Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang:

Các cuộc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội

Thứ năm, 25/01/2024 10:53
(ThanhtraVietNam) - Đó là phương hướng nhiệm vụ của Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang trong việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024.

Cụ thể, trong năm 2024, tăng cường phân công, phân quyền, ủy quyền, cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong ngành Tư pháp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nâng cao tinh thần trách nhiệm, vai trò gương mẫu của người đứng đầu.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực phục vụ Nhân dân và sự phát triển của địa phương. Thực hiện tốt việc chuyển đổi vị trí công tác, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực hiện nhiệm vụ, kinh nghiệm thực tiễn và đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành; chú trọng tổ chức phát động, thực hiện các phong trào thi đua do Bộ Tư pháp và UBND tỉnh phát động, trọng tâm là phong trào thi đua với chủ đề "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", nhằm tạo sự lan tỏa trong phong trào thi đua yêu nước của ngành Tư pháp. Tiếp tục ban hành sớm các tiêu chí thi đua, xếp hạng các Phòng Tư pháp bảo đảm thống nhất, phù hợp với triển khai công việc chuyên môn của ngành Tư pháp; nghiên cứu ban hành quy định đánh giá, xếp hạng đối với các phòng, đơn vị thuộc Sở Tư pháp. Thực hiện hiệu quả công tác khen thưởng cho các tập thể, cá nhân theo quy định.

Đẩy mạnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả, những kinh nghiệm quý từ thực tiễn để phát huy, nhân rộng; kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề "nóng", bức xúc xã hội; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu; nâng cao hiệu quả công tác dân vận; thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ ở cơ sở.

leftcenterrightdel
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang Phạm Công Hùng phát biểu tại một cuộc họp của Sở

Về công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang yêu cầu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật. Thực hiện tốt nhiệm vụ Sở Tư pháp là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện đúng quy định về kê khai, công khai kê khai tài sản, thu nhập đối với công chức, viên chức của ngành Tư pháp. 

Đảm bảo các cuộc thanh tra được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương, UBND tỉnh liên quan đến hoạt động thanh tra. Tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời, khả thi và đúng quy định pháp luật; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng. Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị được thực hiện theo quy định pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo (trong đó đảm bảo về quy trình, thủ tục khi giải quyết); tập trung giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo, không để xảy ra khiếu nại, tố cáo tồn động, kéo dài.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, trong đó chú trọng nhận diện hành vi tham nhũng; kiểm soát xung đột lợi ích; đẩy mạnh kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 667-QĐ/TU ngày 09/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với Sở Tư pháp trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp và công tác tư pháp; Kế hoạch số 10/KH-STP ngày 23/5/2023 triển khai thực hiện Quyết định số 667-QĐ/TU ngày 09/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Về giải pháp thực hiện, Sở Tư pháp yêu cầu tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực, quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp, pháp chế. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác cải cách hành chính; thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác, ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khi có sai phạm; đồng thời, động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt kết quả cao, sáng tạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra