Chuyên đề Tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn:

Đâu là “chìa khóa” để cấp nguồn tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thứ ba, 14/03/2023 06:04
(ThanhtraVietNam) - Tìm nguồn vốn cho thị trường tài chính nói chung cho khu vực nông nghiệp, nông thôn có khó hay không? Trong bối cảnh hầu hết các định chế tài chính cần thị trường đầu ra cho vốn huy động của họ. Phải chăng, cái khó nằm ở cơ chế cụ thể, chính sách cụ thể và con người cụ thể có “cùng xuống đồng”, đi vào thực tiễn với nông dân, nông thôn hay không?

Cánh cửa tín dụng nông nghiệp, nông thôn cần được mở thông thoáng, rộng hơn nữa

Trong nhiều năm nay, Đảng, Nhà nước ta dành nhiều sự quan tâm đến chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới, trong đó, các chính sách tín dụng liên tục được đổi mới nhằm kích hoạt, khơi thông dòng vốn chảy vào khu vực này mà điển hình là Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (Nghị đinh 55) của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định số 41 ngày 12/4/2010 và Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản...

Nghị định 55 với nhiều nội dung nới lỏng tín dụng so với trước như mở rộng đối tượng vay vốn, nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo lên đến 100 triệu đồng thay vì chỉ 50 triệu đồng theo quy định cũ. Ngoài ra, còn cho phép một số hộ nông dân trong các lĩnh vực, ngành nghề đặc thù như khai thác, nuôi trồng thủy sản được vay không có tài sản đảm bảo lên tới 500 triệu đồng. Đi cùng với đó là việc xử lý rủi ro đối với các khoản cho vay hộ gia đình, tổ chức tín dụng được xem xét để cơ cấu lại nợ, cho vay mới mà không căn cứ vào nợ cũ và trong trường hợp xảy ra rủi ro trên phạm vi rộng thì có thể được khoanh nợ tối đa lên đến 2 năm...

Tuy nhiên, việc mở cánh cửa tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn còn rất khó khăn, vướng mắc đến từ nhiều nguyên nhân như bất cập về thủ tục cho vay và các tài sản đảm bảo đối với khoản vay chủ yếu là ruộng, vấn đề về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phát mại tài sản khi nợ xấu phát sinh thường khiến ngân hàng gặp nhiều rắc rối, tài sản dù rất lớn nhưng do xây dựng trên đất canh tác nên không được dùng để làm tài sản đảm bảo.

Hơn nữa, chính các tổ chức tín dụng vẫn còn tâm lý ngại cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn do đây là lĩnh vực có khả năng sinh lời thấp, nhiều rủi ro, các phương án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả nên thường gặp nhiều khó khăn khi xét duyệt cho vay. Bên cạnh đó, các khoản vay trong lĩnh vực nông nghiệp cơ bản là nhỏ lẻ nhưng chi phí hoạt động tín dụng khá cao.

Đến nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88% GDP, và khu vực này tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Cụ thể, trong Quý IV/2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,85%. Trong cả năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; đồng thời vượt chỉ tiêu Chính phủ giao là tăng trưởng 2,5 - 2,8%.

leftcenterrightdel
 Nông nghiệp, nông thôn tiếp tục là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Ảnh: Internet

Đồng bộ các chính sách khác bên cạnh tín dụng để phát triển nông nghiệp, nông thôn

Tuy vậy, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành Nông nghiệp vẫn còn ít về số lượng, hạn chế về quy mô, vốn, hàm lượng hoa học công nghệ, chưa tương xứng với tiềm năng và vị trí, vai trò đóng góp của trụ đỡ quan trọng này. Có thể thấy, ngoài các tập đoàn, Tổng công ty của nhà nước và một vài doanh nghiệp FDI, còn lại đa số là các doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu với mô hình kinh doanh chủ yếu vẫn là kinh doanh hộ gia đình. Hàng hóa do nông dân làm ra, nhưng nếu xuất khẩu thì giá cả lại phụ thuộc chủ yếu vào thương lái hơn là vào cung cầu thực của thị trường.

Vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất vẫn còn hạn chế. Các mô hình sản xuất mới chỉ là bước đi ban đầu, rất chập chững, còn lúng túng lại dàn trải, chưa có cơ chế cụ thể cho việc tạo ra và phân chia chuỗi giá trị sản phẩm, mối liên kết “4 nhà” chưa thực sự rõ nét, hiệu quả.

Trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn nhưng ngành ngân hàng đã có nhiều cố gắng rất đáng ghi nhận trong việc đưa tín dụng vào nông nghiệp nông thôn. Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, tính đến ngày 30/9/2016, đầu tư tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn đạt trên 925.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và 13,43% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng bình quân trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 đạt 17,4%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân chung. Tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 18% tương đương với mức đóng góp của ngành vào GDP của nền kinh tế trong giai đoạn này.

Theo các chuyên gia tài chính, để tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, cung cấp tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn về lâu dài, chính sách tín dụng, cần thiết kế theo nguyên tắc các đối tượng là nông dân nghèo hay đối tượng chính sách khác còn khả năng lao động đều phải nhanh chóng xoá dần và xoá hết các kênh bao cấp dưới hình thức nửa vời, vừa bán vừa cho như hiện nay. Vốn phải đến được các đối tượng biết dùng vốn hiệu quả nhất, có dự án khả thi, sử dụng nhiều lao động, có tính ổn định cao, có khả năng tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Cùng với đó, cơ cấu lại các định chế tài chính hiện đang cấp vốn cho các đối tượng yếu thế trong xã hội theo hướng tái cấu trúc lại chức năng, nhiệm vụ theo cơ chế thị trường. Thống nhất chịu sự quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, xoá bao cấp, nhưng được hỗ trợ về điều kiện tiếp cận, về cơ chế bảo toàn vốn, về tư vấn sử dụng vốn, về thị trường đầu ra và thậm chí hỗ trợ trực tiếp có chọn lọc bằng tiền trả lãi suất… nhằm mục đích ngày càng thu hẹp đối tượng yếu thế trong quá trình hoà nhập với các thị phần vốn thích hợp trong nền kinh tế thị trường.

Ngoài ra, một số giải pháp cũng được khuyến nghị như, Chính phủ ban hành chính sách cho phép thành lập các quỹ tương hỗ dưới hình thức các tổ chức tài chính vi mô để các quỹ này hoạt động tự quản theo điều lệ quỹ mẫu, do nhà nước ban hành và quản lý theo luật. Trong đó, chính sách cần vận dụng kinh nghiệm quốc tế về cơ chế cho phép các tổ chức tài chính vi mô do tư nhân tự điều hành tại các làng, xã, ở nông thôn trong cả nước.

Cũng như cần có những quy định đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo hướng bắt buộc sử dụng công nghệ tiên tiến, phải chuyển giao công nghệ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tham gia hình thành chuỗi giá trị gia tăng liên thông nội - ngoại. Chọn lọc FDI theo chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam, trong đó có kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tránh trốn thuế, chuyển giá, tránh tạo bãi thải công nghệ, không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần...

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra