Kon Tum: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm

Thứ hai, 06/02/2023 14:10
(ThanhtraVietNam) - UBND tỉnh Kon Tum xác định, việc xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2023 được coi là nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Đây là yếu tố quan trọng nhằm tạo nguồn lực góp phần khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế sau dịch bệnh; thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành Chương trình hành động của UBND tỉnh về THTK, CLP năm 2023 (Chương trình). Trong đó, yêu cầu Chương trình phải đảm bảo tính toàn diện nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào chủ đề năm 2023 là “Triển khai đầy đủ, nghiêm túc, chất lượng, đảm bảo tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp, kiến nghị Quốc hội đã đề ra tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP”.

THTK, CLP là trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức và cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao, phải bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực và từng địa phương với trách nhiệm của người đứng đầu và sự gắn kết giữa các ngành, lĩnh vực để tạo chuyển biến tích cực trong THTK, CLP.

Đặc biệt, THTK, CLP phải gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, thúc đẩy cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị hàng đầu

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Chương trình, trong năm 2023 tỉnh Kon Tum cần triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ chủ yếu, như: Tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm tạo động lực đột phá để khôi phục và phát triển kinh tế sớm nhất; huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Thực hiện chống lãng phí trong sử dụng các nguồn lực, tài nguyên thiên nhiên, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt từ 10% trở lên.

Điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết. Công khai, minh bạch và thực hiện triệt để tiết kiệm ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Thường xuyên rà soát tổng thể các chế độ, chính sách để bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2023-2025 theo đúng quy định. Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ và nâng mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp ở mức tự chủ cao hơn, tăng cường xã hội hóa, khai thác, mở rộng nguồn thu dịch vụ, sự nghiệp, phấn đấu thực hiện đạt tỷ lệ trên 10% giảm chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp.

Đáng chú ý, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong năm 2023. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tăng cường kiểm tra, giám sát nâng cao hiệu quả đầu tư của các công trình dự án sau hoàn thành đưa vào sử dụng.

leftcenterrightdel
Một giao lộ tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: kontumcity.komtum.gov.vn) 

Những lĩnh vực, hoạt động sẽ thanh tra, kiểm tra

Chống lãng phí trong sử dụng nguồn lực lao động, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển nhân lực tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, trọng tâm là rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập các đơn vị, địa phương; sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc.

Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường, nâng cao hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về THTK, CLP đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, tiền, tài sản công, tài nguyên thiên nhiên và các doanh nghiệp có vốn của Nhà nước. Kiên quyết xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, gây lãng phí.

Theo Chương trình của UBND tỉnh Kon Tum, THTK, CLP được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực, gồm: Quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý chương trình mục tiêu quốc gia; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản; quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước.

Các huyện, thành phố phải xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra cụ thể

Về các giải pháp thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được UBND tỉnh quyết định thành lập trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu THTK, CLP năm 2023, triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cho từng lĩnh vực; phân công rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm.

Riêng về công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP và các lĩnh vực liên quan đến THTK, CLP, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra cụ thể liên quan đến THTK, CLP.

Trong đó, xây dựng kế hoạch và thực hiện việc thanh tra, kiểm tra đối với những lĩnh vực, nội dung hoạt động dễ phát sinh thất thoát, lãng phí, như: Cơ chế điều hành và tổ chức thực hiện các Đề án, Chương trình có nguồn từ ngân sách nhà nước của các Sở, ban, ngành, các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố; quản lý và sử dụng đất, trọng tâm là các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm sử dụng đất; tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; quản lý kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ.

Thủ trưởng các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra tại các đơn vị mình và chỉ đạo công tác kiểm tra, tự kiểm tra của đơn vị cấp dưới trực thuộc. Đối với những vi phạm được phát hiện trong công tác kiểm tra, thủ trưởng đơn vị phải kịp thời khắc phục, xử lý hoặc đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra lãng phí./.

Hoàng Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra