10 nhiệm vụ tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 2

Thứ tư, 24/07/2024 20:25
(ThanhtraVietNam) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 24/7/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 2 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới.

Sơn La sạt lở đất khiến 3 người chết, 5 người mất tích

Các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ thiệt hại nặng do bão số 2

Ít nhất 5 người chết, 4 người mất tích và 1 người bị thương

Công điện nêu rõ: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An đã có mưa to đến rất to, gây ngập sâu cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân tại Chương Mỹ - Hà Nội, thành phố Sơn La và một số địa bàn khác, đặc biệt đã xảy ra thiệt hại nghiêm trọng về người tại tại các huyện Mai Sơn và Thuận Châu, tỉnh Sơn La do sạt lở đất, lũ quét, làm ít nhất 05 người chết, 04 người mất tích và 01 người bị thương. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình người bị nạn, chia sẻ những khó khăn, mất mát của đảng bộ, chính quyền và người dân vùng bị thiên tai, lũ lụt.

Hiện nay đang là mùa mưa lũ chính vụ ở Bắc Bộ và các tỉnh Tây Nguyên, thời gian tới mưa lũ còn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ tiếp tục xảy ra lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất là rất cao.

Để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ do bão số 2 và chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ có thể xảy ra trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thiên tai trên địa bàn, tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể sau:

Thứ nhất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La trực tiếp chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, sạt lở đất do ảnh hưởng của bão số 2: Rà soát, xác định các trường hợp còn đang bị mất tích (nếu có) để tổ chức tìm kiếm cứu nạn với tinh thần khẩn trương nhất, quyết liệt nhất; tổ chức cứu chữa cho người bị thương; phối hợp với gia đình lo hậu sự chu đáo cho những người bị thiệt mạng; thăm hỏi động viên, thực hiện chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị nạn theo quy định.

Tỉnh Sơn La cũng phải kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa. Huy động lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ, xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét để có phương án chủ động sơ tán, di dời, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại khi mưa lũ. Tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá nguyên nhân sạt lở đất, ngập lụt tại thành phố Sơn La để có giải pháp khắc phục, hạn chế thiệt hại do lũ lụt, sạt lở.

leftcenterrightdel
 Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại Sơn La. Ảnh - VGP

Cần đặc biệt lưu ý có biện pháp chủ động, quyết liệt để giảm thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất

Thứ hai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo rà soát, cập nhật hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn phù hợp với diễn biến thiên tai và điều kiện cụ thể của địa phương (trong đó cần đặc biệt lưu ý có biện pháp chủ động, quyết liệt để giảm thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất); tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo “phương châm bốn tại chỗ” bảo đảm kịp thời, hiệu quả để giảm thiệt hại cho người dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra lơ là, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại về tính mạng của người dân.

Thứ ba, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La và các địa phương tập trung triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất theo đề nghị của địa phương.

Thứ tư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ động chỉ đạo các lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La và các địa phương triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất theo quy định.

Khôi phục nhanh hệ thống điện bị sự cố, bảo đảm cấp điện an toàn cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân

Thứ năm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp với các lực lượng có liên quan và các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, hỗ trợ địa phương khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở, nhất là trên các tuyến quốc lộ, các trục giao thông chính.

Thứ sáu, Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp địa phương chỉ đạo vận hành an toàn các hồ thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ chứa nước lớn trên hệ thống bậc thang thủy điện sông Đà, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; khôi phục nhanh hệ thống điện bị sự cố, bảo đảm cấp điện an toàn cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Kiểm tra, xác định nguyên nhân các đô thị thường xuyên ngập sâu, có phương án căn cơ để khắc phục

Thứ bảy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng ngập sâu tại các đô thị, sạt lở khi mưa lớn trong thời gian gần đây (trong đó có các tỉnh: Sơn La, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lâm Đồng và thành phố Đà Nẵng...) và các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, đánh giá cụ thể nguyên nhân, có phương án căn cơ để khắc phục, hạn chế thiệt hại và ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân.

Thứ tám, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thiên tai, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó.

Thứ chín, các Bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định.

Thứ mười, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trực ban 24/7 để theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2024, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền./.

Tràng An

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra