Rủi ro thiên tai vẫn cảnh báo ở nhiều cấp độ, cần tiếp tục nhiều giải pháp ứng phó, khắc phục

Thứ năm, 25/07/2024 11:08
(ThanhtraVietNam) - Thống kê thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 2 chưa dừng lại, trong khi rủi ro thiên tai vẫn được cảnh báo ở nhiều cấp độ. Bởi vậy, các cơ quan và địa phương cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để ứng phó, khắc phục hậu quả do bão.

10 nhiệm vụ tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 2

Sơn La sạt lở đất khiến 3 người chết, 5 người mất tích

Dự báo gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển

Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, ngày và đêm 26/7, vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận, vùng biển Bắc, Giữa Biển Đông và phía Bắc của Nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa và phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2,0-5,0m, biển động mạnh; riêng vùng biển phía Đông Bắc của Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 5,0-7,0m, biển động mạnh; khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 1,5-3,0m, biển động.

Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển: cấp 2. 

Cảnh báo cấp 1 rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá

Cũng theo dự báo,  mưa dông, cảnh báo mưa lớn cục bộ, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh vẫn còn diễn ra ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Cụ thể ngày và đêm 25/7, Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-40mm, cục bộ có nơi trên 80mm.

Chiều tối và đêm 25/7, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ có mưa rào rải rác và có nơi có dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 50mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: cấp 1.

Về tình hình mưa, nngày (19h/23/7-19h/24/7): Khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 60-120mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Sơn La (Sơn La) 164mm; Lâm Sơn (Hòa Bình) 172mm;  Lương Nha (Phú Thọ) 153mm; Xuân Mai (Hà Nội) 334mm; Hưng Yên (Hưng Yên) 149mm; Hòa Mạc (Hà Nam) 148mm; Tiến Đức (Thái Bình) 139mm.

Từ 19h/24/7-07h/25/7, khu vực Tây Bắc có mưa to đến rất to lượng mưa phổ biến từ 50-80mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Mường Pồn (Điện Biên) 232mm; Thuỷ điện Huội Quảng (Lai Châu) 110m; Mường Sại (Sơn La) 91mm. Các khu vực khác trong cả nước có mưa nhỏ hoặc không mưa.

leftcenterrightdel
 Tàu thuyền tại các địa phương vẫn cần đảm bảo neo đậu an toàn.

Từ 19h/21/7-19h/24/7, các khu vực trên cả nước có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng phổ biến từ 100-200mm; một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Km46 (Sơn La) 337mm; Cao Răm (Hòa Bình) 271mm; Lương Nha (Phú Thọ) 294mm; Xuân Mai (Hà Nội) 544mm; Hưng Yên (Hưng Yên) 271mm; Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) 834mm; Lòng Dinh (Quảng Ninh) 287mm; Hòa Mạc (Hà Nam) 231mm; Tiến Đức (Thái Bình) 251mm; Ia Dom (Kon Tum) 230mm.

Rủi ro thiên tai do lũ từ cấp 1 đến cấp 2

Cảnh báo: Mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên và đạt mức 6,50m (dưới BĐ1: 3,0m) vào sáng ngày 26/7/2024. Mực nước các sông suối tại tỉnh Sơn La, Hòa Bình sẽ xuống dần; mực nước trên các sông nhỏ thuộc tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam và thành phố Hà Nội tiếp tục lên và dao động ở mức BĐ1-BĐ2, khu vực cửa sông ven biển có khả năng đạt mức BĐ1-BĐ2; thượng nguồn sông Mã (tỉnh Thanh Hóa) có khả năng lên mức BĐ1.

"Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 1-2", Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai nêu.

Về tình hình đê điều Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai thông tin, các tuyến đê sông các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa

Trên các tuyến đê sông từ cấp III đến cấp đặc biệt các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa: có 253 trọng điểm đê điều xung yếu, 92 công trình đang thi công (34 cống qua đê; 32 công trình tu bổ, nâng cấp đê; 21 kè và 5 công trình liên quan đê điều, bãi sông).

Về tình hình sự cố đê điều trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài từ ngày 22/7 đến 23/7/2024, trên tuyến đê hữu Đáy (cấp III) huyện Quốc Oai xảy ra sự cố sạt lở mái đê phía sông tại 4 đoạn với tổng chiều dài 112m, gồm các đoạn: Từ K8+550 - K8+562 đê hữu Đáy với chiều dài khoảng 12m; Từ K15+050 - K15+100 đê hữu Đáy với chiều dài khoảng 50m; Từ K15+520 - K15+550 đê hữu Đáy với chiều dài khoảng 30m; Từ K18+100 - K18+120 đê hữu Đáy với chiều dài khoảng 20m.

leftcenterrightdel
 Hệ thống đê biển cũng cần kiểm tra, gia cố để đảm bảo an toàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã chỉ đạo địa phương, đơn vị liên quan tổ chức cắm biển báo khu vực sạt lở, cảnh báo cho nhân dân trong khu vực, hạn chế xe có tải trọng lớn qua lại; đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, chủ động xử lý giờ đầu theo phương châm "4 tại chỗ”, không để sự cố phát triển thêm.

5 người chết, 4 người mất tích, 639 nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại...

Theo Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 đã gây thiệt hại như sau:

- Về người: 05 người chết, 04 người mất tích, 01 người bị thương.

- Về nhà: 639 nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại.

- Về nông nghiệp, thuỷ sản: 25.330 ha lúa, 2.686 ha hoa màu bị ngập úng, ảnh hưởng; 44ha thuỷ sản bị thiệt hại.

- Về chăn nuôi: 44 con gia súc, 7.734 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

- Về giao thông: hơn 694 điểm sạt lở với tổng khối lượng trên 44.648 m3 đất, đá, bê tông.

- Thiệt hại khác: 54 công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, ảnh hưởng; 07 điểm trường, 04 nhà văn hoá bị ngập.

Triển khai các đoàn kiểm tra chỉ đạo công tác ứng phó với mưa, bão

Để ứng phó với bão số 2 và hình thái thời tiết liên quan, ở Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó bão số 2 và mưa lũ; Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 24/7/2024 chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 2 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới.

Ngày 24/7/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện số 5290/CĐ-BNN-ĐĐ về việc mở 01 cửa xả đáy hồ thủy điện Sơn La và mở tiếp cửa xả đáy thứ 4 hồ thuỷ điện Hoà Bình và Văn bản số 5291/BNN-ĐĐ về việc đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ hồ thủy điện Sơn La, Hoà Bình.

Ngày 25/7, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hạ du hồ thủy điện Hòa Bình và tình hình lũ lụt tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã ban hành 04 công văn về việc đảm bảo an toàn cho ngư dân, tàu cá, ứng phó mưa lớn và đảm bảo an toàn đê điều khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (công văn số 700/ĐĐ-ƯPKP ngày 19/7/2024, số 702/ĐĐ-ƯPKP ngày 20/7/2024, số 703/ĐĐ-QLĐĐ ngày 21/7/2024 và số 697/ĐĐ-QLĐĐ ngày 18/7/2024).

Trong khi đó, ở Địa phương, các tỉnh, thành phố ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã ban hành công điện, văn bản chỉ đạo và thành lập các đoàn kiểm tra chỉ đạo công tác ứng phó với mưa, bão.

Các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam,Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa đã chỉ đạo, tổ chức, vận hành cống, trạm bơm tiêu úng, chống ngập.

Lãnh đạo Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La tổ chức kiểm tra, chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi thời tiết, thông tin dự báo, cảnh báo, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ thủy điện Hòa Bình; tăng cường công tác tuần tra canh gác, đảm bảo an toàn đê điều, trong đó các tỉnh, tuần tra canh gác đê theo cấp báo động theo quy định.

Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, thời gian tới, tỉnh Sơn La  tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Các tỉnh, thành phố khu vực trên cả nước theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh.

Các tỉnh, thành phố Sơn La, Hoà Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hạ du; công tác tuần tra canh gác, đảm bảo an toàn đê điều khi xả lũ thủy điện Sơn La, Hòa Bình.

Tổ chức lực lượng canh gác, đặt biển cảnh báo tại các ngầm tràn, đường giao thông, khu vực ngập lụt, sạt lở; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, dọn dẹp vệ sinh khi nước rút...

 

 

Tràng An

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra