Tham dự cuộc họp có đồng chí Đinh Hồng Thái - Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thủy - Phó viện trưởng Viện phát triển kinh tế hợp tác; ông Ông Rauno Karppinen Đại diện Tổ chức phát triển thực phẩm và lâm nghiệp Phần Lan (FFD); cùng đại biểu tại các tỉnh thành trên cả nước.
Việc quản lý rừng bền vững (QLRBV) và chứng chỉ rừng (CCR) là một trong những ưu tiên quan trọng của ngành lâm nghiệp nước ta và đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bản, chính sách pháp luật của Nhà nước. Năm 2007, lần đầu tiên vấn đề này đã được đề cập đến trong Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Theo đó, việc quản lý, sử dụng và phát triển rừng bền vững là nền tảng cho phát triển lâm nghiệp và mục tiêu đến năm 2020 được xác định là: thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 16,2 triệu ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp và có ít nhất 30% diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng. Từ đó đến nay, đây là vấn đề được Chính phủ và Bộ NN&PTNT quan tâm xuyên xuốt cùng với sự phát triển của ngành lâm nghiệp.
Tại hội nghị các đại biểu đã nêu ra thực trạng và kinh nghiệm tại một số nơi. Ông Lê Mân - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi, Giám đốc Ban quản lý Dự án Chứng chỉ rừng 8701 đã đưa ra 7 bài học kinh nghiệm thực tiễn khi thực hiện chứng chỉ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi:
- Một là, phải nghiên cứu kỹ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước từ trung ương tới địa phương về phát triển quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng;
- Hai là, phải tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các ngành các cấp và người dân về việc phải quản lý rừng bền vững và thực hiện chứng chỉ rừng là xu thế tất yếu của quốc tế;
- Ba là, phải phát huy nội lực là chính và phải tranh thủ từ các nguồn tài trợ từ bên ngoài của các tổ chức, doanh nghiệp và ngân sách nhà nước;
- Bốn là, phải nghiên cứu thị trường và tìm đầu ra cho sản phẩm gỗ có chứng chỉ rừng trước khi triển khai thực hiện;
- Năm là, phải nghiên cứu cho thật kỹ bộ tiêu chuẩn Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Quy trình thủ tục các bước thực hiện để được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
- Sáu là, phải xây dựng cho được Kế hoạch hành động và lộ trình cụ thể thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững, cần đề xuất tập hợp các hoạt động, những việc cần ưu tiên và lịch trình khả thi cho các hành động hướng tới chứng nhận FSC.
- Bảy là, Ban quản lý nhóm và toàn thể thành viên nhóm, các hộ dân phải nhận thức rằng hệ thống quản lý rừng bền vững đang vận hành thì mới được đánh giá cấp chứng chỉ rừng chứ không phải đợi khi lập hồ sơ xong, cấp chứng chỉ rừng xong rồi mới vận hành hệ thống chứng chỉ rừng.
Ông Rauno Karppinen đại diện FFD cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm mua bán gỗ rừng tại Phần Lan. Như việc thị trường gỗ tròn của Phần Lan hoạt động chủ yếu bán theo hình thức bán gốc cây, tức là người mua sẽ lo các hoạt động khai thác và vận chuyển đến nhà máy. Có thể tự bán hoặc nhờ FMA, công ty, chủ rừng khai thác giúp và phải gửi thông tin để nhận thông báo khai thác đến tổ chức lâm nghiệp nhà nước. Các hiệp hội quản lý hợp tác chặt chẽ với chủ rừng và doanh số do chủ rừng chỉ định, chiếm 20 - 70% tổng doanh số.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Hồng Thái – Phó chủ tịch liên minh HTX Việt đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Tổ chức FFD với Viện phát triển kinh tế hợp tác trong thời gian vừa qua. Ông cho biết: sau 05 năm; dự án đã thực hiện được nhiều nội dung hết sức thiết thực; có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, phát triển lâm nghiệp của hộ trồng rừng quy mô nhỏ và đối với sự phát triển của các HTX lâm nghiệp. Trong thời gian tới, Viện Phát triển kinh tế hợp tác tiếp tục xây dựng các đề xuất nhân rộng mô hình đối với những vùng, miền khác; trên cơ sở rút kinh nghiệm và điều chỉnh nội dung cho phù hợp với thực tế sản xuất; đề nghị tổ chức FFD tiếp tục dành sự ưu tiên cho phát triển lâm nghiệp ở Việt Nam nói chung và đặc biệt là dành sự ưu tiên cho phát triển các HTX lâm nghiệp nói riêng...
|
QLRBV&CCR là nội dung quan trọng được Chính phủ và Bộ NN&PTNT đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây. Hộ lâm nghiệp nhỏ hiện đang quản lý 1,88 triệu ha rừng trồng và đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu QLRBV&CCR của quốc gia. Bên cạnh những thuận lợi như có kinh nghiệm trồng rừng, có sự hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp,… song còn rất nhiều khó khăn, trở ngại cho các hộ lâm nghiệp nhỏ tiếp cận với chứng chỉ rừng. Sự tham gia của kinh tế tập thể và hệ thống HTX trong việc là cầu nối, nòng cốt liên kết các hộ lâm nghiệp nhỏ thành nhóm để thực hiện QLRBV&CCR là một giải pháp được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhanh và bền vững việc tổ chức QLRBV và cấp chứng chỉ rừng cho hộ lâm nghiệp nhỏ ở nước ta trong thời gian tới. |