Khởi quay từ tháng 12/2010, đoàn làm phim “Mùi cỏ cháy” đã đi qua nhiều địa điểm: Hà Nội, Sơn Tây, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị... Thời gian cuối cùng là ở bối cảnh Thành cổ được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Ðồng Mô, Sơn Tây) với những đại cảnh hoành tráng như bộ đội vượt sông Thạch Hãn, pháo binh ngụy đánh chiếm Thành cổ...
 |
Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm và diễn viên Năng Tùng (vai Hoàng) |
“Mùi cỏ cháy” (kịch bản Hoàng Nhuận Cầm) là câu chuyện về bốn chàng sinh viên đại học Hoàng, Thành, Thăng, Long đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc "xếp bút nghiên" lên đường vào mặt trận. Họ cùng nhập ngũ trong một ngày, sống và chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị vào thời kỳ khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với 81 ngày đêm rực lửa mùa hè năm 1972. Trải qua nhiều cuộc chiến đấu, cuối cùng chỉ có Hoàng là người duy nhất trở về.
Bộ phim là sự xen kẽ giữa cuộc sống hiện tại của Hoàng (diễn viên Năng Tùng thủ vai) với quá khứ chiến tranh, là thái độ của lớp trẻ hôm nay với những người đã ngã xuống. Chất yêu văn chương, giỏi toán của Nguyễn Văn Thạc, nét tài hoa của Hoàng Thượng Lân hay sự hy sinh quên mình của Hoàng Kim Giao... hiển hiện qua từng chân dung nhân vật, cho người xem xúc động sâu sắc về sự hy sinh lớn lao của một lớp người trẻ tuổi tài hoa cho độc lập tự do của Tổ quốc.
 |
4 nhân vật chính Hoàng, Thành, Thăng, Long trong cảnh quay đầu tiên tại Công viên Thống Nhất, Hà Nội |
Cho rằng “Mùi cỏ cháy” đã thực sự vượt lên trên ý tưởng ban đầu là chuyển thể cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20 “của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm khẳng định: Ê-kíp làm phim “Mùi cỏ cháy” sẽ làm mọi cách để bộ phim xứng đáng với dòng chữ cuối cùng khi phim kết thúc: “Bộ phim này để tri ân và tưởng niệm những người lính, đã ngã xuống trên các chiến trường và mặt trận Quảng Trị năm 1972”.
Sau 8 tháng ròng lăn lộn cùng ê-kíp làm phim, gương mặt thư sinh rất điển trai đã phảng phất vẻ phong trần, chàng diễn viên trẻ Năng Tùng cho biết: “Mùi cỏ cháy” là bộ phim nhựa đầu tay của tôi. Trong phim, tôi vào vai Hoàng, một sinh viên văn khoa, yêu thích thơ và có khả năng sáng tác thơ. Đây thực sự là một khó khăn đối với tôi, vì tôi vốn là sinh viên khoa Vật lý (Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội). “Ðược đến với điện ảnh, được hóa thân vào những người lính, hiểu thêm những hy sinh xương máu của thế hệ cha anh đi trước là điều ý nghĩa, thiêng liêng vô cùng. Vì thế, tôi không ngại vất vả và sẵn sàng chấp nhận”, Năng Tùng khẳng định.
 |
Cảnh quay cuối cùng tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã khép lại hành trình 8 tháng thực hiện “Mùi cỏ cháy” |
Nhìn nụ cười tuổi 20 của chàng sinh viên hôm nay như được thắp lửa từ mùa hè cháy bỏng năm nào, chợt thấy bồi hồi âm hưởng của những người lính trẻ xếp bút nghiên ra trận và sự khốc liệt ở thành cổ Quảng Trị năm xưa. Và “Mùi cỏ cháy” hứa hẹn những thước phim hoành tráng đầy chân thực, xúc động về chân dung một thế hệ với lý tưởng và sự dâng hiến đẹp đẽ, lớn lao cho Tổ quốc.
Hà Tuấn