Ngân hàng Nhà nước:

Hàng trăm tổ chức tín dụng đã hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Thứ hai, 20/06/2022 08:59
(ThanhtraVietNam) – Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố danh sách đợt 1 năm 2022 các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, 83 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với những tên tuổi lớn như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PVcombank)… đã xuất hiện trong danh sách.

Nhóm các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức tài chính vi mô góp mặt với 25 đơn vị.

Các quỹ tín dụng nhân dân trên cả nước là nhóm đông nhất với 310 cái tên.

leftcenterrightdel
 Danh sách do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố với báo chí. Ảnh: NT

Theo Ngân hàng Nhà nước, năm 2021, cơ quan này đã chủ động, quyết liệt, chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng, lãi suất một cách đồng bộ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế.

Các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 2,2 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với dư nợ trên 3,9 triệu tỷ đồng.

Khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 đã được cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/01/2020 đạt trên 7,6 triệu tỷ đồng cho trên 1,32 triệu khách hàng.

Đồng thời, xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động tín dụng ngành, lĩnh vực phù hợp với thực tế, như: Quy định về hoạt động bảo lãnh ngân hàng; hoạt động mua bán nợ của tổ chức tín dụng; hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội; quy định đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo...

Để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, hướng tới đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5%, bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ chú trọng triển khai một số giải pháp điều hành tín dụng.

Cụ thể, điều hành linh hoạt các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững. Tiếp tục đánh giá hoạt động tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, vai trò, khả năng phục hồi, phát triển bền vững của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế để chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên, hỗ trợ và tập trung tín dụng nhằm góp phần khôi phục và phát triển kinh tế. Phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc trong việc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra