Nâng cao công tác quản lý, xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Thứ tư, 24/05/2023 08:07
(ThanhtraVietNam) - Trong thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực; góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội ở địa phương, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác công tác quản lý, xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính tại một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức; công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực, đơn vị, địa phương chưa kịp thời; Trình tự, thủ tục ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa đảm bảo tính pháp lý; việc tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa triệt để, nhất là thi hành biện pháp khắc phục hậu quả; công tác phối hợp trong việc giải quyết các vụ việc xử lý vi phạm hành chính hiệu quả chưa cao...

Để chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác quản lý, xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành hành văn bản số 651/UBND-NC ngày 19/5/2023 yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về thi hành pháp luật xử lý vi phạm phạm hành chính tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong việc tham mưu xử lý vi phạm hành chính.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Đổi mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo từng lĩnh vực xử phạt cho cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính chuyên sâu, theo từng lĩnh vực cho người có thẩm quyền xử phạt, xử lý vi phạm hành chính và đội ngũ tham mưu thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính.

Phát huy hiệu quả các công cụ quản lý, kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, yếu kém, đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; đề cao trách nhiệm của cá nhân trong thực thi công vụ; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí;  thực hiện có hiệu quả việc kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ, theo địa bàn, chuyên đề hoặc theo ngành, lĩnh vực hoặc đột xuất theo quy định của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khi có sai phạm; đồng thời, động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân nỗ lực đạt kết quả cao, sáng tạo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ngành, địa phương và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thực thi công vụ về xử lý vi phạm hành chính; tuân thủ đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Người đứng đầu các Sở, ngành, địa phương và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chủ động và chịu trách nhiệm trong việc tham mưu, thực hiện các quy định xử phạt vi phạm hành chính.

Tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng quyết định xử phạt vi phạm hành chính không thi hành được do hết thời hiệu thi hành, nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật. Kịp thời báo cáo, kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền để xin ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

Xây dựng Cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính của tỉnh để phục vụ cho công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, hướng tới tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính. Củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham mưu thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Thực hiện nghiêm việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan.

Quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính để phát hiện kịp thời các vi phạm hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, giao thông, vệ sinh an toàn thực thẩm./.

 

  

Yến Ngọc
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra