Thành phố Hồ Chí Minh:

Không có dấu hiệu sai phạm liên quan đến hoạt động dịch vụ việc làm tại Công ty TNHH Du học định cư DSS

Thứ năm, 07/11/2024 14:18
(ThanhtraVietNam) - Đó là kết luận của bà Lương Thị Hà, Phó Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) trong báo cáo các nội dung phục vụ buổi họp báo định kỳ liên quan đến Công ty TNHH Du học định cư DSS gửi Lãnh đạo Sở này ngày 10/10/2024 vừa qua.
leftcenterrightdel
Hội thảo về định cư Canada tổ chức tại TP.HCM vào tháng 09/2024 do Công ty DSS tổ chức. Ảnh: DSS

DSS hoạt động trong hành lang pháp lý cho phép

Liên quan đến việc thời gian qua một số cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin việc một số khách hành “tố” Công ty TNHH Du học định cư DSS không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng vẫn ký hợp đồng dịch vụ với họ; đại diện Công ty là bà Nguyễn Lê Vân, Giám đốc DSS Việt Nam đã lên tiếng giải thích rõ vấn đề này.

Bà Nguyễn Lê Vân cho biết: “DSS Group là liên kết giữa Công ty TNHH Du học định cư DSS (DSS Việt Nam) và Tổ chức DSS Education (Tổ chức giáo dục thành lập ở Úc) - một trong những đơn vị uy tín trong hoạt động tư vấn di trú (tức VISA) cho người đi Úc và Canada, cũng như không ít đơn vị có uy tín trong hoạt động thương mại”.

leftcenterrightdel

Bà Nguyễn Lê Vân, Giám đốc Công ty DSS đang trực tiếp tư vấn du học cho các bạn trẻ. Ảnh: DSS

Công ty DSS hoạt động gồm hai lĩnh vực chính là tư vấn du học và tư vấn di trú. Trong tư vấn di trú có các loại hình: di trú du lịch, di trú do thân nhân bảo lãnh, di trú lao động. Trong đó, tư vấn di trú lao động là một lĩnh vực DSS hoạt động mạnh hơn cả. 

“Đặc biệt là VISA, DSS xử lý tốt nhiều loại gồm: Du lịch, du học, định tay nghề, định cư đầu tư... Nhờ vào đội ngũ luật sư di trú với nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam, nên tỷ lệ đậu VISA luôn đảm bảo cao nhất. Khách hàng luôn được hỗ trợ tối đa, trải nghiệm dịch vụ chuyên nghiệp nhất khi chọn DSS” - Bà Vân khẳng định.

Đại diện Công ty DSS cũng cho biết từ lúc thành lập đến nay công ty này đã ký hợp đồng với 1.000 khách hàng các Hợp đồng dịch vụ du học; Hợp đồng dịch vụ thị thực; Hợp đồng dịch vụ VISA;… Nhưng chưa bao giờ ký “Hợp đồng dịch vụ xuất khẩu lao động”.


Khoản 1, Điều 26 Luật Thanh tra năm 2022 quy định vị trí, chức năng của Thanh tra sở:

Thanh tra sở là cơ quan của sở, thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi mà sở được giao tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, Điều 51 Luật Thanh tra 2022 cũng quy định các căn cứ ra quyết định thanh tra

Việc ra quyết định thanh tra phải có một trong các căn cứ sau đây:

1. Kế hoạch thanh tra;

2. Yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước;

3. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

4. Yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;

5. Căn cứ khác có liên quan theo quy định của luật.

Về vấn đề này, mới đây, tại báo cáo các nội dung phục vụ buổi họp báo định kỳ ngày 10/10/2024 liên quan đến Công ty DSS, Phó Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) TPHCM đã chỉ rõ: “Thanh tra Sở cùng phòng Việc làm - An toàn lao động Sở, Phòng Giáo dục nghề nghiệp có cuộc họp liên quan nội dung này… Đối chiếu các quy định pháp luật nhận thấy các hồ sơ chưa thể hiện được việc Công ty TNHH Du học định cư DSS có dấu hiệu sai phạm liên quan đến hoạt động dịch vụ việc làm, hoạt động giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bên cạnh đó, căn cứ quy định của Luật Thanh tra năm 2022, Thanh tra Sở không có cơ sở tham mưu đề xuất thanh tra đột xuất đối với Công ty TNHH Du học định cư DSS về chấp hành các quy định pháp luật về dịch vụ việc làm, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.

Ngoài ra, liên quan đến những phản ánh của dư luận về DSS Việt Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐTB&XH TPHCM cũng cho biết, Sở đã nhận được 12 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh từ năm 2020 liên quan Công Ty TNHH Du học định cư DSS. Trong đó, có 9/12 đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh liên quan đến nội dung tiền lương, BHXH và hợp đồng lao động, đến nay đã giải quyết được 8 đơn, hiện chỉ còn 01 đơn đang tiến hành xác minh.

Trong 3 đơn tố cáo có 01 đơn về Hợp đồng lao động, Bảo hiểm xã hội, tiền lương, hiện Thanh tra Sở đang thành lập tổ xác minh và tiến hành xác minh; 02 đơn hiện đang trong thời gian xử lý theo quy định. Qua nghiên cứu nội dung đơn và các hồ sơ do người tố cáo cung cấp, không thể hiện được Công ty DSS có dấu hiệu sai phạm liên quan đến hoạt động dịch vụ việc làm, hoạt động giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hồ sơ chỉ thể hiện liên quan đến hợp đồng dịch vụ Visa, Công ty TNHH Du học định cư DSS chỉ là bên thứ ba trong hợp đồng này, có trách nhiệm liên hệ các đơn vị có chức năng dạy nghề, dạy tiếng Anh để đào tạo cho người lao động; được thu hộ, chi hộ cho Công ty Giáo dục DSS mà không bị ràng buộc bất kỳ trách nhiệm nào.

Từ vấn đề mâu thuẫn người lao động trở thành cuộc chiến truyền thông

Quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động luôn là vấn đề nhạy cảm, nhất là khi người lao động nghỉ việc thì quan hệ giữa hai bên nhiều khi sẽ trở thành vấn đề mâu thuẫn khó hòa giải.

Theo Công ty DSS, tháng 8/2023 công ty này có ký hợp đồng lao động thời hạn 12 tháng với bà Đ.T.Q.G vào vị trí Giám đốc pháp lý của công ty. Trong quá trình làm việc, cũng như một số nhân viên công ty, bà G đề xuất với Giám đốc công ty cho được ứng tiền chi phí công tác. Theo Công ty DSS cho biết, từ 06/11/2023 đến 08/5/2024, bà G đã nhận tạm ứng 14 lần, trong đó có 5 khoản ứng vào các ngày 28/11/2023, 29/11/2023, 05/12/2023, 06/12/2023 và 08/12/2023 chuyển tiền từ tài khoản công ty vào tài khoản cá nhân của bà G với tổng số tiền là 190 triệu đồng, nhưng đến nay khi bà G đã nghỉ việc thì bộ phận kế toán công ty vẫn chưa nhận lại được hồ sơ giải trình nội dung chi cụ thể số tiền tạm ứng trên theo quy định.

Cũng theo Công ty DSS, đến nay sau buổi làm việc giữa công ty và bà G ngày 26/10/2024, mặc dù công ty đã đồng ý thanh toán tiền lương tháng 5, một phần lương tháng 6 và hỗ trợ thêm 01 tháng trong những ngày bà G không làm việc (lương tháng 7/2024) với điều kiện cấn trừ vào số tiền 190 triệu mà bà G đã tạm ứng ở trên và bà G phải bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu theo phụ lục đính kèm. Tuy nhiên bà G không đồng ý cấn trừ và giữ nguyên yêu cầu DSS thanh toán tiền lương và bồi thường hợp đồng lao động cho bà.

Trao đổi với phóng viên ThanhtraVietNam, bà Nguyễn Lê Vân, Giám đốc Công ty DSS cho biết, đây là sự việc đáng tiếc, công ty không hề mong muốn xảy ra. Tuy nhiên, công ty tin tưởng vào sự công tâm của Thanh tra Sở LĐTB&XH TPHCM sẽ vào cuộc xử lý thấu tình, đạt lý, đảm bảo quy định của các bên theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bà Vân cũng đặt câu hỏi là kể từ khi sự việc trên xảy ra, một số cơ quan báo chí, truyền thông, trang mạng xã hội đã liên tục đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Công ty DSS; đồng thời, đặt nghi vấn có một vài cá nhân đứng sau cung cấp nhiều thông tin không đúng sự thật gây thiệt hại hoạt động bình thường của công ty. Bà Vân cũng cho biết công ty đã nhận được thông báo của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông gửi Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM để vào cuộc kiểm tra, xác minh và xem xét giải quyết theo quy định.

Để cung cấp cho độc giả cái nhìn khách quan, đa chiều về vụ việc này, phóng viên ThanhtraVietNam sẽ sớm liên lạc để trao đổi với bà Đ.T.Q.G; đồng thời, theo dõi kết quả xử lý vụ việc này của Thanh tra Sở LĐTB&XH TP.HCM để cung cấp cho độc giả khi có các thông tin mới nhất từ các cơ quan có thẩm quyền./.

PV

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra