Còn nhiều tồn tại trong quản lý quy hoạch
Trong những năm qua, công tác quản lý quy hoạch, phát triển đô thị của tỉnh Thanh Hóa đã được các cấp, các ngành quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Hệ thống đô thị, nông thôn đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo động lực tăng trưởng vùng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, trong công tác quản lý quy hoạch, phát triển đô thị và nông thôn còn một số tồn tại, như: Lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch còn kéo dài, chưa tuân thủ quy hoạch cấp trên; một số nơi không lập, phê duyệt Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về quy hoạch chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật; việc phê duyệt quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng khi chưa có quy hoạch phân khu.
Mặt khác, quá trình tổ chức lập, điều chỉnh các đồ án quy hoạch phần lớn không lập hồ sơ báo cáo rà soát, chậm hoặc chưa triển khai công bố một số đồ án quy hoạch sau khi phê duyệt; không thực hiện công bố đầy đủ đồ án quy hoạch trên trang thông tin điện tử, rà soát quy hoạch chưa theo định kỳ; chưa xây dựng kế hoạch để thực hiện quy hoạch, chưa thực hiện đầy đủ và kịp thời trong công tác cắm mốc giới quy hoạch...
UBND tỉnh Thanh Hóa nhận định, bên cạnh nguyên nhân nhận thức của các chủ đầu tư lập quy hoạch chưa tốt, còn nguyên nhân thuộc trách nhiệm công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp và của tập thể, cá nhân được quản lý; công tác lãnh đạo, điều hành chưa được quan tâm đúng mức, công tác tuyến truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về xây dựng chưa được thường xuyên liên tục.
Thực hiện nghiêm Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ
Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại nêu trên, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu thực hiện nghiêm túc Kết luận thanh tra số 383/KL-TTCP ngày 23/10/2024 của Thanh tra Chính phủ về thanh tra việc thực hiện pháp luật trong công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Đồng thời, thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm.
Về việc lập kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng, UBND tỉnh giao UBND các huyện xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng huyện được duyệt; chỉ đạo UBND các xã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện quy hoạch chung xây dựng xã được duyệt.
    |
 |
Khu vực đô thị trung tâm Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh - Hoàng Minh) |
UBND tỉnh lưu ý, kế hoạch thực hiện quy hoạch phải đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị và các chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến công tác sắp xếp tổ chức bộ máy.
Về lập, phê duyệt Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp thực hiện lập quy chế quản lý kiến trúc theo quy định tại Điều 14 Luật Kiến trúc năm 2019. Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành phân cấp lập, phê duyệt, ban hành Quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tại Quyết định số 57/2024/QĐ-UBND ngày 12/9/2024.
Đáng chú ý, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024 được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025). Theo đó, các quy định về trách nhiệm tổ chức lập, thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh về quy hoạch khu vực trong đô thị mới và khu vực có ý nghĩa quan trọng đã thay đổi và quy định rõ ràng. UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị nghiên cứu, thực hiện việc lập, phê duyệt đảm bảo theo thẩm quyền quy định.
Mặt khác, các đơn vị khi tổ chức lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị phải tuân thủ về thời gian lập quy hoạch được quy định tại Điều 2 Nghị định số 37/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ. Đồng thời, thường xuyên rà soát, đánh giá tiến độ lập quy hoạch theo Kế hoạch đã được UBND tỉnh ban hành, nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt. Phải xác định rõ nguyên nhân chậm tiến độ (nếu có) và có chỉ đạo cụ thể về giải pháp đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch đang lập đảm bảo theo Kế hoạch.
UBND tỉnh cũng nêu rõ, cơ quan, chủ đầu tư tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng.
Đối với quy hoạch đô thị, phải lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị.
Mặt khác, khẩn trương rà soát, hoàn thiện các khu vực yêu cầu phải lập quy hoạch phân khu trên địa bàn, làm cơ sở quản lý, xác định các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị và lập quy hoạch chi tiết.
Phạm vi áp dụng đối với việc lập quy hoạch chi tiết theo quy trình lập quy hoạch tổng mặt bằng chỉ được áp dụng đối với các lô đất có quy mô nhỏ thuộc phạm vi phát triển đô thị và trong khu chức năng đã có quy hoạch phân khu được phê duyệt hoặc đã có quy hoạch chung được phê duyệt đối với khu vực không yêu cầu lập quy hoạch phân khu.
UBND các cấp có trách nhiệm thực hiện rà soát quy hoạch xây dựng theo quy định tại Điều 15 của Luật Xây dựng năm 2014. Sau khi đồ án quy hoạch đô thị được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, UBND các cấp có trách nhiệm tổ chức lập và phê duyệt hồ sơ cắm mốc giới.
Ngoài ra, nghiêm túc thực hiện công bố công khai, đăng tải đầy đủ nội dung hồ sơ quy hoạch lên cổng thông tin điện tử của đơn vị đảm bảo quy định của pháp luật hiện hành./.