Đường quê ngày Tết

Thứ tư, 18/01/2023 09:21
(ThanhtraVietNam) - Ngày Tết, đường quê tôi rộn ràng. Xóm nhỏ bà con mang hàng ra bán. Nào bưởi, nào cam, nào chanh, cây đào, cây mía những thứ có sẵn trong vườn nhà đều được bày dọc con đường làng. Người đi chợ đông nườm nượp. Tiếng vịt, tiếng gà, tiếng trả giá chộn rộn lên cả một góc. Khi bà con bỏ những chiếc ủng sau nhà, bước chân lên từ đám ruộng bùn lầy. Khắp con ngõ, tiếng í ới nhau đi chợ Tết.

Lũ trẻ con được nghỉ học, lăng xăng phụ giúp bố mẹ cắt lá, rửa chén bát, buộc dây cặp bánh, hay đi theo mẹ để xách làn. Chợ quê đẹp với muôn màu sắc, đỏ của đào, xanh của lá chuối, lá dong, hoa cúc vàng, nải chuối, buồng cau. Lâu lâu lại xuất hiện một ông già lặng lẽ ngồi nặn tò he. Những con vật ngộ nghĩnh được cắm trên chiếc ống tre. Bàn tay thoăn thoắt của ông thợ nặn con gà, con cá, con bò hay con mèo, con chuột … mỗi khi có một khách hàng nhí yêu cầu.

Tết đến đầu ngõ, ở quê tôi sẽ có những cơn mưa phùn. Lạnh căm căm buốt da buốt thịt. Đường đất ở quê mấy ngày đầu còn ươn ướt, rồi chuyển qua nhão nhoẹt. Anh chị em chuẩn bị đồ đẹp đi chơi Tết nhưng dưới chân là một đôi ủng cao. Đi quanh xóm giềng cách vài bước chân nhưng cũng lội bùn mấy phút mới tới nơi. Nếu có đám cưới thì người ta rước cô dâu bằng “siêu xe” máy cày. Cô dâu trong bộ váy cưới trắng tinh, ngồi co ro ôm bó hoa trước ngực chờ chú rể tới. Khi cái đít xe máy cày ụn lên tới sân, chú rể bế cô dâu lên rồi ôm chặt cho tới lúc về tận nhà trai. Bởi thế, đám cưới những ngày cận Tết ở quê thật vui. Người nấu nướng lấm lem vì chạy chợ. Người nhà tất bật dọn dẹp con đường để đón dâu. Bà con lối xóm mỗi người một tay lo việc lặt vặt. Làm con gà con vịt, nhặt cây rau, rửa chén bát. Tiếng trò chuyện râm ran.

Đường quê ngày Tết, cô dâu khóc sướt mướt suốt dọc đường về. Khóc không phải vì xa cha mẹ bởi đi lấy chồng trong cùng một lối xóm, có muốn về cũng chạy xe vù một phát là tới nhà. Khóc là bởi trong cái lạnh căm căm của cơn mưa phùn, được hạnh phúc trong bàn tay của chú rể, họ hàng, gia đình hai bên. Bước chân ra khỏi nhà đã được bế lên, về tới nhà chồng cũng được bế xuống. Cô dâu chú rể hân hoan trên “siêu xe”, vây quanh là nam thanh nữ tú trong làng. Ai ai cũng rộn ràng. Bà con lối xóm hân hoan chúc phúc. Tiếng ồn của xe máy cày đi tới đâu là biết tới đó.

leftcenterrightdel

Người đi xa quê về ban đầu thấy đường nhão nhoét cũng lắc đầu ngán ngẩm. Nhưng niềm vui ở quê, tiếng cười, tiếng nói, tình cảm chan chứa đã kéo bao người ở lại cho đến tận giêng mới chịu rời xa. Càng lạnh càng khiến con người ta xích lại gần nhau hơn, yêu thương đủ đầy cho một năm xa vắng. Đêm đêm bên ánh lửa bập bùng, nồi bánh chung sôi sùng sục, ông bà, con cháu cháu ngồi quây quần bên nhau, kể cho nhau nghe những kỉ niệm thời xa xưa. Thời mà Tết đến pháo tép nổ giòn tan, xác pháo rơi đầy đường, lũ trẻ háo hức bới tìm trong đó quả pháo “xịt” còn nguyên để mang về nhà chơi. Thời cả gia đình quây quần bên nhau chơi cỗ tam cúc, vui vẻ chia nhau từng cân thịt, con cá. Ngồi bên nhau để níu giữ những khoảng trời thương nhớ, trong mảnh chăn chật hẹp ngày nào, không khí gia đình luôn luôn ấm cúng.

Tết ở quê, người ta trao cho nhau những lời chúc phúc, sung túc, đủ đầy trong năm tới. Rồi sẽ có những con đường bê tông, những đường hoa được bà con vun trồng từ phong trào xây dựng nông thôn mới. Đường quê sẽ đẹp hơn. Nhưng hơn hết thảy là sự yêu thương, bao bọc, chở che, tình quê thì có lẽ ở chốn quê, trở về quê con người ta mới cảm nhận được./.

Ngô Nữ Thùy Linh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra