Vừa qua, UBND thành phố (TP) Hà Nội lấy ý kiến người dân về Tờ trình dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Theo đó, dự kiến Nghị quyết sẽ nâng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (Nghị định 168/2024/NĐ-CP) với 107 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Thời hạn áp dụng từ tháng 7/2025.
Trong 107 lỗi vi phạm được đề xuất tăng mức phạt, UBND TP Hà Nội cho rằng có 3 nhóm hành vi chính: Có tính chất phổ biến, diễn ra hằng ngày ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen của người dân và mỹ quan đô thị; là nguyên nhân dẫn đến tai nạn và ùn tắc; gây ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng, kết cấu hạ tầng giao thông.
Về cơ sở pháp lý, tại điểm a khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025) quy định: "1. Việc xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn Thành phố được áp dụng các quy định sau đây: a) Hội đồng nhân dân Thành phố quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 02 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố;".
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: "1. Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội.".
Như vậy, việc UBND TP Hà Nội đề xuất HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết quy định nâng mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168/2024/NĐ-CP với 107 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ là đúng với quy định của pháp luật và phù hợp với thẩm quyền.
Hiện nay, các mức phạt theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP là phù hợp, kết quả thi hành thời gian qua cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao; văn hóa giao thông từng bước được hình thành; các hành vi không chấp hành vạch kẻ đường, biển báo hiệu, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều; đi vào đường cấm, không chấp hành đèn tín hiệu… đã giảm hẳn; tình hình tai nạn giao thông trên cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực, giảm ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người tử vong và số người bị thương).
Qua triển khai Nghị định 168/2024/NĐ-CP cũng cho thấy nhiều bất cập, như: Cơ sở hạ tầng giao thông hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển thực tế; hệ thống đường sá tại TP Hà Nội và TP.HCM có biểu hiện quá tải; hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân; công tác quản lý, điều tiết giao thông còn nhiều bất cập; số lượng cảnh sát giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Việc phạt nguội vi phạm giao thông đã được tiến hành nhưng hiệu quả chưa cao do công tác xác minh phương tiện gặp khó khăn, người vi phạm có hành vi che biển số, lắp biển số giả… khi tham gia giao thông.
Việc UBND TP Hà Nội đề xuất HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết quy định nâng mức mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168/2024/NĐ-CP là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải rà soát, làm rõ các hành vi vi phạm cụ thể của người vi phạm để quy định mức phạt cao hơn so với Nghị định 168/2024/NĐ-CP, nhất là đối với các hành vi do lỗi cố ý của người tham gia giao thông, như: Đi vào đường cấm; chở quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm; chạy quá tốc độ; vi phạm nồng độ cồn; lạng lách, đánh võng; bấm còi, rút ga (nẹt pô).
Để có cơ sở ban hành Nghị quyết quy định nâng mức mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì cần phải có thời gian đánh giá toàn diện việc triển khai Nghị định 168/2024/NĐ-CP trên thực tế, nhất là các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP có phù hợp và đảm bảo tính răn đe hay chưa? Từ đó, mới có cơ sở thực tiễn để đề xuất nâng mức mức phạt gấp 1,5 - 2 lần so với Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Đồng thời, UBND TP Hà Nội cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể, như nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, phân luồng giao thông một cách hợp lý, khoa học, hiệu quả; tăng cường quản lý phương tiện tham gia giao thông, nhất là các phương tiện kinh doanh vận tải; phát triển và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến và thi hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Nghị định 168/2024/NĐ-CP… Có như vậy, mới góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp của người dân, kéo giảm giao thông, ùn tắc, từng bước hình thành văn hóa giao thông trên địa bàn TP./.