Bản công bố thông tin (CBTT) về việc chuyển nhượng cổ phần của Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) tại Công ty cổ phần đầu tư xây dựng HUD Kiên Giang tháng 11/2020 cho biết, HUD Kiên Giang tiền thân là doanh nghiệp nhà nước - Công ty Xây dựng Kiên Giang được UBND tỉnh Kiên Giang thành lập vào tháng 7/1993.
Năm 1996, công ty này hợp nhất với Công ty Kinh doanh nhà Kiên Giang. HUD Kiên Giang chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 7/2014 với vốn điều lệ 355 tỉ đồng.
Hiện công ty sở hữu 5 công ty con và 6 công ty liên kết, hoạt động kinh doanh chính trong 4 lĩnh vực gồm: Đầu tư tài chính, Xây lắp, Bất động sản và Kinh doanh vật liệu xây dựng.
|
|
Kết quả kinh doanh 3 năm gần nhất của HUD Kiên Giang trước thời điểm thoái vốn. Ảnh chụp từ Bản CBTT |
Theo báo cáo tài chính của HUD Kiên Giang, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế bình quân 3 năm gần nhất (2017 - 2019) lần lượt đạt 2.314 tỷ đồng và 86,4 tỷ đồng. Tình hình tài chính của HUD Kiên Giang khá tích cực với nợ phải trả tính đến đầu năm 2020 chỉ chiếm 46,8% tổng tài sản (1.179 tỷ đồng). Trong đó, nợ vay chiếm 22,6%, tương đương 125 tỷ đồng.
Việc thoái vốn tại HUD Kiên Giang được thực hiện theo định hướng của Bộ Xây dựng đến năm 2025. Trong đó, giai đoạn 2019 - 2020, HUD dự kiến thoái vốn tại 17 công ty con.
Ngày 21/12/2020, theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), HUD bán đấu giá hơn 34,8 triệu cổ phần, tương đương 98,15% vốn HUD Kiên Giang với giá khởi điểm 34.000 đồng/cp. Kết quả sau phiên đấu giá, HUD đã bán hết 100% số cổ phần chào bán tương đương hơn 34,8 triệu cổ phần cho CTCP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành với giá đấu thành công bình quân 1.185 tỷ đồng/lô cổ phần (chỉ cao hơn giá khởi điểm 265 triệu đồng).
Theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, HUD Kiên Giang được tiếp tục sử dụng 4 cơ sở nhà đất với tổng diện tích 65.710 m2 gồm trụ sở làm việc, nhà máy bê tông và 2 dự án khu du lịch sinh thái là Khu du lịch sinh thái Bãi Chén - huyện Kiên Hải và Khu dân cư, đô thị mới Suối Lớn - Phú Quốc.
Trong đó, chỉ tính riêng dự án Khu dân cư, đô thị mới Suối Lớn có diện tích 90,17 ha. Sau khi sở hữu cổ phần HUD Kiên Giang, nhà đầu tư trúng thầu có thể sở hữu quyền sử dụng đất và phát triển dự án “đất vàng" này. Ngay bản thân HUD cũng thừa nhận tại điểm c, Mục 9.2 trong Bản CBTT như sau:
Với những điều kiện địa lý, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên cùng những tiềm năng lớn về nhân khẩu, du lịch, nghỉ dưỡng, giao thông trọng điểm trong khu vực đảo Phú Quốc đã và đang thu hút hàng loạt các dự án đầu tư khổng lồ về du lịch, khu dân cư, khu đô thị trong vòng mười năm trở lại đây.
Dự án Khu dân cư và đô thị mới Suối Lớn quy mô khoảng 90,17 ha là dự án đầu tư xây dựng khu dân cư và đô thị cao cấp với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư mới, hiện đại, đồng bộ. Dự án thuộc khu vực có tiềm năng phát triển trong tương lai tại Phú Quốc với hệ thống đường sá, giao thông thuận tiện nhiều khu du lịch và nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, cùng với đó là những khu vui chơi giải trí với nhiều trò chơi hấp dẫn, lôi cuốn.
|
|
Tổng chi phí HUD Kiên Giang đã đầu tư vào Dự án Khu dân cư và đô thị Suối Lớn. Ảnh chụp từ Bản CBTT |
Với dự báo về phát triển dân số đảo Phú Quốc tại Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, nhu cầu về nhà ở dân cư sẽ gia tăng nhanh chóng.
Dự án khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp các sản phẩm bất động sản chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ở sinh hoạt và sản xuất kinh doanh ngày càng tăng cho người dân trên đảo Phú Quốc; thúc đẩy việc phát triển đô thị ngày càng tăng và phát triển bền vững của đảo Phú Quốc, góp phần xây dựng đảo Phú Quốc thành đô thị sinh thái và du lịch trọng điểm theo mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 633/QĐ-TTg.
Bên cạnh đó, tại Mục 9.2 trang 57 của Bản CBTT cũng cho biết: “Theo Báo cáo số 77/BC-BQLKKTPQ ngày 12/6/2019 của Ban Quản lý Khu Kinh Tế Phú Quốc về việc đề xuất chấp thuận đầu tư đối với Dự án Khu dân cư và đô thị Suối Lớn 90 ha, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, trong ranh giới của Dự án có khoảng 33,47 ha đất thuộc Quỹ dự trữ phát triển để sử dụng trước năm 2025 cần xin ý kiến của Thủ tướng chấp thuận chủ trương đưa vào sử dụng theo Quyết định 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010. Dự án đang chờ cập nhật quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vào quy hoạch điều chỉnh chung của Phú Quốc để trình UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt chấp thuận đầu tư Dự án.”
Từ các phân tích trên có thể thấy, dự án này chỉ đang đợi ý kiến chấp thuận của Thủ tướng là được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt chấp thuận đầu tư. Cùng với đó, tình hình tài chính của HUD Kiên Giang thời điểm đó cũng không phải quá khó khăn để không thể triển khai pháp lý của dự án.
Tuy nhiên, trong Bản CBTT, Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị cũng đưa ra nhiều lý do khó khăn, rủi ro, vướng mắc pháp lý khiến cho Dự án khó triển khai như: chưa hoàn tất thủ tục đầu tư dù đã kéo dài nhiều năm; chưa hoàn thành phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 theo quy mô điều chỉnh của dự án; chưa tính tiền sử dụng đất; chưa có quyết định giao đất chính thức và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chưa có giấy phép xây dựng. Một phần diện tích đất của dự án khoảng 33,47 ha/90,17 ha thuộc Quỹ đất dự trữ phát triển để sử dụng trước năm 2025 cần xin ý kiến chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án Khu dân cư và đô thị Suối Lớn chiếm gần 100ha “đất vàng" bậc nhất tại Đảo Ngọc Phú Quốc có tổng chi phí tính đến thời điểm thoái vốn tháng 12/2020 tại trang 58 bản CBTT chỉ hơn 35 tỷ đồng.
Mặt khác, theo tìm hiểu của phóng viên, ở thời điểm hiện tại, giá đất dự án gần với Dự án Khu dân cư và đô thị Suối Lớn được rao bán vào khoảng 20 triệu/m2 thì không lý do gì giá đất dự án của HUD Kiên Giang thấp hơn con số này.
Có thể khẳng định, CTCP Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã có một thương vụ đầu tư rất thành công khi mua lại HUD Kiên Giang./.