Vĩnh Long:

Kịp thời xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây bức xúc với doanh nghiệp, người dân

Thứ tư, 24/05/2023 08:52
(ThanhtraVietNam) – Đó là yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời tại Hội nghị phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) và chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2022.

Chỉ số PAPI của tỉnh đạt 43,02 điểm, đứng vị trí thứ 21/63 tỉnh

Theo kết quả công bố năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh đạt 43,02 điểm, đứng vị trí thứ 21/63 tỉnh, thành phố của cả nước; so với năm 2021, PAPI của tỉnh tăng 1,19 điểm và tăng 17 bậc. So với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, tỉnh đứng thứ 2/13 tỉnh (sau Bạc Liêu), tăng 04 bậc. Chỉ số PAR INDEX đạt 83,54%, đứng vị trí thứ 46/63 tỉnh, thành cả nước, so với năm 2021, tăng 0,72 % và tăng 12 bậc và đứng thứ 8/13 khu vực ĐBSCL, tăng 03 bậc.

Tuy nhiên, tỉnh còn 02 Chỉ số giảm điểm, giảm hạng là PCI và SIPAS. Chỉ số PCI của tỉnh đạt 64,4 điểm và đứng vị trí thứ 40/63 tỉnh, thành phố của cả nước. So với năm 2021, giảm 1,03 điểm và giảm 17 bậc. Trong khu vực ĐBSCL, tỉnh Vĩnh Long xếp hạng 8/13 tỉnh, thành phố, giảm 2 bậc so với năm 2021 và xếp sau các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Hậu Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Trà Vinh và Sóc Trăng. Bên cạnh đó, Chỉ số SIPAS đạt 77,17%, đứng vị trí thứ 51/63 tỉnh, thành phố cả nước; so với năm 2021, giảm 9,79% và giảm 18 bậc. So với các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, tỉnh đứng thứ 11/13, giảm 4 bậc.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy tổ chức chính quyền địa phương; nâng cao chất lượng phục vụ, cải thiện mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển của địa phương. Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích để tìm ra nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đối với các tiêu chí giảm điểm; trách nhiệm của người đứng đầu đối với kết quả thực hiện các chỉ số thành phần liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao và chỉ ra “điểm nghẽn” trong quá trình phân công nhiệm vụ, công tác phối hợp và tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, các đại biểu cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trọng tâm để cải thiện và nâng thứ hạng Chỉ số PCI, PAPI, SIPAS và PAR INDEX của tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

leftcenterrightdel
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - Lữ Quang Ngời phát biểu tại hội nghị (Ảnh: CTTĐT.VL) 

Thực hiện kiên trì, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành tỉnh, các địa phương, các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần xác định việc cải thiện các Chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX là một trong những nội dung quan trọng, được ưu tiên triển khai thực hiện trong kế hoạch hàng năm. Đây là thước đo để đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển kinh tế của tỉnh. Người đứng đầu của các ngành, các địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện nhiệm vụ cải thiện các Chỉ số nêu trên và có Kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, báo cáo kết quả triển khai về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước 15/6/2023.

Bên cạnh đó cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương, chính sách, Nghị quyết, Chương trình hành động của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của HĐND tỉnh; tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, xác định rõ trách nhiệm, tiến độ hoàn thành từng nhiệm vụ, tạo chuyển biến rõ nét trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Trong đó, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy chế làm việc của UBND tỉnh, quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao và Chương trình công tác của UBND tỉnh năm 2023. Xác định rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao; đặc biệt, công tác phối hợp xử lý công việc giữa các cơ quan, đơn vị, đảm bảo sự nhất quán trong thực hiện chủ trương, chính sách từ tỉnh đến cơ sở; chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh về các chỉ số thành phần chưa đạt mục tiêu thuộc trách nhiệm cơ quan, đơn vị mình quản lý.

Đồng thời cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, tăng tiện ích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện kiên trì, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức; kịp thời xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây bức xúc với doanh nghiệp, người dân.

Song song đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiện đại hóa hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bộ phận một cửa các cấp trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến để giải quyết trực tuyến đối với các thủ tục hành chính; nắm bắt thông tin cũng như quá trình giải quyết thủ tục hành chính để kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa hành vi vi phạm trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện công khai minh bạch quy hoạch tỉnh, khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn toàn tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng. Công khai các tài liệu hướng dẫn, giải thích các điểm còn nhiều thắc mắc, chưa rõ trong quy định về thủ tục hành chính, cũng như các kiến nghị và quá trình giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân

Xây dựng và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gắn với công tác quy hoạch cán bộ, đảm bảo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực thực thi nhiệm vụ đáp ứng với yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Tăng cường chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra liên quan đến doanh nghiệp theo đúng quy định, đảm bảo không chồng chéo, trùng lắp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Xử lý nghiêm những cán bộ công chức có hành vi gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân.

Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên lắng nghe, đối thoại, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp từ lúc thành lập/đầu tư đến hoạt động sản xuất kinh doanh để có hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời; tạo sự thuận lợi, hiệu quả hơn trong hoạt động của doanh nghiệp. 

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Hội, Hiệp hội doanh nghiệp cần nâng cao vai trò tham gia tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến với lãnh đạo tỉnh trong xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh./.

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra