Người dân tích trữ nhu yếu phẩm phòng bão

Thứ sáu, 06/09/2024 15:30
(ThanhtraVietNam) - Với tâm lý lo sợ trước sức ảnh hưởng của siêu bão số 3 gây mưa lớn kéo dài, đông đảo người dân ở Thủ đô Hà Nội đã “oanh tạc” hệ thống siêu thị và chợ truyền thống để mua thực phẩm tích trữ trong những ngày bão.

Tổng công ty Điện lực miền Bắc sẵn sàng các phương án phòng chống bão Yagi

Bão số 3 dự kiến đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng trưa ngày 07/9

Bão số 3 sẽ tiếp tục duy trì cấp siêu bão

Thủ tướng chỉ đạo chủ động phòng ngừa, ứng phó bão số 3 ở mức cao nhất

Bão Yagi giật cấp 17 có thể đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ chiều tối 07/9

Khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Trung du Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17. Từ 7h sáng ngày 07/9, bão đi vào vịnh Bắc Bộ, đến 19h ngày 08/9 bão đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành vùng áp thấp.

Dự báo, thành phố Hà Nội có thể mưa to đến rất to và dông, có thể gây ngập úng trong du dân cư do hệ thống thoát nước quá tải và đổ cây, gây ách tắc giao thông…

Với tâm lý lo sợ như đợt dịch Covid-19, người dân Thủ đô Hà Nội đã đổ xô đi mua nhu yếu phẩm tích trữ. Ngay từ tối ngày 05/9 và sáng sớm ngày 06/9, nhiều người đã có mặt tại các chợ truyền thống để mua các loại thịt lợn, gà, bò; cá; rau xanh và các loại củ, hoa quả.

leftcenterrightdel
Người dân xếp hàng chờ thanh toán tại siêu thị. (Ảnh: sggp.org.vn) 

Chị Thảo chuyên bán rau ở chợ Gốc Đề (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cho biết: Tôi biết người dân sẽ đi mua nhiều hơn thường ngày nên đã lấy thêm hàng về bán. Nhưng do số người mua cũng như số lượng rau củ quả mua tăng đột biến nên mọi thứ đều hết sớm hơn mọi ngày. Tôi bán liên tục không nghỉ tay từ 6h sáng đến hơn 8h đã gần như hết hàng.

Ngay cạnh hàng rau của chị Thảo là hàng thịt, hàng hoa quả… Hàng nào cũng đông khách, thậm chí mọi người còn phải xếp hàng đợi đến lượt thanh toán vì ai cũng mua nhiều hơn thường ngày nên lâu hơn.

Không chỉ ở các chợ truyền thống, tại hệ thống các siêu thị trên địa bàn Thủ đô cũng được người dân “oanh tạc” trên mọi mặt trận. Từ các siêu thị lớn như Big C, Winmart, Lotte, Aeon... đến các cửa hàng tiện lợi, thực phẩm sạch đều tấp nập người mua. Đến lúc thanh toán, người dân phải xếp hàng đợi khá lâu.

Về giá cả, giá thực phẩm tại các chợ truyền thống có tăng nhẹ so với thường ngày. Trong khi đó, đối với hệ thống các siêu thị, giá cả các mặt hàng tương đối ổn định.

leftcenterrightdel
Quầy rau xanh tại siêu thị nhanh chóng hết hàng. (Ảnh: vnexpress) 

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thanh tra, ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho biết, việc tích trữ hàng hóa của người dân trước cơn bão số 3 là tâm lý bình thường. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là lượng hàng hóa có đủ cho người dân mua và chất lượng hàng hóa, giá cả có biến động hay không. Vì thực tế cho thấy, có rất nhiều người lợi dụng dịp này để tăng giá bán hàng hóa, nhất là các nhu yếu phẩm thiết yếu như thực phẩm, thuốc men…

Theo ông Vũ Vinh Phú, thực trạng này đòi hỏi người sản xuất, nhà cung ứng với bộ phận thương mại thu mua hàng hóa, phân phối phải có sự phối hợp, liên kết để tránh tư tưởng khan hàng, hiếm hàng. Đồng thời, mở rộng cửa để đón hàng của nông dân, tránh được tình trạng đầu cơ.

Một trong những giải pháp được ông Phú đưa ra là phải tuyên truyền, giáo dục tâm lý để người dân không nên quá lo lắng, chỉ cần mua thêm một vài bữa cho ngày bão. Vì sẽ chỉ mưa một vài ngày, hơn nữa nếu mua nhiều, tích trữ thì thực phẩm sẽ ôi, hỏng, gây lãng phí.

Đặc biệt, ông Phú nhấn mạnh vai trò của lực lượng quản lý thị trường trong việc đi thực tế, xem xét xem để kiểm tra tình trạng giá hàng hóa và tình trạng găm hàng hóa. Vì Luật Giá có quy định việc về việc lợi dụng đầu cơ tăng giá, găm hàng phải xử lý.

Mặt khác, cần quản lý về chất lượng hàng hóa, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Tình trạng “cháy hàng” tại các chợ, siêu thị trong đợt dịch Covid-19 cũng như nhiều đợt bão trước đây cho thấy, đây là tâm lý chung của người dân. Do đó, các cơ quan chức năng cần có giải pháp phù hợp, khả thi để giải quyết vấn đề này./.

Hoàng Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra