CĐT đơn phương xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư?
Vừa qua, Thanh tra Chính phủ nhận được đơn của công dân đại diện 12 hộ dân trú tại nhà L1, L2 Chung cư 93 Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội, phản ánh việc không đồng ý với các quyết định thu hồi đất ban hành ngày 30/5/2018 của UBND quận Đống Đa; đề nghị xem xét lại phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được UBND quận Đống Đa phê duyệt ngày 30/5/2018 liên quan đến dự án cải tạo chung cư cũ L1, L2 tại số 93 Láng Hạ do Công ty Cổ phần Bất động sản Vinaconex làm CĐT.
Theo nội dung đơn thư, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà UBND quận Đống Đa thừa ủy quyền của UBND TP Hà Nội phê duyệt là phương án CĐT đơn phương xây dựng, chưa thông qua hội nghị nhà chung cư L1, L2, không đúng với quy định của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Mức bồi thường, hỗ trợ là chưa thỏa đáng với các hộ dân tầng 1, không tương xứng với mức đóng góp tiền sử dụng đất, tiền mua nhà họ đã thực hiện theo Nghị định 61-CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ.
Sau khi xem xét nội dung đơn, Thanh tra Chính phủ chuyển đơn của công dân đến Chủ tịch UBND quận Đống Đa để xem xét giải quyết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật.
Chung cư 93 Láng Hạ không phải là chung cư xuống cấp nghiêm trọng mà sở hữu lợi thế địa tô trên đất “vàng”
Dấu hiệu chậm tiến độ và vi phạm quy định
Theo quan điểm của luật sư Trương Anh, Giám đốc Công ty Luật Trường Sơn, ngày 25/05/2011, UBND TP Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000992 cho Công ty Cổ phần Bất động sản An Thịnh (tiền thân của Công ty Cổ phần Bất động sản Vinaconex) về việc thực hiện dự án. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên xác định tư cách pháp lý của chủ thể thực hiện dự án - CĐT.
Đáng lẽ, sau khi được UBND TP cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2011, CĐT phải khẩn trương thực hiện dự án theo tiến độ và các điều khoản khác trong Giấy chứng nhận đầu tư được cấp. Tuy nhiên, đến ngày 05/07/2015 (tức sau khoảng 4 năm 2 tháng) thì CĐT mới có cuộc tiếp xúc đầu tiên với các hộ dân trong khu chung cư L1 và L2 tại 93 Láng Hạ để trao đổi về dự án.
“Theo báo cáo của Thanh tra TP Hà Nội, CĐT không có bất kỳ động thái nào triển khai dự án thì đáng lẽ ra phải bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư để giao cho đơn vị khác thực hiện, căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Quyết định số 48/2008/QĐ-UBND ngày 28/7/2008 của UBND TP Hà Nội về Quy chế cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn Hà Nội” - người đứng đầu Công ty Luật Trường Sơn nêu quan điểm.
Dự án còn có dấu hiệu vi phạm quy định về việc thông qua phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phương án tạm cư. Căn cứ theo Điều 9, Điều 14 Nghị định 101/2015/NĐ-CP, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phương án tạm cư thực hiện theo quy định của Nghị định 101/2015/NĐ-CP, việc (i) lựa chọn CĐT và (ii) thông qua phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải được thông qua đồng thời tại hội nghị nhà chung cư. Tuy nhiên, trong dự án này, CĐT đã được lựa chọn trước theo Quyết định của UBND TP Hà Nội, vậy nên phải tổ chức hội nghị nhà chung cư để công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để các chủ sở hữu nhà chung cư có ý kiến và biểu quyết, trước khi chuyển sang Sở Xây dựng để trình UBND TP thông qua. Song, không có một hội nghị nhà chung cư nào được diễn ra.
Ban Quản lý Dự án của Vinaconex cần có đối thoại, thỏa thuận với cư dân để đi đến thống nhất
Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa thỏa đáng
Ông Phạm Mạnh Chính, sinh năm 1937, P. 108, L2 chung cư 93 Láng Hạ phản ánh: Mức bồi thường, hỗ trợ không tương xứng với mức đóng góp mà chúng tôi đã bỏ ra để khởi tạo tài sản theo Nghị định 61/CP năm 1994 về mua bán, kinh doanh nhà ở của Chính phủ. Tiền mua nhà chúng tôi cũng phải đóng góp với hệ số cao hơn (1,2 so với 0,8 của căn hộ tầng 5). Vậy công bằng ở đâu khi chúng tôi chỉ được bồi thường, hỗ trợ gần như tương đương với các hộ còn lại.
Hơn thế, các hộ dân ở tầng 1 đa phần có kinh doanh ở các ki - ốt. Đó thường là nguồn sống duy nhất của cư dân. Vậy mà trong phương án bồi thường lại không cân nhắc vấn đề này, không đả động đến kinh phí hỗ trợ chúng tôi trong thời gian phải tạm ngừng kinh doanh theo tinh thần của khoản 2 Điều 6 Quy chế cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn TP Hà Nội. Đây là những điều cần được CĐT và UBND quận Đống Đa xem xét, cân nhắc một cách thận trọng.
Phóng viên đã liên hệ đặt lịch làm việc với UBND quận Đống Đa, nhưng chưa được thông báo lại về thời gian làm việc cụ thể.
Giấy mời họp của UBND phường Láng Hạ không nêu rõ thành phần
Trong khi đó, ngày 19/6/2018, UBND phường Láng Hạ chủ trì tổ chức họp với cư dân mục đích để “trao đổi, tham gia ý kiến, vận động thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án”. 7/11 hộ được mời họp đã đến họp và đều phản ứng về cách tuyên truyền vận động của UBND phường Láng Hạ khi người đại diện theo pháp luật hoặc lãnh đạo Vinaconex không có mặt để trao đổi, làm rõ vấn đề mang tính chất quyết định.
Cư dân đồng tình, ủng hộ việc triển khai thực hiện dự án. Song, CĐT và UBND quận Đống Đa cần đối thoại thẳng thắn với cư dân, làm sao đảm bảo hài hòa quyền lợi ích hợp pháp của công dân và CĐT dựa trên nguyên tắc thỏa thuận.
Huy Trần