![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file.thanhtravietnam.vn/data/0/images/2025/02/06/upload_2106/phu-quoc-thu-hut-khach-du-lich-quoc-te-nho-chinh-sach-mien-thi-thuc.jpg?dpi=150&quality=100&w=780) |
Ngành Du lịch Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng về lượng khách và doanh thu |
Nhiều địa phương thu hàng nghìn tỷ đồng từ du lịch
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày (từ ngày 25.1 đến 2.2), ngành Du lịch cả nước ước đón và phục vụ 12,5 triệu lượt khách nội địa, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2024. Số lượng khách quốc tế đến cũng tăng cao ở nhiều địa phương.
Nhiều tỉnh, thành phố đã đạt doanh thu du lịch trên 1.000 tỷ đồng trong dịp này. Cụ thể, Kiên Giang đạt doanh thu 1.886 tỷ đồng, trong đó Phú Quốc đóng góp gần 70% lượng khách và doanh thu. Đà Nẵng cũng đạt doanh thu 1.887 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với năm 2024.
TP.HCM dẫn đầu cả nước về lượng khách và doanh thu, tiếp tục khẳng định là điểm đến cũng như thị trường nguồn hàng đầu cả nước khi đón 2,1 triệu lượt khách (tăng 16,7% so với năm 2024). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 7.690 tỷ đồng (tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2024). Mức chi tiêu trung bình khoảng 3,6-3,7 triệu đồng/ khách. Đây cũng là mức chi tiêu cao nhất của các điểm đến trên toàn quốc.
Hà Nội ước đón 1 triệu lượt khách, tăng nhẹ 6%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 3.530 tỷ đồng, tăng 7,85% so với cùng kỳ năm 2024. Quảng Ninh ước đón 969.000 lượt khách, tăng 21%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2.665 tỷ đồng (tăng 71% so với cùng kỳ năm 2024). Kiên Giang ước đón 471.000 lượt khách, tăng 19,9%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 1.886,3 tỷ đồng, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2024. Đà Nẵng ước đón 469.000 lượt khách, tăng 16,7%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 1.887 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Phú Quốc (Kiên Giang) là ví dụ điển hình cho việc trong thời gian ngắn đã trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu của du khách trong và ngoài nước. Trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 vừa qua, Phú Quốc đóng góp gần 70% lượng khách và doanh thu của tỉnh Kiên Giang, với doanh thu đạt khoảng 1.320 tỷ đồng.
Thành công của điểm đến Phú Quốc, ngoài những lợi thế sẵn có về cảnh quan, điều kiện tự nhiên còn là nhờ triển khai hiệu quả các chính sách thu hút du lịch. Hiện nay, Phú Quốc là đảo duy nhất của Việt Nam miễn thị thực cho du khách quốc tế bay thẳng tới điểm đến này, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút khách nước ngoài đến Phú Quốc. Ngày cao điểm dịp Tết nguyên đán, đảo Ngọc đón tới 40 chuyến bay quốc tế. Đây cũng là điểm đến du lịch được đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch khá đầy đủ, dịch vụ phong phú, phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng, từ bình dân tới cao cấp. Ông Lê Văn Dũ, Phó Chủ tịch thường trực hội Lữ hành G7 khẳng định: “Phú Quốc có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển và cạnh tranh với các điểm đến du lịch nổi tiếng trong khu vực như: Phuket (Thái Lan) và Bali (Indonesia). Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc sẽ trở thành địa điểm để tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)”.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file.thanhtravietnam.vn/data/0/images/2025/02/06/upload_2106/nhieu-dia-phuong-dat-doanh-thu-du-lich-hang-nghin-ty-dong-dip-tet-nguyen-dan-2025-anh-xuan-lam.jpg?dpi=150&quality=100&w=780) |
Phú Quốc (Kiên Giang) là ví dụ điển hình cho việc trong thời gian ngắn đã trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu của du khách trong và ngoài nước. |
Du lịch là cực tăng trưởng bền vững
“Những kết quả thu được từ dịp Tết nguyên đán nói riêng và trong suốt thời gian qua từ sau dịch Covid - 19 được cho là nhờ việc triển khai hiệu quả các chính sách, chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ về phát triển du lịch. Đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 82/NQ- CP ngày 18.5.2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23.2.2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng chủ động chuẩn bị và có các chính sách thu hút, kích cầu du lịch hiệu quả; tổ chức nhiều chương trình, hoạt động sôi động phục vụ người dân và du khách dịp Tết nguyên đán 2025. Hệ thống doanh nghiệp lữ hành trong cả nước cũng đã có sự chuẩn bị từ sớm, chủ động xây dựng và mở bán đa dạng tour du lịch trong nước và quốc tế; áp dụng nhiều chương trình khuyến mại kích cầu du lịch mùa Tết Nguyên đán 2025. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú du lịch chủ động đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi. Một số cơ sở lưu trú phân khúc cao cấp đã tổ chức các hoạt động nhằm mang đến cho khách lưu trú những trải nghiệm vui tươi trong những ngày Tết cổ truyền Việt Nam.
Xác định du lịch là cực tăng trưởng bền vững, nhiều địa phương trước đó đã đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, bao gồm hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú và các điểm tham quan. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong việc di chuyển và trải nghiệm. Đồng thời, các địa phương đã chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo, phù hợp với nhu cầu và xu hướng của du khách. Điển hình như các tour du lịch sinh thái, du lịch văn hóa- lịch sử, du lịch mạo hiểm và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, việc đổi mới tư duy phát triển du lịch; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông, sự kiện, hội chợ du lịch ở trong và ngoài nước đã giúp nâng cao nhận thức của du khách về các điểm đến. Có thể nói, thương hiệu du lịch Việt Nam đã được khẳng định trên bản đồ du lịch thế giới.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1.2025 đạt gần 2,1 triệu lượt, tăng 18,5% so với tháng trước và tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là kỷ lục mới của ngành Du lịch Việt Nam, vượt qua con số gần 2 triệu lượt khách quốc tế vào tháng 1.2020. So với cùng kỳ năm 2019 thời điểm trước dịch, lượng khách tháng 1.2025 cao hơn đến 37,8%.
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2025 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh khu vực dịch vụ, du lịch là một trong hai nhóm động lực chính cần tập trung thúc đẩy. Thủ tướng chỉ đạo cần tiếp tục đa dạng hóa, đổi mới sản phẩm du lịch; nghiên cứu và bổ sung các giải pháp hỗ trợ để thu hút khách du lịch quốc tế. Trong đó, có việc cải thiện chính sách thị thực, xem xét miễn thị thực có thời hạn cho một số nhóm du khách, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn để khuyến khích khách quốc tế đến Việt Nam và lưu trú dài ngày hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Chủ tịch CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam nhận định: “Những chính sách cởi mở về thị thực, xuất nhập cảnh của Việt Nam; nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; định hướng đúng trong cơ cấu lại thị trường khách du lịch và sự đổi mới trong các hoạt động quảng bá du lịch tại nhiều thị trường quốc tế đã tác động rất mạnh đến việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng của du lịch thời gian qua, mức độ phục hồi khách quốc tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2024, sự ghi nhận của các tổ chức du lịch quốc tế, chúng ta có thể tin tưởng du lịch Việt Nam sẽ tạo đột phá trong tương lai”.