Huyện Cao Lộc - Lạng Sơn đổi thay sau 10 năm xây dựng nông thôn mới

Thứ hai, 23/09/2019 14:36
(ThanhtraVietNam) - Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ là thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn hiện đại mà còn tái cơ cấu kinh tế, tổ chức các hình thức sản xuất hợp lý, nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM là “kim chỉ nam” đưa huyện phát triển lên một tầm cao mới.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Ngọc Thưởng (thứ 3 từ trái sang) kiểm tra xây dựng NTM xã Hồng Phong

Xây dựng NTM là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện NQTW 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” tại khu vực nông thôn. Hàng năm cấp ủy, chính quyền huyện Cao Lộc đều xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị phụ trách các nội dung, chỉ tiêu, tiêu chí; chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí đăng ký; tổ chức kiểm tra toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội - quốc phòng, an ninh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững trên địa bàn 21/21 xã.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo huyện Cao Lộc chứng kiến Lễ ra mắt HTX rau củ quả sạch Xã Gia Cát 

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, với sự quyết tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Cao Lộc đã đạt được những kết quả tích cực. Phong trào thi đua “Cao Lộc chung sức cùng cả nước xây dựng nông thôn mới” được triển khai sâu rộng và trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.  Phát huy sự năng động, sáng tạo, huy động được sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp nguồn lực, nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia xây dựng NTM. Hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư phát triển, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thức tổ chức sản xuất, các mô hình phát triển sản xuất được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, an sinh xã hội được đảm bảo, quy chế dân chủ ở cơ sở được coi trọng. Hệ thống chính trị vững mạnh, an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo huyện Cao Lộc kiểm tra Dự án cây Hoàn Ngọc tại xã Yên Trạch 

Đến nay, trên địa bàn huyện có 04/21 xã đạt chuẩn NTM, tăng 04 xã so với năm 2010. Phấn đấu đến hết năm 2019 có thêm 01 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (xã Tân Thành). Dự kiến đến năm 2020 hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện đề ra có 07/21 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí bình quân/xã đạt 9.81 tiêu chí/xã, tăng 6,5 tiêu chí so với năm 2010; xây dựng thêm 01 xã NTM nâng cao (xã Hải Yến) và 12 khu dân cư kiểu mẫu. Phấn đấu đạt từ 50% số thôn thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng biên giới đạt chuẩn NTM.

Cao lộc tập trung mô hình phát triển sản xuất

Từ năm 2011, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước đã thổi một luồng gió mới, tiếp sức cho phát triển nông nghiệp, nông thôn huyện Cao Lộc - Lạng Sơn. Đảng bộ, chính quyền đã kịp thời có những chủ trương, chính sách thực sự đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, qua đó cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với các hộ nông dân, gắn sản xuất với tiêu thụ, chế biến để tăng giá trị sản phẩm; khuyến khích các mô hình liên kết hộ, tổ hợp tác, kinh tế trang trại trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tích cực triển khai cơ giới hóa và chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ;

Đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghệ cho giá trị kinh tế cao, bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh phát triển các sản phẩm sạch, hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bao bì sản phẩm như: vùng chuyên canh: trồng rau an toàn Tân Liên, Gia Cát; vùng Hồng không hạt Bảo Lâm tại các xã Thạch Đạn, Lộc Yên, Thanh Loà, Gia Cát, Hải Yến, Bảo Lâm, Hòa Cư... mô hình nuôi lợn thương phẩm tại xã Hải Yến; mô hình trồng cây hoàn ngọc (một loại cây dược liệu) xã Yên Trạch; phát triển mô hình nuôi bò lai Sind; mô hình trồng nghệ đen ở xã Hồng Phong,…

Đến nay, cơ bản các mô hình đang được triển khai thực hiện, đáp ứng được nguyện vọng người dân và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, phát huy được thế mạnh từng vùng, từng địa phương. Bên cạnh việc hỗ trợ phát triển sản xuất, công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Tháng 9/2019, huyện Cao Lộc có 02 sản phẩm nông sản được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Rau Cao Lộc”; “Chanh rừng Mẫu Sơn Lạng Sơn”, đây là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm để huyện Cao Lộc tiếp tục chỉ đạo giữ gìn, quảng bá và nâng cao giá trị thương hiệu nhằm đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân góp phần thiết thực trong công tác xây dựng NTM trên địa bàn. từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân một cách hiệu quả và bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận những kết quả mà huyện Cao Lộc đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, huyện Cao Lộc cần quan tâm một số vấn đề còn hạn chế như: chất lượng các tiêu chí chưa cao, chưa bền vững; hình thức tổ chức sản xuất chưa rõ nét; môi trường NTM còn hạn chế; bình quân tiêu chí đạt còn thấp. Để hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM đề ra, huyện Cao Lộc, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; trong đó quan tâm đến con người tuyên truyền, nội dung tuyên truyền và thời điểm tuyên truyền. Huyện, xã phải xác định rõ 3 nội dung trụ cột xây dựng NTM gồm: tổ chức lại mô hình sản xuất; môi trường và thiết chế y tế, giáo dục, văn hóa để từ đó tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được cùng với những kinh nghiệm và bài học rút ra từ thực tiễn, UBND huyện Cao Lộc quyết tâm khắc phục những tồn tại hạn chế, trong bối cảnh tình hình mới có nhiều tác động đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, quyết tâm xây dựng quê hương Cao Lộc ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Kim Dung

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra