Đây là một trong những nội dung Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” (Báo cáo) được thảo luận tại Kỳ họp thứ 8.
Theo Báo cáo của Đoàn Giám sát, giai đoạn 2015-2023, thị trường bất động sản nói chung và nhà ở xã hội (NOXH) nói riêng đã có những bước phát triển; góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đồng thời, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân.
Mới giải ngân 1% gói tín dụng 120.000 tỷ
Trong giai đoạn 2015-2023, hệ thống pháp luật về NOXH được xây dựng và hoàn thiện. Đến nay, cả nước có khoảng 800 dự án đã được triển khai với quy mô hơn 567.000 căn. Trong đó, 373 dự án đã hoàn thành với quy mô 193.920 căn; 129 dự án đã khởi công với quy mô 114.934 căn; 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 258.188 căn.
Đáng chú ý, Đề án 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp đã được triển khai. Trong đó, một trong những giải pháp để thực hiện đạt mục tiêu Đề án đề ra là triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án NOXH, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước.
Thực tế cho thấy, một số tỉnh, thành phố đã chủ động có những chính sách để phát triển NOXH. Cụ thể, Hải Phòng đã dành những vị trí đất ở trung tâm để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư xây dựng NOXH; kết hợp cải tạo chung cư cũ để tăng tốc phát triển NOXH. Bắc Ninh cũng đã phát huy nguồn lực tư nhân để xây nhà cho công nhân thuê. Đà Nẵng ban hành nhiều chính sách đột phá về NOXH góp phần tạo diện mạo mới cho đô thị. Thừa Thiên - Huế ưu tiên quỹ đất phát triển NOXH trong các khu tái định cư giúp bảo tồn các giá trị di sản Cố đô. Bình Dương, Đồng Nai đẩy mạnh các mô hình NOXH, ký túc xá công nhân để giúp người lao động ngoại tỉnh an cư lạc nghiệp.
|
|
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong (bìa phải) tại Phiên họp của Quốc hội về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội diễn ra ngày 28/10/2024. (Ảnh: quochoi.vn) |
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, gói tín dụng 120.000 tỷ cho vay phát triển NOXH mới giải ngân được 1.300 tỷ đồng, chỉ khoảng 1%. Nguồn vốn của gói tín dụng này do các ngân hàng thương mại huy động từ người gửi tiền vì vậy không thể ưu đãi về lãi suất như chương trình sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng gói 30.000 tỷ đồng cho NOXH và giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện và nhấn mạnh công tác phát triển NOXH là một trong 6 định hướng lớn trong thời gian tới.
Có tâm lý sợ sai, tâm lý nhiệm kỳ
Bên cạnh những kết quả đạt được, thị trường bất động sản và NOXH còn nhiều tồn tại, bất cập. Đoàn giám sát đánh giá, dù có một số địa phương tích cực nhưng nhìn chung việc triển khai Đề án 1 triệu căn hộ NOXH cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp chưa đạt yêu cầu.
Nguyên nhân được chỉ ra là do nguồn lực của Nhà nước cho các công tác thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác quy hoạch, định giá đất, xây dựng pháp luật, thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ cho phát triển NOXH, hỗ trợ cho người dân mua nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội… còn hạn chế.
Hơn nữa, có quá nhiều tiêu chuẩn khiến người dân khó tiếp cận chính sách (việc xét duyệt đối tượng theo quy định khiến nhiều người dân nản, bỏ).
|
|
Việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ cho phát triển NOXH mới chỉ khoảng 1%. (Ảnh ITN) |
Mặt khác, do quy trình đầu tư NOXH còn nhiều thủ tục chồng chéo; các chính sách khuyến khích đầu tư vào NOXH dù đã có nhưng chưa thực sự hấp dẫn các doanh nghiệp (ví dụ rất nhiều chi phí Chủ đầu tư bỏ ra không được chấp thuận như không được khấu trừ toàn bộ chi phí bồi thường mà chỉ được khấu trừ chi phí bồi thường theo quy định của pháp luật).
Đáng chú ý, công tác tổ chức thực hiện pháp luật vẫn là khâu yếu, hiệu quả chưa cao. Các địa phương có tâm lý sợ sai, tâm lý nhiệm kỳ dẫn đến việc chỉ đạo thực hiện các dự án trên địa bàn còn chưa sát sao, giải quyết thủ tục chưa kịp thời; chưa quan tâm phát triển NOXH, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án NOXH độc lập.
Siết chặt kỷ luật, xử lý tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm
Từ thực tiễn nêu trên, Đoàn Giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát; tiếp tục thể chế hóa các định hướng của Đảng, tạo cơ sở pháp lý cho thị trường bất động sản và NOXH phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững; tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về bất động sản và NOXH.
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần triển khai ngay một số giải pháp, như: Phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc trong năm 2025; có giải pháp đồng bộ để khắc phục yếu kém trong ban hành, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về bất động sản và NOXH; những dự án vướng mắc không hoàn toàn do lỗi của doanh nghiệp cần nhanh chóng tháo gỡ; những dự án vướng mắc đòi hỏi xử lý của địa phương đề nghị địa phương khẩn trương thực hiện; có các giải pháp cụ thể triển khai Đề án 1 triệu căn hộ NOXH giai đoạn 2021-2030.
Với các luật mới ban hành, gồm: Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Nhà ở 2023, Luật Đấu thầu 2023, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, khơi thông nguồn lực đất đai.
Đối với các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 có liên quan đến NOXH cần nghiên cứu để có cơ chế, chính sách giải quyết vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn.
Ngoài ra, cần cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền cho địa phương; ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng NOXH phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở.
Đặc biệt, siết chặt kỷ luật, kỷ cương để xử lý tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ về bất động sản và nhà ở xã hội…/.