn thành tốt số bọ xít được giao. Chủ khách quyến luyến chia tay. Những người phụ nữ cũng mời cánh đàn ông một chén. Lúc này mới thấy mùi bọ xít đậm sâu, một món ăn không dễ có lần nữa và khó có thể quên. Nguyễn Huy Hoàng siết tay từng người, tự hào: “Bọ xít chế biến kiểu bản Puôi mới là độc nhất vô nhị. Ở “bản” Hà Nội, “bản” Sài Gòn cũng có bán nhưng người ta vặt đầu ngắt chân, rút mất túi xạ nên không còn thơm đâu!”.
Chắc chắn bọ xít bản Puôi là số một!
Theo TT