Công an xã An Đạo, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ và Quỹ tín dụng nhân dân xã này đã kịp thời phát hiện ngăn chặn vụ việc giả danh Công an để lừa đảo số tiền 580 triệu đồng của người dân.
Cụ thể, chiều ngày 22/8/2024, bà Đ.T.H (sinh năm 1967) đến Quỹ tín dụng nhân dân xã làm thủ tục rút 580 triệu đồng tiền tiết kiệm để chuyển vào một tài khoản ngân hàng khác đứng tên bà H.
Phát hiện thấy bà H có nhiều biểu hiện bất an nên cán bộ Quỹ tín dụng đã tạm dừng việc chuyển tiền và thông báo tới Công an xã.
Nhờ nắm rõ hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế của bà H nên cán bộ 2 đơn vị đã kiên trì tuyên truyền, giải thích giúp bà H nhận ra khả năng đang rơi vào “bẫy lừa đảo” của các đối tượng xấu.
|
|
Công an xã phối hợp với cán bộ Quỹ tín dụng ngăn chặn không để bà H chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo. Ảnh: BCA |
Bà H cho biết, khoảng 9h ngày 21/8, bà H đang ở nhà thì có một người đàn ông gọi điện thoại xưng là “cán bộ Công an thành phố Hà Nội” đang điều tra đường dây “buôn bán ma tuý và làm bảo hiểm giả” nghi ngờ bà có liên quan nên yêu cầu bà phải cung cấp số tiền gia đình đang gửi ngân hàng, những tài sản có giá trị như vàng, xe máy, ô tô, sổ đỏ...
Biết bà H đang có số tiền 580 triệu đồng gửi tại Quỹ tín dụng xã, đối tượng đã yêu cầu bà phải chuyển số tiền đó sang một tài khoản khác để “chứng minh vô tội”.
Các đối tượng yêu cầu bà H mua điện thoại di động mới để cài đặt phần mềm chuyển tiền, mở tài khoản ngân hàng mới rồi cung cấp số tài khoản, mật khẩu và mã OTP cho chúng.
Sau đó, yêu cầu bà H đến Quỹ tín dụng nhân dân rút toàn bộ số tiền tiết kiệm chuyển vào tài khoản mới mở.
Trong quá trình bà H làm thủ tục rút tiền, các đối tượng thường xuyên gọi điện đe doạ bà không được thông báo việc này cho bất kỳ ai, nếu để lộ sẽ bị bắt.
Qua vụ việc trên, cơ quan Công an đề nghị người dân nâng cao cảnh giác nhận biết và phòng ngừa với các thủ đoạn lừa đảo của đối tượng xấu trên không gian mạng.
Theo Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, trên không gian mạng nước ta xuất hiện ba nhóm lừa đảo chính là: giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác.
Một số hình thức lừa đảo đã được phát hiện như: lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công, giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo; đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay nợ tín dụng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng…
Đối tượng lừa đảo thường sử dụng các hình thức tinh vi nhắm vào nhóm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, đối tượng công nhân, nhân viên văn phòng… để dẫn dụ, lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.
Người dân cần cảnh giác và khi phát hiện thủ đoạn mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần nhanh chóng trình báo cơ quan Công an nơi gần nhất.
|
Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến do Cục An toàn thông tin phát hành còn nêu một số dấu hiệu để nhận diện sàn đầu tư chứng khoán quốc tế, giao dịch vàng, ngoại hối, tiền ảo, bất động sản, kinh doanh đa cấp có mục tiêu quảng cáo, lôi kéo số lượng lớn người tham gia đầu tư và có nguy cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản là rất quan trọng để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính như sau:
(1) Lời hứa quá cao: Sàn đầu tư lừa đảo thường hứa lợi nhuận vượt trội, không thể tin được và quá cao so với thị trường thực tế.
(2) Thiếu thông tin minh bạch: Sàn không cung cấp đầy đủ thông tin về công ty, giấy phép hoạt động, lịch sử giao dịch và nhân sự quản lý.
(3) Yêu cầu chuyển tiền trước: Sàn yêu cầu người tham gia chuyển khoản tiền trước khi bắt đầu giao dịch, thường là dưới hình thức phí đăng ký, phí tham gia hoặc tiền ký quỹ.
(4) Thiếu sự kiểm soát và giám sát: Sàn không có sự kiểm soát từ các cơ quan quản lý hoặc không được cấp phép hoạt động đúng quy định.
|