Triển khai Nghị quyết số 57/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh khóa XII, ngày 21/7/2024 UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành văn bản yêu cầu “Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả lời hứa và cam kết”. Trong đó, nhấn mạnh nội dung tăng cường kiểm soát, kiểm tra, thanh tra và điều chuyển, thay thế cán bộ né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Cụ thể, về hỗ trợ đánh giá, công nhận lại quá trình khai thác, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan theo thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm soát việc tuân thủ các quy định đối với những sản phẩm hết thời hạn giấy chứng nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, về trợ cấp gạo cho các hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không được chậm chễ trong thực hiện chính sách về hỗ trợ gạo cho người trồng rừng theo Nghị định số số 58/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024 của Chính phủ.
|
|
UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu xem công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ quan trọng, là tiền đề. (Ảnh minh họa, nguồn: baodautu.vn) |
Đáng chú ý, đối với bồi thường, giải phóng mặt bằng, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư dự án, các đơn vị có liên quan định kỳ hằng năm, có nhận xét, đánh giá và xem xét nghiêm túc trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu các địa phương, cơ quan liên quan đến việc không hoàn thành đúng tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo kế hoạch.
Đồng thời, nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, cần xem đây là nhiệm vụ quan trọng, là tiền đề, yếu tố có tính quyết định đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và thu hút đầu tư, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương và chủ đầu tư trong từng dự án cụ thể để có hành động quyết liệt, bảo đảm cho các dự án đầu tư công, dự án đầu tư của doanh nghiệp được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ.
“Trước mắt, cần rà soát, chấn chỉnh ngay tình trạng chậm giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của tỉnh; kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ này nhưng né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm”, văn bản của UBND tỉnh Kon Tum nêu rõ.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị để kịp thời xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc, bất cập cho doanh nghiệp.
Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời, ngăn ngừa và xử lý các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Mặt khác, xem xét kiểm điểm, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân khi để xảy ra các vụ ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý gắn với trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp./.