Trong hơn 5.700 trạm BTS tại địa bàn Hà Nội, hiện có gần 1.200 trạm BTS dùng chung cơ sở hạ tầng (cột anten, nhà trạm) giữa các doanh nghiệp viễn thông với nhau hoặc thuê của các công ty xây dựng hạ tầng dùng chung.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Sỹ, Hà Nội là một trong những địa phương được phủ sóng điện thoại di động tới 100% các quận, huyện, thị xã sớm nhất, đồng thời cũng là địa bàn có số lượng các trạm thu phát sóng di động (trạm BTS) khá lớn. Số liệu tổng hợp từ báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn Hà Nội cho hay, tính đến nay, tại 30 quận, huyện của Hà Nội có tổng số hơn 5.700 trạm BTS đang hoạt động của các nhà mạng gồm: Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile và G Mobile. Trong đó, Viettel, MobiFone và VinaPhone là 3 nhà mạng có số lượng trạm BTS trên địa bàn Hà Nội lớn hơn cả, với số trạm của các mạng này lần lượt là 1.764 trạm, 1.503 trạm và 1.306 trạm.
 |
Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật giữa 13 doanh nghiệp viễn thông, bưu chính và truyền hình trên địa bàn Hà Nội đã được Sở TT&TT chủ trì tổ chức ngày 24/9/2014. (Ảnh: M.T) |
Sau hơn 3 năm kể từ thời điểm Sở TT&TT Hà Nội kết nối các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn thành phố ký kết thoả thuận thí điểm dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại quận Hoàn Kiếm, đến nay trong tổng số hơn 5.700 trạm BTS đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội, đã có gần 1.200 trạm BTS dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật (cột anten, nhà trạm...) giữa các doanh nghiệp viễn thông nhau với nhau hoặc thuê của các công ty xây dựng hạ tầng dùng chung.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Sỹ cũng thẳng thắn chỉ rõ, một trong những khó khăn, vướng mắc trong việc dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật là các doanh nghiệp viễn thông hiện vẫn chưa hình thành được “văn hóa hợp tác” với nhau trên cơ sở đôi bên cùng có lợi cũng như vì lợi ích chung của xã hội.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, với công tác phát triển hạ tầng mạng lưới thông tin, một nhiệm vụ trọng tâm sẽ được Sở TT&TT Hà Nội tập trung thực hiện là chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ngành và doanh nghiệp viễn thông xây dựng “Quy hoạch phát triển hạ tầng mạng viễn thông thụ động trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật đô thị (cống bể cáp, nhà trạm, cột anten) nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư và đảm bảo mỹ quan đô thị.
Bên cạnh việc yêu cầu các doanh nghiệp cấp thông tin, cử cán bộ phối hợp với cùng Sở xây dựng “Quy hoạch phát triển hạ tầng mạng viễn thông thụ động trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội cũng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông và các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng dùng chung tiếp tục đàm phán, hợp tác để sử dụng chung các trạm BTS.
Trong năm 2010, Hà Nội đã hoàn tất dự án thí điểm dùng chung trạm BTS của các mạng di động trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Ở dự án thí điểm này, Hà Nội đã đưa vào sử dụng 10 trạm BTS dùng chung giữa 5 mạng di động gồm Viettel, MobiFone, VinaPhone, EVN và Vietnamobile, trong đó có 7 trạm được sắp xếp lại để dùng chung và 3 trạm xây mới. Ngoài ra, các mạng di động cũng đã chủ động phối hợp dùng chung trạm BTS ở các quận huyện khác trên địa bàn. Tiếp đó, vào ngày 24/9/2013, dưới sự chủ trì của Sở TT&TT Hà Nội, đại diện lãnh đạo 13 doanh nghiệp bưu chính, viễn thông và truyền hình cáp đã chính thức ký kết thỏa thuận, cam kết cùng thúc đẩy việc dùng chung cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực đến cuối tháng 9/2018.
Theo M.T
ICT news