Phao câu gà, vịt có thực là “nhất thủ nhì vĩ” ?
Chủ nhật, 03/02/2013 07:33 (GMT+7)
(ThanhtraVietnam) - Theo bác sĩ Nguyễn Lân Đính (nguyên Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP HCM) thì “Phao câu của gà, vịt chứa rất nhiều mỡ, tuy nhiên chỉ thỉnh thoảng mới ăn và nếu biết cơ cấu thành phần trong bữa ăn thì không có gì phải lo lắng.”
Phao câu là phần sau cùng của thân gà (kể cả vịt, ngan, ngỗng cũng như một số loài chim), là nơi tích tụ nhiều mỡ nhất trong cơ thể của gà. Trên phao câu có một nốt nhỏ nhú lên. Gà thường dùng mỏ lấy chất dịch béo ở đây để trau chuốt bộ lông bóng mượt. Phần nốt nhú lên này thường được người ta cắt bỏ khi làm thịt để phao câu không bị hôi. Phao câu ăn mềm, béo thơm mùi mỡ gà. Đông y cho rằng ăn phao câu sẽ giảm nhức đầu, tăng cường dương khí, điều hòa kinh nguyệt.
Đầu gà (gồm cả phần cổ) là phần có não và lớp da cổ chứa nhiều chất béo có ích. Đông y cho rằng đầu gà (kê đầu) có vị ngọt, tính ấm, không độc, tác dụng trừ nhiệt, dưỡng can, ích thận, thông lạc hoạt huyết (làm cho khí huyết lưu thông), có thể chữa nhọt độc ở trẻ em, làm đậu sởi mau mọc, an thai sống và giúp trục thai chết.
Điều đáng lo lắng chăng là ở chỗ, dù chỉ ăn ít thì cũng không nên ăn gà nướng trên lửa đỏ, vì khi nướng, chất mỡ béo sẽ chảy xuống nguồn lửa bên dưới (than hồng hoặc các loại vỉ trong lò nướng điện), thêm vào đó là lượng dầu ăn được dùng để phết lên da hoặc vỉ nướng sẽ tạo ra loại khí độc PAH (Polycyclic Aromatic Hydrocarbon). PAH sẽ bám vào thức ăn qua khói, có thể gây ung thư. Ngoài ra, khi nhiệt độ tăng quá cao sẽ dẫn tới phản ứng giữa hoạt chất creatine và acid amine (có trong prôtein của thịt), sinh ra nhiều độc tố khác có hại cho sức khỏe, trong đó có chất HCA (Heterocyclic Amine), cũng là chất có thể gây ung thư.
Vì vậy khi bà nội trợ mua gà, nên chọn những con gà có lai lịch xuất xứ rõ ràng, có chứng nhận đã qua kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng thì cứ yên tâm “nhất phao câu; nhì đầu, cánh”.
Thúy Xanh
nguyenthuhang