Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp dựa trên dữ liệu theo thời gian thực

Chủ nhật, 12/11/2023 12:52
(ThanhtraVietNam) - Sau hơn một năm triển khai thực hiện Bộ chỉ số trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, đây là công cụ hữu hiệu, giúp kiểm soát thực thi, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm giải trình. Đồng thời, phát hiện khó khăn, bất cập để từ đó có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Triển khai 5 nhóm chỉ số trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công

Ngày 23/6/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 766/QĐ-TTg phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử (Bộ Chỉ số).

Bộ Chỉ số được triển khai chính thức từ ngày 01/8/2022 với 05 nhóm chỉ số, gồm: Công khai, minh bạch; tiến độ, kết quả giải quyết; số hóa hồ sơ; cung cấp dịch vụ trực tuyến; mức độ hài lòng.

Trên cơ sở Bộ chỉ số, hiện nay, có 10 bộ, 47 địa phương đã thường xuyên công khai kết quả đánh giá, nhất là danh sách cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công. Từ đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm giải trình, cải thiện rõ rệt chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hoặc sớm hạn của địa phương đạt 90%, của bộ, ngành đạt 50,2% (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022). Mức độ hài lòng trong xử lý phản ánh, kiến nghị của địa phương đạt 93%; của bộ, ngành đạt 76,6%. Một số bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt, như: Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bình Định, Tây Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Hòa Bình, Hậu Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Lào Cai, Quảng Bình, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Yên Bái,…

Có thể thấy, Bộ Chỉ số là công cụ hữu hiệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc quản lý chất lượng thực hiện TTHC, dịch vụ công hoàn toàn dựa trên dữ liệu theo thời gian thực. Từ đó, giúp kiểm soát thực thi, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm giải trình trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, dựa trên cơ sở đổi mới việc kiểm soát quy trình và kết quả đầu ra theo thời gian thực, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Mặt khác, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quy định, cũng như thực hiện TTHC để từ đó xác định nguyên nhân, giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
Cán bộ Trung tâm dịch vụ hành chính công tỉnh Lâm Đồng phục vụ người dân. (Ảnh: Hoàng Minh) 

Vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thêm TTHC

Thời gian qua, việc thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã gắn kết với chuyển đổi số theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần, chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp ngày một được cải thiện. Tuy nhiên, thực tế triển khai Bộ Chỉ số cho thấy, chất lượng thực hiện TTHC, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp có được cải thiện nhưng chưa đáng kể, nhất là trong các lĩnh vực, như: Đất đai, xây dựng, đầu tư,… Vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thêm TTHC, hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định trong tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Đáng nói, vẫn còn nhiều bộ, địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thường xuyên đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp và công khai kết quả đánh giá trên phương tiện thông tin đại chúng.

Việc nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết TTHC tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm dẫn đến tình trạng không cập nhật, đồng bộ đầy đủ dữ liệu hồ sơ TTHC tại bộ, ngành, địa phương phục vụ đánh giá, giám sát. Việc công khai, minh bạch, nhất là công khai, minh bạch quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ ở một số cơ quan, đơn vị còn yếu. Còn có tình trạng tiếp nhận hồ sơ “ngoài luồng”, không được cập nhật trên Hệ thống, không thể theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng.

Bên cạnh đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm; chưa thực hiện việc báo cáo giải trình và xin lỗi người dân, doanh nghiệp trong trường hợp để xảy ra chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ TTHC của cơ quan, đơn vị. Chưa kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm TTHC, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định hoặc nhiều lần để xảy ra tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, giải quyết TTHC theo đúng quy định pháp luật về đánh giá, xếp loại chất lượng và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

Căn cứ kết quả đánh giá của Bộ chỉ số để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ

Để kịp thời chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai một số giải pháp, như: Tập trung thực hiện ngay việc cải cách TTHC, phân cấp, phân quyền, đánh giá tác động chính sách và tham vấn đối tượng thực hiện trong quá trình xây dựng thể chế; rà soát, sửa đổi các quy định TTHC tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành để chuyển từ phương thức tiếp nhận, giải quyết TTHC truyền thống, giấy tờ, trực tiếp sang trực tuyến, số hóa; tiếp tục hoàn thiện các quy định trong thực hiện TTHC để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Ngoài ra, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công.

Đặc biệt, thực hiện nghiêm việc báo cáo giải trình của người đứng đầu và xin lỗi người dân, doanh nghiệp đối với các trường hợp để xảy ra chậm muộn, tiêu cực trong giải quyết hồ sơ TTHC của cơ quan, đơn vị. Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm TTHC, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định hoặc nhiều lần để xảy ra tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, giải quyết TTHC.

Định kỳ hàng tháng công khai kết quả đánh giá Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công và danh sách cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ theo Quyết định số 766/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, căn cứ kết quả đánh giá của Bộ chỉ số để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định pháp luật về đánh giá, xếp loại chất lượng và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức…/.

Hoàng Minh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra