Số hóa hồ sơ có nhiều chuyển biến tích cực
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành (TTHC) chính gắn với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. 100% các sở, ban, ngành, địa phương cũng đã quan tâm xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2025.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá 08 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của 03 cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh năm 2025; ban hành 30 Quyết định công bố Danh mục với 292 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của các sở, ban, ngành. Đồng thời, ban hành 31 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết 35 TTHC liên thông và 124 TTHC không liên thông thuộc phạm vi chức năng quản lý của các sở, ban, ngành.
Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo và giao các sở, ban, ngành rà soát 562 TTHC có phát sinh hồ sơ, đề xuất phương án cắt giảm bảo đảm giảm ít nhất 30% thời gian xử lý TTHC, 30% chi phí tuân thủ; bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết theo Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 09/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, tiếp tục duy trì hoạt động ổn định Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa các cấp theo mô hình chuyển giao doanh nghiệp bưu chính công ích đảm nhận nhiệm vụ “hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC”.
Kết quả, từ ngày 15/12/2024 đến hết ngày 07/3/2025, toàn tỉnh tiếp nhận 112.959 hồ sơ, trong đó đã giải quyết và trả kết quả 102.015 hồ sơ (bao gồm 101.850 hồ sơ giải quyết trước/đúng hạn, đạt tỷ lệ 99,83%; 165 hồ sơ giải quyết trễ hạn, chiếm tỷ lệ 0,16%), đang giải quyết 10.944 hồ sơ và còn trong hạn.
Đồng thời, công tác số hóa hồ sơ TTHC tại các sở, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ số hoá thành phần hồ sơ bình quân chung cả tỉnh đạt 99,88%; tỷ lệ cấp kết quả điện tử bình quân chung cả tỉnh đạt 95,58%; tỷ lệ tái sử dụng kết quả số hóa bình quân chung cả tỉnh đạt 69,82%, vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao (50%).
Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp đứng thứ 2 cả nước
Bên cạnh đó, việc rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập tại cơ quan, địa phương được triển khai thực hiện nghiêm túc.
Kết quả sau khi sắp xếp, có 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, giảm 06/20 cơ quan, đạt tỷ lệ 30%. Cơ cấu tổ chức các phòng chuyên môn thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập thống nhất chung trong toàn tỉnh gồm có 09 phòng chuyên môn, riêng 03 huyện miền núi có 10 phòng (có thêm Phòng Dân tộc và Tôn giáo), giảm 33/135 phòng chuyên môn, đạt tỷ lệ 24,44%.
Trong Quý I, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh sách hưởng chế độ chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ đối với 42 trường hợp, với tổng kinh phí là 6.548.876.000 đồng; hưởng chính sách hỗ trợ một lần do sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh đối với 20 trường hợp, với tổng kinh phí là 1.897.275.000 đồng.
Về cải cách tài chính công, tổng thu ngân sách nhà nước phát sinh trên địa bàn (chưa kể thu huy động đóng góp, thu bổ sung từ ngân sách Trung ương) thực hiện 3.384.073 triệu đồng, đạt 19,4% dự toán năm, vượt 17,5% so cùng kỳ năm 2024.
Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số của Bình Định đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, hạ tầng kỹ thuật cơ bản đáp ứng nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; các hệ thống nền tảng được duy trì, vận hành tốt phục vụ công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp của cơ quan nhà nước trên môi trường số; các hệ thống phần mềm dùng chung được triển khai, ứng dụng hiệu quả trong công tác phục vụ chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh; triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng các nền tảng, dữ liệu, ứng dụng, dịch vụ nội bộ…
Đáng chú ý, kết quả “Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công” được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (tính đến ngày 19/3/2025), Bình Định đạt 84,88 điểm, xếp vị trí thứ hai toàn quốc (sau tỉnh Quảng Bình), với 06 chỉ số thành phần được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, công tác CCHC của tỉnh Bình Định vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Chưa có nhiều chuyển biến trong việc đẩy mạnh tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập; CCHC trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều mô hình mới, cách làm hay, hầu hết triển khai các công việc thường xuyên…
Tiếp tục tăng cường kiểm tra hoạt động công vụ
Trong Quý II và thời gian tới, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch CCHC của tỉnh cũng như các văn bản chỉ đạo điều hành của Bộ Chính trị, Chính phủ, Tỉnh ủy về CCHC; tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện “Kế hoạch cải thiện, nâng cao kết quả các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh đến năm 2025”.
Mặt khác, ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, bảo đảm giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ; bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; khắc phục triệt để các bất cập, chồng chéo về yêu cầu sự phối hợp giữa các cấp, các ngành...
Triển khai Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Trung ương, với phương châm “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”.
Đặc biệt, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ đối với các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với cấp xã, kịp thời đề xuất biểu dương và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Ngoài ra, tập trung thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số của tỉnh…/.