Đổi mới Chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau 2015: Cần chuẩn bị kỹ cho “trận đánh” lớn

Thứ sáu, 02/05/2014 07:31
Đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) phổ thông sẽ là bước chuyển quan trọng của cải cách giáo dục, giúp GD&ĐT khỏi tụt hậu kéo dài. Nhà giáo Phạm Toàn - người sáng lập nhóm Cánh Buồm, đề nghị "trận đánh lớn” cần được chuẩn bị kỹ: Đó là nhiều "trận đánh” trong tư duy những nhà tổ chức, đó cũng là nhiều "trận đánh” thử sức trên thực địa. Ông Toàn nói: 

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) phổ thông sẽ là bước chuyển quan trọng của cải cách giáo dục, giúp GD&ĐT khỏi tụt hậu kéo dài. Nhà giáo Phạm Toàn - người sáng lập nhóm Cánh Buồm, đề nghị "trận đánh lớn” cần được chuẩn bị kỹ: Đó là nhiều "trận đánh” trong tư duy những nhà tổ chức, đó cũng là nhiều "trận đánh” thử sức trên thực địa. Ông Toàn nói: 


Nhà giáo Phạm Toàn

 - Nếu chỉ là "kế hoạch” và "quyết tâm” đánh một trận thì chưa đủ bảo đảm CT và SGK mới sẽ không rơi vào vết xe cũ của đổi mới CT, SGK năm 2000 (gọi tắt là CT-2000). Muốn có SGK kiểu mới, tác giả phải chuẩn bị từ khâu đề xướng chủ thuyết giải thích chủ thuyết và còn phải làm thử nữa. Nhỡ chủ thuyết sai thì sao? Cái chủ thuyết "tiếp cận theo năng lực” tròn méo ra sao, có thấy giải thích cho xã hội biết rõ đâu? Muốn có được SGK theo CT mới vào năm 2016 thì ít nhất hàng chục năm trước đã phải có ý tưởng chủ đạo về bộ sách và ý tưởng ấy phải được triển khai, thử nghiệm từ đó đến nay rồi chứ. Cả mấy yếu tố "trước trận đánh” ấy đều không thấy diễn ra ở bộ phận soạn SGK của Bộ GD&ĐT. Nhóm Cánh Buồm chúng tôi soạn lại bộ SGK Tiểu học của mình từ năm 2009, nhưng ý tưởng chủ đạo của nó thì tôi đã đề xướng từ lâu và tuổi đời của bản thảo cũng có ít nhất vài ba chục năm.  

Quyết liệt chưa đủ… 

* Bộ GD&ĐT định thay đổi SGK theo kiểu "cuốn chiếu” từng cấp học, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói rằng ông chưa hình dung được phương án thay sách cùng một lúc cho cả 12 lớp chỉ trong một thời gian ngắn. Ông thấy "cuốn chiếu” và "làm cùng lúc”, kiểu nào khả thi?  

- "Trận đánh” lớn không lệ thuộc vào cách "cuốn chiếu” hoặc cách "làm nhanh” ... nếu cả hai cách đều sai. "Trận đánh” lớn hoặc cuộc tái cơ cấu GD cần bắt đầu với việc đưa ra một cách làm khác với cách làm theo thói quen và kinh nghiệm cũ.  

Ông Hiển rất thực thà, đã nói to lên một điều ông không biết. Cái điều cả nước đang ấp úng đó chính là cái tử huyệt này: Bộ GD&ĐT không tìm ra được một tác giả hoặc một nhóm tác giả đủ tầm tư tưởng và nghiệp vụ đề ra cách soạn SGK đổi mới thật nhanh, trong vòng 2 - 3 năm là cùng. Các vị mới chỉ có thói quen và năng lực "cuốn chiếu”! Điều kiện của việc làm và cách làm ngay tức thời đòi hỏi một tầm tư duy hệ thống để tổ chức việc làm của cả hệ thống, chứ không đòi hỏi tầm giỏi hoặc rất giỏi về một mảnh của hệ thống.  

Cách đào tạo chuyên gia của ta hàng dăm bảy chục năm nay không bảo đảm có chuyên gia đầu ngành đích thực. Nếu thiếu người chỉ huy với tư duy hệ thống thì làm sao có thể chỉ đạo cùng một lúc soạn sách cho tất cả các lớp, kể cả nội dung "gối đầu” cho những lớp chuyển đột ngột từ CT và sách cũ đột ngột sang CT và sách mới. Còn điều này nữa: Dù đã có một vị chỉ huy có tư duy hệ thống nhưng như thế đâu đã là đủ? Còn cần những năng lực khác nữa mới thể hiện được một tư tưởng cải cách xã hội. Cuối cùng, còn phải kể đến những may rủi của môi trường xã hội nữa. 

* Cần làm gì để "bài học lịch sử” tiêu cực của vụ làm sách CT-2000 sẽ không lặp lại? 

- Vào những ngày xưa không xa ấy, bộ CT-2000 còn được chống lưng bởi Luật Giáo dục, với "pháp lệnh” một CT - một bộ sách. Nay cái lệnh đó đã bị cuộc sống làm cho hết thiêng, và bây giờ ở đâu cũng nói rào rào đòi nhiều bộ sách… Cuộc cải cách giáo dục lần này không còn ở thế một mình một khoảnh vừa đá bóng, vừa thanh minh. Các nhóm tác giả công dân trong xã hội dân sự sẽ công bố quan điểm giáo dục, trình ra cho xã hội CT cùng bộ SGK của họ.  

* Vậy xã hội sẽ tham gia thẩm định những bộ SGK đó, theo ông, cần làm gì để đa dạng được tối đa ý kiến đóng góp?  

- Trên diễn đàn sẽ có những ý kiến đóng góp đủ kiểu. Sẽ không chỉ có những thành viên xuất thân từ cái cũ, không làm ra nổi một mảnh của cái mới, nhưng lại được quyền đứng ra thẩm định cái mới. Xã hội sẽ có dịp mổ xẻ vì sao một CT học nào đó luôn luôn tạo ra nhiều học sinh cuối cấp vào ĐH nhưng lại chỉ tạo ra zero phần trăm năng lực người có thiên hướng yêu quý các môn khoa học xã hội và nhân văn.  

Học sinh phổ thông có được dùng SGK mới sau 2015?

 Chương trình khung phải gồm cả hai mặt: nội dung và giải pháp 

* Một CT, một bộ sách đại trà như lâu nay Bộ làm độc quyền có nguy cơ phá sản. Quan điểm của ông là nhiều CT, nhiều bộ sách, sao không phải một CT, nhiều bộ sách như nhiều người lâu nay đã đề ra? 

- Cần có nhiều CT khung tùy theo những quan điểm khác nhau về mục tiêu khung đào tạo con người. Với chúng tôi, CT khung là sự cụ thể hóa cách thức đưa trẻ em đạt tới mục tiêu khung mà nền giáo dục trông đợi, chứ đó không phải là công cụ kiểm soát công cuộc giáo dục, không phải là sợi dây xích trói buộc nhà giáo. CT khung theo chúng tôi là một hệ thống công việc chứ không phải chỉ là một tập văn bản quy định "nội dung học” bài này bài nọ, tiết này tiết nọ. CT khung này phải vừa bao gồm những mục tiêu đào tạo, phải có cả phương thức (thậm chí kỹ thuật) thực hiện mục tiêu.  

* Vậy theo ông, Bộ nên thẩm định ra sao nếu quả thực sẽ có nhiều CT, nhiều bộ SGK, để tránh tiêu cực, xin - cho? 

- Nếu đấu thầu việc làm SGK, nên công khai danh tính tác giả trúng thầu và công khai các sản phẩm. Cũng nên công khai cả những sản phẩm không trúng thầu nữa. Vì làm SGK khác hẳn việc xây một cây cầu chẳng hạn: Có khi trúng thầu SGK đấy, những sản phẩm lại không như "bản vẽ”. Công khai các sản phẩm để xã hội tuyển lựa, cái nào hay thì duyệt và dùng, nghĩa là cần cho các trường quyền lựa chọn, chứ không phải chỉ để cho Bộ chọn hộ. 

* Ngày 25-4 vừa qua Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận xin lùi thời gian trình dự án đổi mới CT, SGK phổ thông sau 2015. Có người lo ngại vừa vào cuộc đã vỡ trận. Ông nghĩ sao? 

- Đó là một hành động dũng cảm. Nhưng kéo pháo ra rồi có kéo được pháo vào không, và kéo vào rồi có đánh đấm gì được không, thì đó còn là dấu hỏi. Bởi vì, lịch sử chỉ có một Võ Nguyên Giáp thôi.  

* Khuyến cáo của ông với Bộ GD&ĐT để "trận đánh lớn” thành công? 

- Đề nghị quý Bộ đừng cuống, đừng vì đã trót hứa mà cố công, cố sức làm cho đúng lịch. Làm CT và viết SGK khó lắm, không phải cứ có quyết tâm cao và có tiền là mọi thứ đều qua nhanh đâu. Đánh trận giả thì hết giờ chơi, quân ta, quân nó mới phải vội về nhà kẻo mẹ mắng. Mình là người lớn, mình hành động khác thế.   

* Trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo Thanh Như

Đại Đoàn kết

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra