Quảng Bình:

Phối hợp trong thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm

Thứ tư, 22/02/2023 17:00
(ThanhtraVietNam) - Tăng cường sự phối hợp của các ngành chức năng, chính quyền các cấp để đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP); đặc biệt phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các khâu sản xuất, chế biến, nhập khẩu tiêu dùng, xử lý vi phạm về ATTP, là một trong những nhiệm vụ, giải pháp được Ban Chỉ đạo Vệ sinh ATTP tỉnh Quảng Bình đề ra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành về ATTP.

Kế hoạch số 10/KH-BCĐ về hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Bình năm 2023 vừa được Ban Chỉ đạo Vệ sinh ATTP tỉnh ban hành. Các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra, như: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; tổ chức xây dựng và thực hiện quy hoạch; tăng cường công tác thông tin truyền thông, đào tạo, tập huấn về ATTP…

Đáng chú ý, nhiệm vụ giải pháp về đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP là một trong những nội dung quan trọng. Trong đó, tăng cường số lượng và năng lực của lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đơn ngành, liên ngành, kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP. Phát hiện kịp thời, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố bất thường về ATTP; thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Kiêm quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

leftcenterrightdel
Cục Quản lý thị trường Quảng Bình kiểm tra hàng hoá tại một cơ sở. (Ảnh: congthuong.vn) 

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chủ động giám sát các mối nguy ATTP để kịp thời thông tin cảnh báo cộng đồng. Ngăn chặn việc kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, không rõ nguồn gốc và gian lận thương mại.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm. Đảm bảo sử dụng đúng chủng loại, liều lượng, thời gian cách ly trước khi thu hoạch.

Thường xuyên thực hiện giám sát, kiểm tra tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản, thủy sản thực phẩm. Kiểm soát chặt chẽ các địa điểm giết mổ gia súc, gia cầm, kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ tự phát, không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Kiểm tra việc thực hiện các quy định đảm bảo điều kiện ATTP trong toàn bộ chuỗi sản xuất.

Ngoài ra, quan tâm bồi dưỡng kiến thức, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao kiến thức, năng lực, trình độ cho công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực về ATTP.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát, tổ chức lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng ATTP, đặc biệt chú trọng các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, các dịch vụ ăn uống tự phát, bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp… Kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cung cấp dịch vụ ăn uống hoạt động và thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường./.

CTV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra