Hậu Sơn Tinh, Thuỷ Tinh - Phiếm đàm
Thứ tư, 04/08/2010 15:31 (GMT+7)
(Thanhtravietnam.vn) - Truyền thuyết kể rằng sau khi mang vật sính lễ đến trước, Sơn Tinh được vua Hùng Vương thứ 18 gả công chúa Mỵ Nương làm vợ. Thuỷ Tinh đến sau thấy mất Mỵ Nương liền tức giận dâng nước đánh nhau với Sơn Tinh... Những trận chiến dai dẳng hàng ngàn năm giữa hai vị thần đã để lại cho hậu thế một tồn nghi: Vì sao lại có sự “ưu ái” khá lộ liễu giữa Vua Hùng với phò mã tương lai trong “gói thầu” voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao?
Vua Hùng với kế sách "sống chung với lũ"
Nước Văn Lang của Vua Hùng khi ấy còn rất nhỏ bé, số dân trong các bộ lạc cũng chưa nhiều (4000 năm trước mực nước thủy triều dâng cao tới 3,5 mét làm ngập hầu hết khu vực đồng bằng Bắc Bộ ngày nay). Nhưng do mưa thuận gió hoà, sông hồ lặng sóng, đất đai màu mỡ, mùa màng tươi tốt nên thần dân của Vua Hùng sống không đến nỗi nào. Vua cùng các Lạc hầu, Lạc tướng thường lên núi cao vãn cảnh và bơi thuyền du nhàn trên sông nên đối với Sơn Tinh và Thuỷ Tinh đều là chỗ thân tình. Về tài năng thì hai vị thần ngang nhau, Thuỷ Tinh biết hô gió gọi mưa tạo ra nước dâng lũ cuốn, còn Sơn Tinh thì có phép "nâng cho núi ta lên cao, cao mãi ...". Từ lâu Vua Hùng đã có ý nhắm một trong hai người làm ứng viên phò mã, chỉ hiềm một nỗi công chúa Mỵ Nương đã đến tuổi cập kê mà không hiểu sao nàng lại chểnh mảng trong việc kén chọn ý trung nhân, suốt ngày chỉ mải vui chơi với các cung nữ… Nàng từng tuyên bố là chưa muốn lấy chồng khiến vua cha nhiều phen bối rối trong ý định kén rể ...
Năm ấy không hiểu sao nhiều nơi sông hồ bỗng nhiên khô cạn, đất thiếu nước làm cho lúa trổ đòng kém, dân tình xảy nạn mất mùa làm Vua Hùng rất lo lắng. Một lần lên chơi núi Vua Hùng gặp một nhà tiên tri. Sau khi xem quẻ hung cát và nghiên cứu phong thuỷ, nhà tiên tri cảnh báo với Vua Hùng rằng đang có một biến đổi lớn xảy ra trên đất Văn Lang. Nước sông hồ sẽ ngày càng lùi xa và mặt biển có thể trở thành nương dâu, ruộng lúa. Sự thay đổi "bể dâu" làm cho đất Văn Lang rộng lớn hơn nhưng thần dân sẽ luôn phải đối mặt với nạn hạn hán. Lúc đầu Vua Hùng nghĩ ngay đến việc chọn Thuỷ Tinh làm phò mã để trông coi việc "cấp nước" chống hạn nhưng nhà tiên tri cho rằng với tính khí thất thường lại ham chơi nên Thuỷ Tinh sẽ làm hỏng việc đại sự. Còn Sơn Tinh tuy có tài " trị thuỷ" nhưng lại bất lực khi trời hạn hán. Vậy thì phải chọn ai làm phò mã trong khi Vua Hùng chỉ có một cô công chúa Mỵ Nương? Đây là bài toán khó mà khi được vua hỏi, nhà tiên tri chỉ cười lớn rồi cáo từ. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Vua Hùng chợt hiểu ra thâm ý của nhà tiên tri. Và thế là nhà vua công bố lệnh kén rể với thể thức đặc biệt. Hai vị thần Sơn Tinh và Thủy Tinh sau khi thi đấu tài nghệ bất phân thắng bạị phải về tìm vật sính lễ "voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao". Ai mang đến sớm nhất sẽ được cưới công chúa Mỵ Nương, một "điều khoản" được xem là có lợi cho Sơn Tinh...
 |
Voi chín ngà (Ảnh ST) |
Thuỷ Tinh: Mệnh thuỷ nhưng tính hoả
Người đời nói Thuỷ Tinh không biết học chữ nhẫn nên thất bại là phải. Đã không lấy được công chúa yêu Mỵ Nương lại còn bị hao quân tổn tướng, làm trò cười cho thiên hạ. Nếu như Thủy Tinh biết nghe lời các bậc cao nhân thì mọi chuyện có thể sẽ khác.
Thực ra thì ngay khi “tiếp nhận hồ sơ” của Vua Hùng đưa ra với “gói thầu” là đồ sính lế gồm voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, với IQ trên mức trung bình, Thủy Tinh cũng lờ mờ nhận ra có gì đó không thỏa đáng lắm. Thì đấy, các loài vật làm của sính lễ có thể tìm thấy khá nhiều trên núi Tản Viên chập trùng hiểm trở của Sơn Tinh. Mà voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao thì quý hiếm cái nỗi gì, bằng chứng là Thủy Tinh cũng có đủ vật sính lễ theo yêu cầu của Vua Hùng nhưng vì mang đến sau nên phải chịu thua cuộc.
 |
Gà nhiều cựa ở xóm Còi, VQG Xuân Sơn, Thanh Xuân, Phú Thọ (Ảnh ST) |
Thần dân của Thủy Tinh còn “tình báo” với ngài rằng ở một bản trong địa phận của Sơn Tinh (nay là bản Còi thuộc vườn quốc gia Xuân Sơn, Thanh Xuân, Phú Thọ) có hàng trăm con gà chín cựa, dân bản ở đó vẫn vô tư thịt gà chín cựa làm cơm đãi khách…Còn Thuỷ Tinh phải đến tận một vùng đất phương Nam xa xôi mới tìm được loài gà này… Rõ ràng lợi thế đã được Vua Hùng ngầm trao cho Sơn Tinh, không phải “thông thầu” thì là cái gì?. Chưa kể Vua Hùng quy định thời gian giao vật sính lễ cũng rất chung chung là “sáng hôm sau ai mang sính lễ đến trước thì sẽ được cưới công chúa Mỵ Nương”. Sáng hôm sau là vào canh giờ nào, canh một hay canh năm? Bởi chỉ cần chờ đến đầu giờ tí (tính từ 11 đêm trước đến 1 giờ sáng hôm sau) là Sơn Tinh có quyền mang lễ vật đến yết kiến Vua Hùng. Còn Thủy Tinh, nghe nói lúc “nửa đêm gà gáy canh ba” đã có mặt nhưng vẫn bị chậm…
Nguyên tắc mọi cuộc chơi cần phải được công bằng! Một "trợ lý" đã mách nước cho Thủy Tinh mạnh dạn đề nghị Hùng Vương thay đổi “gói thầu” theo đặc điểm từng khu vực. Ví dụ đối với Sơn Tinh thì đồ vật sính lễ có thể là “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Còn đối với Thủy Tinh thì đồ sính lễ phải khác, ví như bạch tuộc trăm vòi, rùa vàng trăm móng, ngọc trai trăm màu chẳng hạn. Nếu được như vậy Thủy Tinh sẽ mang ngay vật sính lễ đến "rẹt rẹt 30 giây, không có giây thứ 31", lão Sơn Tinh kia liệu còn hí hửng được nữa hay không? Tuy nhiên với bản tính vốn thật thà, vị nể lại hay tự ái nên Thủy Tinh đã không “kiến nghị” và vì thế ngài đã tự làm khó mình.
Một vị cao nhân khi hiểu được tình thế bất lợi của Thủy Tinh đã sáng suốt khuyên ngài nên rút khỏi cuộc chơi nhưng Thủy Tinh khăng khăng không nghe. Đến khi bị thua cuộc Thuỷ Tinh mới nổi giận muốn tiến binh đánh thần núi Tản Viên thì vị cao nhân kia lại khuyên rằng: “Quân tử 10 năm báo thù chưa muộn, ta cứ án binh bất động chờ đợi, bên Sơn Tinh ắt sẽ có biến”. Nhưng vốn tính tình nóng nảy, Thủy Tinh cho rằng đợi những 10 năm thì nàng Mỵ Nương vú đã vắt qua vai, có con đàn con đống rồi thì cướp lại mỹ nhân phỏng còn có ý nghĩa gì?
Thật may cho Vua Hùng khi Thuỷ Tinh không nghe lời khuyên của vị cao nhân. “Có biến” nghĩa là làm cho trời hạn hán lớn, dân tình mất mùa đói khát, lúc đó không chừng đích thân Vua Hùng lại phải tìm đến Thủy Tinh để nhờ vả… Nhưng thay vì để cho đất đai khô cạn, muôn loài trên đất liền khốn khó thì hàng năm Thủy Tinh lại dâng nước đánh nhau với sơn thần. Gọi là giao chiến nhưng thực ra Thủy Tinh đang cần mẫn “dẫn thủy nhập điền” đúng theo kế sách của Vua Hùng, chỉ làm chết một vài loài vật ốm yếu chậm chạp nhưng thần dân Văn Lang nhờ có kinh nghiệm đắp đê phòng lũ nên vẫn bình an, núi Tản Viên vẫn sừng sững tươi xanh và phò mã Sơn Tinh vẫn hạnh phúc bên người đẹp…
Về sau ở vùng núi Tản Viên Ba Vì xuất hiện bài đồng dao khá dài, theo các nhà nghiên cứu thì có thể nó được lưu truyền từ sự tích kén rể rất thiên vị của Vua Hùng. Xin trích một đoạn:
Vua Hùng lập nước Văn Lang
Có cô công chúa là nàng Mỵ Nương
Voi chín ngà dạo đầy đường
Gà chín cựa sắc đầy vườn đá nhau
Ngựa thần có chín hồng mao
Đầy đường rong ruổi mang vào tiến vua
Tranh tài một cuộc hơn thua
Trời đang nắng bỗng đổ mưa ầm ào
Nước dâng núi cũng dâng cao...
Phạm Minh Mẫn
letiendat