Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhà báo phải luôn đổi mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Thứ hai, 20/03/2023 09:38
(ThanhtraVietNam) - Trước bối cảnh bùng nổ thông tin và tác nghiệp trong cơ chế thị trường, số hóa, đòi hỏi các nhà báo phải luôn trau dồi, học hỏi để nâng cao năng lực nghề nghiệp, tuân thủ pháp luật và bản lĩnh chính trị vững vàng, trách nhiệm. Chính vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng đội ngũ báo chí luôn được các tòa soạn quan tâm. Đây cũng chính là thuận lợi cũng như những thách thức đối với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Trung tâm) thuộc Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhiều điểm mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng

Được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam và sự ủng hộ, giúp đỡ của Văn phòng Hội, Hội Nhà báo các cấp, các cơ quan báo chí, tính từ năm 2020 đến hết năm 2022, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đã tổ chức được 333 hoạt động cho hơn 10.000 lượt hội viên Hội Nhà báo trong cả nước. Trong đó, có 254 lớp học theo ngân sách nhà nước (chiếm 76%); 54 lớp học theo yêu cầu của các Hội địa phương, các cơ quan, bộ, ban, ngành ở Trung ương (chiếm 16%); và 25 lớp học do tổ chức nước ngoài tài trợ (chiếm 8%).

Đáng chú ý, trong những năm vừa qua, công tác bồi dưỡng của Trung tâm có nhiều điểm mới. Cụ thể, Trung tâm đã tổ chức các lớp học mới để bắt kịp với sự thay đổi của báo chí thế giới, như: Chuyển đổi số, sản xuất long-form (bài chuyên đề) cho báo mạng, sản xuất Podcast, công cụ trực tuyến để làm báo, làm báo bằng facebook, ngăn chặn tin tức giả... Chú trọng vào việc bồi dưỡng kỹ năng cho các nhà báo về mảng khoa học, truyền thông về giới, xây dựng Đảng, tiếp cận và khai thác thông tin trong thời đại kỹ thuật số. Đồng thời, nội dung về chính trị, đạo đức người làm báo cũng được lồng ghép trong các bài giảng nhằm giúp cho các nhà báo luôn giữ vững đạo đức nghề nghiệp trong quá trình tác nghiệp.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Tọa đàm “Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay” do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo tổ chức ngày 17/3/2023. (Ảnh: Hoàng Minh)

Đặc biệt, Trung tâm đã xây dựng thư viện bài giảng online do chính các giảng viên của Trung tâm thực hiện để chuyển tải lên trang website của Trung tâm; tập trung thiết kế các chương trình bài giảng ở các loại hình báo chí theo quy chuẩn và chuyên nghiệp; tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo về các vấn đề liên quan đến công tác đào tạo bồi dưỡng và tác nghiệp trong báo chí trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên việc tổ chức lớp học của Trung tâm cũng gặp nhiều khó khăn. Để đáp ứng với tình hình thực tế, Trung tâm đã linh hoạt tổ chức các hoạt động theo từng giai đoạn diễn biến của dịch bệnh. Cụ thể, đã xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho các lớp học trực tuyến ở các địa bàn bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh. Nhờ hình thức học mới mẻ và hấp dẫn, các học viên có thể nắm vững kỹ năng, kiến thức giảng viên truyền đạt. Đồng thời, tổ chức lớp học trực tiếp tại các tỉnh thành ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu học tập của các hội viên - nhà báo trên toàn quốc.

Để đạt được các kết quả trên, Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ của Đảng, Chính phủ. Đồng thời, Trung tâm luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, sự ủng hộ nhiệt tình của các Ban, đơn vị trong cơ quan Trung ương Hội và sự hợp tác chặt chẽ của các cấp Hội. Dù số lượng cán bộ của Trung tâm không nhiều nhưng ban lãnh đạo và tập thể cán bộ nhân viên luôn nỗ lực để tổ chức các khoá học với nội dung hiện đại, có chất lượng, đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ của các hội viên, các cấp Hội Nhà báo và cơ quan, đơn vị.

Cùng với những thuận lợi, trong quá trình hoạt động, Trung tâm còn gặp những khó khăn nhất định, như: Việc mở rộng các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thảo và nghiên cứu báo chí; có những học viên vừa học vừa làm công việc tại tòa soạn nên việc theo học không được tập trung; do tình hình dịch nên Trung tâm tổ chức lớp học riêng cho từng tỉnh nên trình độ của các học viên không đồng đều, cũng khó khăn hơn cho các giảng viên trong quá trình trao đổi nghiệp vụ…

Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí để nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo luôn được lãnh đạo các cấp Hội, các cơ quan báo chí trên cả nước chú trọng nhằm hướng tới nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn. Hiện nay, trong quá trình triển khai quy hoạch báo chí toàn quốc, sự chuyển đổi tổ chức, mô hình hoạt động, chuyển đổi loại hình báo chí (từ báo in sang báo điện tử, từ tạp chí in sang tạp chí điện tử, từ báo thành tạp chí) và sự phát triển mạnh mẽ của báo chí đa phương tiện đòi hỏi các cơ quan báo chí tổ chức lại nhân sự và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cập nhật, đáp ứng yêu cầu của sự đổi mới.

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi khai mạc Tọa đàm. (Ảnh: Hoàng Minh) 

Trong khuôn khổ Hội báo Toàn quốc 2023, chiều 17/3, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay”. Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo đồng chủ trì Tọa đàm.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh: Cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí hiện nay chưa đáp ứng hết mọi nhu cầu phát triển của các cơ quan báo chí trước sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Những người làm báo cần phải đổi mới cách thức thông tin, nhằm đáp ứng sự phát triển của đất nước và thế giới trong tình hình mới, cũng như đòi hỏi ngày càng cao của công chúng. Vì vậy, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo cần thực hiện một cách có tổ chức, có kế hoạch và luôn đổi mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

leftcenterrightdel
Đại biểu tham dự Tọa đàm. (Ảnh: Hoàng Minh) 

Bên cạnh đó, trong xu thế chuyển đổi số hiện nay, các tòa soạn đang dần chuyển đổi toàn bộ hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số, thông qua những ứng dụng, phần mềm, nền tảng số. Để thay đổi được những thói quen cũ, cần phải đào tạo được một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ số và phát triển sáng tạo.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung đánh giá về các khóa bồi dưỡng do Trung tâm tổ chức, những điểm mạnh và những mặt hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Đồng thời, đề xuất những kỹ năng cần thiết hiện mà các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí mong muốn bồi dưỡng cho phóng viên, biên tập viên trong bối cảnh báo chí hiện nay; các hình thức và phương thức tổ chức các khóa bồi dưỡng như nào cho hợp lý đối với các cấp hội địa phương, các cơ quan báo chí.

Nhà báo Hoàng Lâm, Tổng Thư ký toà soạn Báo Lao động chia sẻ, hiện nay Báo Lao động cũng tạo điều kiện cho rất nhiều các cộng tác viên, thực tập sinh còn rất trẻ. Các nhà báo trẻ hiện nay, không những được đào tạo bài bản mà khi về các cơ quan báo chí còn được tạo điều kiện hỗ trợ nhiều mặt. Theo ông Lâm, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí nên xây dựng một kho tài liệu mở để các tòa soạn hoặc những người được cử tham gia các lớp bồi dưỡng có thể truyền đạt lại hoặc chia sẻ đến nhiều phóng viên, biên tập viên trong toà soạn.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Lê Thế Chiến, Phó Tổng Biên tập, Phó Thư ký Chi hội nhà báo Tạp chí Thanh tra đề nghị Trung tâm đưa các nội dung vào trong kế hoạch bồi dưỡng trong thời gian tới, gồm: Truyền thông chính sách; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vì đây là nội dung lớn được Đảng, Nhà nước chỉ đạo rất quyết liệt trong thời gian qua và cũng được Nhân dân đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, ông Chiến kiến nghị Trung tâm tổ chức các lớp bồi dưỡng theo nhóm đối tượng như nhóm các tạp chí trực thuộc các bộ, ngành Trung ương hoặc nhóm các tạp chí thuộc các Hội, Hiệp hội theo lĩnh vực (kinh tế, văn hóa - xã hội…).

leftcenterrightdel
Ông Lê Thế Chiến, Phó Tổng Biên tập, Phó Thư ký Chi hội nhà báo Tạp chí Thanh tra phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Hoàng Minh)

Ông Lê Văn Tòa, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhu cầu đào tạo bồi dưỡng báo chí của Lâm Đồng là rất lớn. Năm 2022, Hội nhà báo tỉnh Lâm Đồng đề xuất Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí tổ chức 4 lớp bồi dưỡng nhưng chỉ triển khai được 2 lớp. Ông đề nghị Trung tâm tăng cường các lớp báo chí hiện đại, công nghệ số; truyền đạt kinh nghiệm tác nghiệp báo chí trên điện thoại thông minh; tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo Cụm thi đua. Đồng thời, tán thành với ý kiến thu phí đối với các trường hợp Hội nhà báo địa phương đề xuất lớp bồi dưỡng riêng...

Kết thúc tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi hy vọng những ý kiến được chia sẻ tại buổi tọa đàm sẽ là lời giải đột phá cho các vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng mà các cơ quan báo chí và cấp hội địa phương đang gặp phải. Đồng thời, gợi mở giúp Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo, góp phần vào sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam./.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra