Chuyên đề tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn:

Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các khoản cho vay nông nghiệp, nông thôn

Thứ ba, 16/05/2023 14:53
(ThantraVietNam) - Ngành ngân hàng xác định rõ vai trò nòng cốt của "tam nông" và triển khai nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đơn giản thủ tục cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân. Tuy vậy, ngành Ngân hàng vẫn cần sự chung tay, phối hợp tích cực hơn của các bộ, ngành, địa phương đối với lĩnh vực quan trọng này.

Hỗ trợ về mặt tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư

Trong 10 năm trở lại đây, nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho lĩnh vực "tam nông" đã được ban hành như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ, sau được thay thế bằng Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 và đến năm 2018 được sửa đổi bằng Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các nghị định này quy định rất chi tiết, cụ thể các chính sách hỗ trợ về mặt tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào.

"Tam nông" vẫn luôn là lĩnh vực được ngành ngân hàng dành sự hỗ trợ tối đa. Tại nhiều địa phương trong cả nước, nguồn vốn tín dụng "tam nông" đang giúp kinh tế khu vực nông thôn "thay da, đổi thịt" từng ngày. Một số ngân hàng trong nước như Agribank, VietinBank, LienVietPostBank,… đã và đang dành một nguồn lực lớn khai thác mảng tín dụng nông nghiệp, trở thành những đơn vị đi đầu trong hoạt động cung ứng vốn cho lĩnh vực này tại Việt Nam. Đây cũng là mảng nghiệp vụ giúp nhiều ngân hàng củng cố nguồn thu ổn định và có sức chống chịu rủi ro cao.

Số liệu thống kê từ LienVietPostBank cho thấy, trong năm 2021, cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của LienVietPostBank đạt mức tăng trưởng 35% so năm 2020, chiếm 36% tỷ trọng cơ cấu cho vay. Tỷ lệ nợ xấu của khu vực này cũng được ghi nhận ở mức rất thấp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, nhưng tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm. Đến ngày 20/5, dư nợ tín dụng của hệ thống đã đạt hơn 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,66% so cuối năm 2021; trong đó riêng tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn đã tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Đến cuối năm 2021, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 14,88% so với cuối năm 2020 và chiếm khoảng 25% tổng dư nợ nền kinh tế. Đến hết quý I/2022, dư nợ cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt hơn 857 nghìn tỷ đồng, tăng 3,96% so cuối năm 2021.

Bên cạnh việc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hệ thống ngân hàng cũng tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng đặc thù và cho vay để phát triển bền vững nông nghiệp, các mặt hàng nông sản chủ lực như đóng tàu phục vụ đánh bắt hải sản xa bờ, giảm tổn thất trong nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tái canh cà-phê, hỗ trợ sản xuất, thu mua chế biến lúa gạo, thủy sản, rau quả;...

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

Tiếp cận vốn ngân hàng của nông dân vẫn còn gặp khó vì không có tài sản thế chấp

Đồng thời, hệ thống ngân hàng có chính sách trần lãi suất ngắn hạn bằng VND áp dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước về diễn biến thị trường lãi suất cho vay trong tháng 3 vừa qua, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 4,5%/năm.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã có hơn 80 tổ chức tín dụng và 1.181 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay nông nghiệp, nông thôn, với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp đến tận thôn bản, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ phát triển lĩnh vực này.

Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Không chỉ đối với người nghèo, các trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn khó tiếp cận vốn vì không có tài sản thế chấp, chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do phương án sản xuất, kinh doanh thiếu khả thi; vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn hạn chế.

Đồng thời, việc tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết vẫn bộc lộ hạn chế do khả năng hợp tác, liên kết của người dân còn yếu; số lượng mô hình chuỗi nông sản an toàn chưa nhiều; hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ; hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay chuỗi.

Do đó, để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần thúc đẩy hơn nữa tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục vay vốn của khách hàng, nhất là doanh nghiệp phù hợp từng đối tượng khách hàng và sản phẩm nông nghiệp được đầu tư tín dụng; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các khoản cho vay nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm đúng mục đích, an toàn và hiệu quả.

Theo một chuyên gia, việc thúc đẩy tín dụng đối khu vực nông thôn sẽ chỉ mang lại hiệu quả khi có những sản phẩm chuyên biệt phù hợp nhu cầu của từng nhóm khách hàng. Do đó, các tổ chức tín dụng nên xây dựng và triển khai những sản phẩm tín dụng phù hợp người nông dân và đặc thù sản xuất nông nghiệp; kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, cung ứng các sản phẩm tiện ích ứng dụng công nghệ mới phù hợp nhu cầu của người dân, doanh nghiệp tại khu vực nông thôn.

Còn theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, những năm qua, ngành ngân hàng đã không ngừng nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho khách hàng. Tuy nhiên, một số thủ tục liên quan đến hoạt động cho vay lại thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành khác, được điều chỉnh bởi những quy định khác của pháp luật. Vì vậy, cần có sự phối hợp tích cực hơn của các bộ, ngành, địa phương để tạo điều kiện cho ngành ngân hàng tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xem xét, quyết định cho vay./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra