Nghèn - Thị trấn đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh được Công nhận đô thị loại IV

Chủ nhật, 29/12/2024 07:00
(ThanhtraVietNam) - Ngày 28/12/2024, Đảng bộ và Nhân dân Thị trấn Nghèn (Can Lộc- Hà Tĩnh) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập (1984 - 2024) và đón nhận Quyết định của Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại 4.

Phát biểu khai mạc buổi lễ đón nhận Quyết định do ông Đặng Văn Kỳ- UVBTV Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy Thị trấn Nghèn nhấn mạnh: Từ hàng ngàn năm trước đã có cư dân lập ấp quanh núi Nghèn, Thổ Sơn. Thị trấn Nghèn từng có tên là Đan Liên, Trảo Nha, Đại Lộc. Là vùng đất “sơn thủy hữu tình”, “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa.

leftcenterrightdel
Ông Đặng Văn Kỳ- Bí thư Đảng ủy Thị trấn Nghèn phát biểu ôn lại truyền thống 

Đền Linh Nha trên đỉnh núi Nghèn - là Di tích lịch sử cấp tỉnh, gắn liền với truyền thuyết người dân địa phương phát hiện một viên gạch lạ khắc hai chữ "Đại Vương" bèn che một mái tranh lên thờ, ban đầu gọi là miếu Sơn Thần, từng nhiều lần linh ứng phù giúp nhân dân.
Năm Bính Dần 1626, Tào Quận công Ngô Phúc Vạn (người Đan Liên, Trảo Nha, một danh tướng thời Lê) nhờ Thần báo mộng đã lập công lớn, được Chúa Trịnh ban chỉ xây dựng lại và phong thần “Linh Nha Sơn Nhạc Hiển Ứng Đại Vương”, sai quan quân hàng năm về tế lễ. Vì thế dân gian lưu truyền câu ca: "Nhất Vua ra, nhì Trảo Nha mở hội".
 Họ Ngô Trảo Nha được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam “Tôn vinh giá trị kỷ lục dòng họ 18 Quận công”, là những con người nổi tiếng phong tiết và tận trung với nước. Lăng mộ Tào Quận công Ngô Phúc Vạn trên đỉnh núi Nghèn và Đền thờ ông, năm 1992 đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia.
Thời kỳ nào cũng có người học hành, đỗ đạt cao. Dưới Triều Lê và các triều đại phong kiến, có những tiến sỹ tiêu biểu như: Nguyễn Bật, Nguyễn Thọ Diên, Phan Đình Tá, Ngô Phúc Lâm, Ngô Đức Bình, Nguyễn Văn Trình, Nguyễn Nhân Hiếu, Nguyễn Dương Cốc, Nguyễn Duy Thọ, Trần Đắc Sỹ,… Thị trấn Nghèn còn là quê hương của chí sĩ yêu nước Ngô Đức Kế và “Ông Hoàng thơ tình”, thi sỹ Xuân Diệu. Họ luôn là niềm tự hào của thế hệ con cháu hôm nay và mai sau.
Chí sĩ Ngô Đức Kế (1878 - 1929) đỗ tiến sĩ từ khi còn rất trẻ nhưng đã từ bỏ quan lộ để dấn thân vào sự nghiệp cứu nước. Ông là yếu nhân hàng đầu của phong trào yêu nước Duy Tân đầu thế kỷ XX. Trong bài “Điếu Phan Chu Trinh” cụ Ngô Đức Kế, viết:
“…Trượng phu bốn biển là nhà, chí sĩ vợ con là nước; bậc đại nhân có quản chi sống chết, tấm linh hồn còn tỏ với non sông!
Mài sắt có ngày nên kim, sự ấy còn mong phường hậu tử; trồng cây chực ngày ăn quả, làm sao cho nối chí tiên sinh….”
Đã thể hiện khí phách của các chí sỹ yêu nước thời đó. Đó cũng là khí chất “Xã tắc chi Trảo Nha”.
Và hiện nay, vùng đất Nghèn có rất nhiều người con là giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ; trong đó có người từng là Ủy viên Trung ương Đảng nhiều khóa, sỹ quan cao cấp trong Quân đội, Công an; nhà thơ, nhà văn, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc ưu tú và doanh nhân nổi tiếng. Người Nghèn đi ra muôn phương luôn thành đạt và hướng về quê hương với tình cảm gắn bó, sâu nặng, thuỷ chung.
Nhà thơ Ngô Đức Hành (người con của Thị trấn) viết trong bài “Trảo Nha":
"Lớp lớp người trái tim yêu thương
áo bào đất Nanh vuốt
trời sao vằng vặc, ngàn tinh tú Trảo Nha!"  
      
Nhân dân Thị trấn Nghèn giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Từ những hạt giống đỏ đầu tiên, trong những năm 1930 - 1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã vùng dậy đấu tranh chống áp bức bóc lột, thành lập chính Xô viết. Tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân Thị trấn đã góp phần làm nên Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng. Hiện nay, trên quê hương Hà Tĩnh, duy nhất ở Thị trấn Nghèn có Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh - nơi ghi dấu ấn của những ngày nông dân Thị trấn nói riêng, Can Lộc nói chung vùng lên giành chính quyền.

leftcenterrightdel
Hoạt cảnh tái hiện phong trào khởi nghĩa dành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám

Trong Cách mạng tháng Tám 1945, vào ngày 16 tháng 8, Nhân dân Thị trấn, cùng với Nhân dân huyện Can Lộc đã tiến hành khởi nghĩa và là địa phương giành chính quyền về tay Nhân dân sớm nhất.
Từ năm 1953, xã Trảo Nha được chia tách thành hai xã Đại Lộc và Tiến Lộc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhân dân hai xã Đại Lộc, Tiến Lộc đã cùng cả nước “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Hàng trăm người con đã anh dũng ngã xuống trên chiến trường.
Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, "Xe chưa qua nhà không tiếc”, nhân dân Đại Lộc, Tiến Lộc đã vượt lên bom đạn của kẻ thù, vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu giỏi. Nhân dân làng Hạ Lội trong một đêm đã tự nguyện tháo dỡ 130 ngôi nhà lát đường cho xe ra mặt trận. Từ đó làng có tên Làng K130. Năm 2006, Làng K130 đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

leftcenterrightdel
Hoạt cảnh tái hiện tinh thần "Xe chưa qua, nhà không tiếc" của nhân dân làng Hạ Lội trong một đêm đã tự nguyện tháo dỡ 130 ngôi nhà lát đường cho xe ra mặt trận

Sau hai cuộc trường chinh của dân tộc và công cuộc bảo vệ tổ quốc, trên quê hương Nghèn có gần 300 liệt sỹ, gần 500 thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc da cam; 28 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Và với thành tích xuất sắc xã Đại Lộc và xã Tiến Lộc đều vinh dự được Đảng và nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông Phan Duy Đường, nguyên Bí thư Huyện ủy Can Lộc trong bài thơ “Can Lộc quê mình” từng nhắc đến Thị trấn Nghèn với tất cả tự hào:
Đây Thượng Trụ, Trảo Nha... vang bài ca Xô Viết
Đâu cũng có anh hùng, đâu cũng có thi nhân!.

Sau Đại thắng mùa xuân 1975, cùng với cả nước khẩn trương bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Trong quá trình đi lên, Thị trấn Nghèn đã qua nhiều mốc phát triển.
 Ngày 27 tháng 10 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 141, thành lập thị trấn Can Lộc trên cơ sở một phần diện tích và dân số của hai xã.

Ngày 02 tháng 8 năm 1999, theo Nghị định số 63 của Chính phủ, toàn bộ diện tích và dân số của xã Đại Lộc được sáp nhập vào thị trấn Can Lộc và đổi tên thành thị trấn Nghèn.
Từ một vùng đất thuần nông, Thị trấn Nghèn đã tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, xây dựng hạ tầng đô thị; phát triển thương mại, dịch vụ. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi, tập trung ruộng đất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ngày 21 tháng 11 năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 819 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh (Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/01/2020). Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Tiến Lộc vào thị trấn Nghèn. Đến nay, thị trấn có diện tích 18,33 km², dân số gần 20 ngàn người; Đảng bộ có 1.080 đảng viên.

leftcenterrightdel
 Hát mừng quê hương đổi mới

Sau 40 năm được thành lập, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ, các ban, sở, ngành cấp tỉnh, huyện Can Lộc đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển thị trấn Nghèn. Đặc biệt, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh, gắn với xây dựng đô thị loại IV, Thị trấn đã huy động được hàng trăm tỷ đồng, hàng vạn ngày công, nhiều hộ dân hiến tặng đất đai để mở rộng đường làng, ngõ xóm, hạ tầng giao thông đô thị. Kinh tế Thị trấn những năm gần đây đã phát triển với tốc độ nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng; 9/9 tiêu chí về đô thị văn minh đạt và cơ bản đạt; diện mạo đô thị đổi thay nhanh theo hướng hiện đại, văn minh, xanh, sạch, đẹp, đáp ứng nhu cầu phát triển và phục vụ đời sống của nhân dân.
Đặc biệt, ngày 25/12/2024, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1233 công nhận thị trấn Nghèn là đô thị loại IV. Chắc chắn từ đây sẽ tạo ra thế và lực mới để thị trấn phát triển bền vững.
Năm 2024, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng giá trị sản phẩm ước đạt gần 800 tỷ đồng; tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ chiếm trên 80%; thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 100 tỷ đồng; thu nhập bình quân trên 60 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,57%. Các lĩnh vực quản lý nhà nước được tăng cường. Văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội được chăm lo; an ninh quốc phòng giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ Thị đến các tổ dân phố ngày càng được tăng cường vững mạnh. Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy, Nhân dân đồng thuận và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

leftcenterrightdel
Ông Trần Báu Hà- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trao Quyết định công nhận Thị trấn Nghèn là đô thị loại IV

Vinh dự tự hào là Thị trấn đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh được Công nhận đô thị loại IV, thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thị trấn, nguyện đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, tập trung, gấp rút hoàn thiện, củng cố, nâng cao các tiêu chí để đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn Đô thị văn minh. Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh các tiêu chí đô thị loại IV, hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy hoạch đã được phê duyệt; đầu tư, chỉnh trang, cải tạo các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch và trật tự xây dựng; tuân thủ tiêu chuẩn và quy chuẩn xây dựng.
Thứ hai: Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ hiện đại. Đồng thời, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đẩy mạnh ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo, quyết liệt chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả các loại sản phẩm.
Thứ ba: Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của con người quê hương Thị trấn với những phẩm chất quý báu là trí tuệ, năng động, đoàn kết, tình nghĩa và thủy chung. Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; nâng cao nếp sống văn minh đô thị, xây dựng con người thị trấn Nghèn thân thiện và thanh lịch. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chính sách người có công và giảm nghèo bền vững.
Thứ tư: Tăng cường công tác quân sự địa phương, đảm bảo an ninh trật tự góp phần bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh và cuộc sống bình yên, văn minh, hạnh phúc của nhân dân.
Thứ năm: Thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy từ thị trấn đến tổ dân phố hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; chuẩn bị và tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ Thị trấn nhiệm kỳ 2025 - 2030, lập thành tích xuất sắc hướng tới Đại hội Đảng bộ Huyện, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 14 của Đảng./.

Trần Đắc
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra