Hà Giang triển khai các giải pháp khẩn, ứng phó mưa lũ, giảm thiệt hại tính mạng và tài sản của người dân

Thứ hai, 10/06/2024 16:23
(ThanhtraVietNam) - Hứng chịu thiệt hại về người và tài sản tại nhiều huyện, thành phố, tỉnh Hà Giang đang triển khai nhiều giải pháp khẩn để ứng phó với mưa lũ và giảm thiệt hại tính mạng và tài sản của người dân.
leftcenterrightdel
 Mưa lũ khiến nhiều khu vực tại Hà Giang bị chia cắt. Ảnh TTXVN

Theo báo cáo nhanh của Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Giang về tình hình thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh Hà Giang từ ngày 09/6 đến ngày 10/6/2024, về diễn biến thời tiết: Trong 14 giờ qua (từ 19giờ 00 ngày 09/6 đến 09giờ 00 ngày 10/6/2024) các khu vực trong tỉnh đã có mưa vừa, mưa to như: Thượng Sơn (Vị Xuyên) 320mm, Quảng Ngần (Vị Xuyên) 279mm, Tân Lập 2 (Bắc Quang) 239mm, Cao Bồ (Vị Xuyên) 232mm, Tùng Vài (Quản Bạ) 195mm, Lao Chải (Vị Xuyên) 173mm, Túng Sán (Hoàng Su Phì) 153mm, Bản Ngần (Vị Xuyên) 186mm, Thanh Thủy (Vị Xuyên) 144mm, Thanh Đức (Vị Xuyên) 138mm, Quyết Tiến (Quản Bạ)139mm, Niêm Sơn (Mèo Vạc) 161mm, TT Tam Sơn (Quản Bạ) 131mm, Ngam La (Yên Minh)136mm, Chi Cục Thủy Lợi (TP Hà Giang) 129mm, Phương Độ (Tp Hà giang)125mm, Xín Chải (Vị Xuyên) 121mm, Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) 121mm, Nàng Đôn (Hoàng Su Phì) 119mm, TT Yên Minh 117mm, Chiến Phố (Hoàng Su Phì) 109mm, Bản Nhùng (Hoàng Su Phì) 107mm, Thuận Hòa (Vị Xuyên) 111mm, Bản Phùng (Hoàng Su Phì) 105mm, Ngọc Long (Yên Minh) 121mm... Mưa lớn đã gây thiệt hại về người và tài sản tại một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

03 người thiệt mạng và thiệt hại vật chất trên nhiều lĩnh vực

Theo thống kê về mức độ thiệt hại, thứ nhất về người: Người bị chết: 03 người. Trong đó: 02 người tại huyện Hoàng Su Phì; 01 người tại huyện Quản Bạ. Cụ thể: 02 người tại huyện Hoàng Su Phì là hai bố con cùng một gia đình trú tại thôn Tân Thượng, nguyên nhân: do bị lũ cuốn tại khe suối tại km 26 địa thôn Tân Thượng xã Nậm Ty), đến 8 giờ ngày 10/6/2024 đã tìm thấy thi thể hai bố con. 01 người tại huyện Quản Bạ là Lò Thị Cho, sinh năm 1982, trú tại thôn Na Cho Cai, xã Nghĩa Thuận, nguyên nhân: bị sạt lở taluy dương gây vùi lấp làm chết tại thôn Pao Mã Phìn xã Tả Ván.

Ngập hàng trăm căn nhà và ngập úng nhiều tuyến đường liên xã, thôn

Thứ hai về nhà ở: Thống kê sơ bộ, tại thành phố Hà Giang có 39 điểm ngập gây ngập 350 nhà; 4 nhà bị nước ngập tại Hoàng Su Phì - 01 nhà bị sập hoàn toàn, 02 nhà bị đất đá sạt lở vào nhà tại Xín Mần - 02 nhà bị sập hoàn toàn tại Vị Xuyên

Thứ ba về nông, lâm nghiệp: Tổng diện tích bị thiệt hại là 0,12 ha đất lúa do sạt lở đất đá tại xã Tả Sử Choóng. Mưa to ngập úng 9 ha rau màu các loại Hà Giang - 01 chuồng trại chăn nuôi bị hư hỏng - 01 con lợn, 38 con gia cầm bị chết tại Xín Mần

Thứ tư về giao thông, đã có 02 cầu treo bị cuốn trôi tại Thuận Hòa và Thanh Thủy huyện Vị Xuyên; ngập úng nhiều tuyến đường liên xã, thôn tại huyện Vị Xuyên - Tổng số 5 tuyến đường, 12 vị trí sạt lở với tổng khối lượng 3.580 m3, trong đó: Tuyến đường tỉnh lộ 177 đường Bắc Quang - Hoàng Su Phì bị sạt taluy dương làm ắch tắc một số đoạn ô tô không đi lại được, thuộc địa phận xã Nậm Dịch, Nậm Ty, Thông Nguyên, Nam Sơn - Hồ Thầu, Bản Luốc, Nàng Đôn, Bản Phùng, Bản Nhùng, Pố Lồ, Thàng Tín, Thèn Chu Phìn, khối lượng lớn.

Ngập úng cục bộ tại một số tuyến đường tại phường Minh Khai, Nguyễn Trãi, Trần Phú, Quang Trung, Ngọc Hà, Ngọc Đường, Phương Thiện, Phương Độ với 25 điểm ngập úng - Tại Thành phố Hà Giang...

Thứ năm, các thiệt hại khác cũng ghi nhận như 50 ô tô và 70 xe máy bị ngập nước, ước thiệt hại 19,5 tỷ đồng...

Trước tình trạng trên, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) các huyện có thiệt hại đã trực tiếp đến kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục: thăm hỏi gia đình có người bị chết; huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục nhà cửa, cây trồng, vật nuôi... ổn định cuộc sống và sản xuất; xác định mức độ thiệt hại, báo cáo và đề xuất cơ chế hỗ trợ theo quy định.

Tiếp theo, các huyện có thiệt hại tiếp tục kiểm tra, xác minh và thống kê thiệt hại, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo quy định. Đề nghị các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức trực ban nghiêm túc theo đúng Quy chế trực ban của Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, diễn biến của thời tiết; xử lý và cung cấp thông tin kịp thời đến các tổ chức và nhân dân. Khi phát sinh các tình huống, thực hiện tốt phương án đã xây dựng và phương châm "4 tại chỗ" để xử lý trước mắt và cập nhật số liệu thiệt hại và báo cáo.

7 nhiệm vụ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hà Giang phải triển khai ngay

Đến 13 giờ 30 ngày 10/6/2024, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT (Văn phòng) đã ban hành Công điện gửi các cơ quan Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hà Giang, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Công an, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải và Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí.

Theo tin từ Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Hà Giang - Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực miền núi phía Bắc, vào hồi 11h00 ngày 10/6/2024, mực nước trên sông Gâm tại trạm thủy văn Bắc Mê ở mức +124,11m (trên mức BĐ3 0,11m) và dự báo tiếp tục lên trên BĐ3 từ 0,6-1,2m; nguy cơ gây ngập lụt các khu vực trũng thấp ven sông Gâm tại huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.

Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hà Giang thực hiện 7 nội dung.

(1) Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ. Thông tin kịp thời đến người dân khu vực có nguy cơ ngập lụt để chủ động phòng, tránh.

(2) Chủ động có biện pháp tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn.

(3) Thông báo cho các chủ lồng bè; chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông; các chủ phương tiện vận tải thuỷ, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, lồng bè, phương tiện, thiết bị và công trình.

(4) Bố trí lực lượng kiểm tra, rà soát, khơi thông dòng chảy; tổ chức canh gác, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các cầu, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.

(5) Triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn hồ chứa; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

(6) Chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình địa phương tăng cường thông tin về diễn biễn của lũ đến người dân và các cấp chính quyền để chủ động phòng tránh; cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền hình địa phương, các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó lũ, ngập lụt để giảm thiểu thiệt hại.

(7) Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.

 

 

PV

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra