Thanh Hóa xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực và khát vọng cống hiến

Thứ sáu, 02/06/2023 16:47
(ThanhtraVietNam) - Trong lần đầu tiên về thăm tỉnh Thanh Hóa, ngày 20/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt... Tỉnh Thanh Hóa theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt… sự điều khiển sắp đặt này phụ thuộc vào yếu tố nhân lực, vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý”(1).

Khắc ghi lời dạy của Người, tròn 75 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đồng lòng, góp sức, từng bước phấn đấu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu trên cơ sở xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Công tác cán bộ có nhiều khâu, Tỉnh ủy Thanh Hoá xác định có hai khâu quan trọng nhất là đánh giá cán bộ và sắp xếp, điều động, luân chuyển cán bộ. Từ đó, đề ra chủ trương, giải pháp cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến thực chất, hiệu quả trong công tác tổ chức cán bộ.

Đổi mới khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo cán bộ

Ngày 13/02/2012, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU “Về tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa trở thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020”. Nghị quyết xác định công tác đánh giá, bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển cán bộ là khâu trọng tâm, đột phá. Trên tinh thần đó, các cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc việc rà soát, quy hoạch, đánh giá, nhận xét cán bộ; xây dựng kế hoạch, đề án nhân sự cụ thể, bảo đảm quy trình, dân chủ, công khai, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Để khắc phục khâu yếu trước đây là đánh giá cán bộ, Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý, làm cơ sở đánh giá, nhận xét cán bộ hằng năm và cả nhiệm kỳ. Đây là khâu hết sức quan trọng trong công tác cán bộ. Theo đó, đánh giá cán bộ phải trên quan điểm toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển. Bố trí, sử dụng cán bộ phải căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ, công tác thực tiễn đặt ra. Việc bổ nhiệm cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy quản lý tiếp tục được mở rộng dân chủ, có cạnh tranh. Các khâu trong công tác cán bộ được thực hiện bài bản, chặt chẽ, bảo đảm giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị.

Cùng với đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng đúng cán bộ. Kết hợp chặt chẽ việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng những cán bộ đủ tiêu chuẩn với việc kiên quyết đưa ra khỏi cương vị lãnh đạo, quản lý những cán bộ thiếu về phẩm chất và năng lực ở những nơi trì trệ, yếu kém, mất đoàn kết kéo dài. Căn cứ vào kết quả đánh giá mà rút ra nhận xét, kết luận về mức độ hoàn thành nhiệm vụ, khả năng, triển vọng phát triển của từng cán bộ để bổ nhiệm, đào tạo, rèn luyện, thử thách trong thực tiễn. Đồng thời, kiên quyết đưa những người không đủ tiêu chuẩn, tha hóa, biến chất ra khỏi bộ máy lãnh đạo của Đảng và hệ thống chính trị.

Nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh tiên tiến, tỉnh chủ trương tuyển chọn cán bộ, công chức trẻ tuổi đưa đi nước ngoài đào tạo, nhằm tạo thêm nguồn cán bộ kế cận. Xây dựng, cập nhật các hướng dẫn mới ban hành, áp dụng quy chế đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là mở rộng kênh đánh giá, lấy hiệu quả công việc làm thước đo trong đánh giá cán bộ. Trên cơ sở quan tâm phát hiện đối tượng nguồn, thực hiện quy hoạch “động và mở”, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ; khoa học, biện chứng, khách quan, sâu sát, cụ thể trong đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.

Đột phá trong luân chuyển cán bộ

Ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết: “Công tác luân chuyển cán bộ những năm qua đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, từng bước khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ ở các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị; góp phần đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát, toàn diện hơn”(2).

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa, công tác luân chuyển cán bộ được thực hiện thận trọng, bảo đảm đúng quy trình, chặt chẽ, khách quan và dân chủ. Từ tháng 6/2012 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã điều động, luân chuyển trên 1.900 lượt cán bộ các cấp, ngành. Trong đó, có 104 cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý từ tỉnh về các huyện, 63 đồng chí từ huyện lên tỉnh, 25 cán bộ từ huyện này sang huyện khác, ngành này sang ngành khác. Cán bộ thuộc diện BTV cấp ủy huyện và tương đương quản lý được điều động, luân chuyển 301 lượt cán bộ về các xã, 151 lượt cán bộ từ xã lên huyện; điều động, luân chuyển 382 đồng chí từ xã này sang xã khác và 840 lượt cán bộ các cấp, ngành; 25/27 huyện, thị xã, thành phố có một trong ba chức danh chủ chốt không là người địa phương; 502 đơn vị cấp xã, chiếm tỷ lệ gần 90% tổng số xã, phường, thị trấn bố trí một trong ba chức danh: Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND không là người địa phương. Qua đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực, góp phần tinh giản, cơ cấu lại đội ngũ, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cán bộ được điều động, luân chuyển đều trong diện quy hoạch, có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đạt chuẩn, trải qua các cương vị công tác, nhiều người trưởng thành từ cơ sở, được luân chuyển về địa phương, lên huyện, tỉnh, sang các ban, ngành... Trước khi điều động, luân chuyển, đề bạt cán bộ, đơn vị, cấp quản lý trực tiếp có thẩm quyền tổ chức thực hiện bảo đảm quy trình, chú trọng xem xét phong trào ở địa phương, thành tích của tập thể với trách nhiệm của người đứng đầu, lấy hiệu quả công việc làm thước đo. 

Có thể khẳng định, tỉnh Thanh Hóa thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được bố trí, sắp xếp phù hợp với tiêu chuẩn, chức danh, vị trí việc làm; bước đầu phát huy được năng lực, trình độ, sở trường công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác cán bộ được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ ở tất cả các khâu, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện trong bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, phân công, bố trí sắp xếp cán bộ. Việc điều động, luân chuyển cán bộ tiếp tục được đổi mới; chú ý toàn diện sắp xếp, bố trí cán bộ từ dưới lên, từ trên xuống, từ cơ quan Đảng, đoàn thể sang chính quyền và ngược lại.

Những đổi mới, đột phá, chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ đã giúp tỉnh Thanh Hóa từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ có khát vọng cống hiến, nhằm cụ thể hóa một cách sinh động nhất, hiệu quả nhất những chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Từ đó, huy động tối đa nguồn lực, khơi thông những “điểm nghẽn”, đặc biệt là hoàn thiện cơ chế, truyền lửa niềm tin, hành động quyết liệt, hiệu quả, “điều khiển sắp đặt” hợp lý các nguồn lực để tận dụng thời cơ, bứt phá đi lên.

leftcenterrightdel
Một góc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Báo Thanh Hóa) 

Hạn chế cần khắc phục

Đánh giá về đội ngũ cán bộ của tỉnh, ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cho rằng: “Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của Thanh Hóa từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ yếu về năng lực, trình độ, phương pháp, tác phong công tác không phù hợp với vị trí công việc, tính chủ động, tự chịu trách nhiệm, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, kỷ luật lao động và đạo đức công vụ chưa cao. Vẫn thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực”(3). Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, xây dựng đội ngũ cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là chìa khóa đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở khu vực phía Bắc và tỉnh kiểu mẫu vào năm 2045.

Cùng với đó, trong công tác đánh giá cán bộ, vẫn còn tình trạng nể nang, có nơi đánh giá chưa thực chất, qua loa. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức vẫn còn có tình trạng chưa bám sát quy hoạch, đào tạo không đúng với chuyên ngành, vị trí công tác; một số cán bộ chuyên môn năng lực hạn chế, tinh thần, trách nhiệm không cao nhưng chưa được thay thế hoặc bố trí lại chưa kịp thời.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số chi bộ còn hạn chế; chưa kịp thời phát hiện, uốn nắn những lệch lạc trong tư tưởng chính trị và những sai phạm của cán bộ, đảng viên; công tác tự phê bình và phê bình, tính chiến đấu chưa cao; có nơi việc phân công nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên gặp nhiều khó khăn; nguồn nhân sự bố trí làm bí thư chi bộ, trưởng phố gặp khó khăn; có nơi đánh giá, phân loại đảng viên chưa thực chất.

Mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ đến năm 2025

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tạo chuyển biến rõ nét trong sắp xếp tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ”. Theo đó, để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có khát vọng cống hiến, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa chú trọng khơi dậy ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên để họ nhận thức rõ hơn trách nhiệm của bản thân, biết tự trui rèn, tự đào tạo, không ngừng phát huy phẩm chất, năng lực của mình; luôn chủ động trong công tác, dám phá vỡ rào cản lạc hậu, tạo động lực phát triển.

Chú trọng xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ đội ngũ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá; xem đây là cơ chế tạo động lực cho bước  thay đổi về chất đối với đội ngũ cán bộ; khẳng định vai trò, sứ mệnh của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong công cuộc xây dựng, phát triển tỉnh Thanh Hóa. Có cơ chế biểu dương, khen thưởng xứng đáng; ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, làm việc hiệu quả... Các cơ chế phải phù hợp và phát huy được năng lực, trách nhiệm của cán bộ có đức, có tài, có tâm và có tầm, cống hiến cho sự nghiệp chung của tỉnh.

Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, góp phần chuẩn hóa và nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ ở các địa phương. Bảo đảm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp, thống nhất trong cả hệ thống chính trị; bổ sung hình thức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ, chức danh cán bộ, công chức; đổi mới quy định về chương trình, tài liệu bồi dưỡng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xây dựng, ban hành và quản lý chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức; chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo yêu cầu vị trí việc làm.

Để tổ chức triển khai thực hiện thành công mục tiêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 587/QĐ-UBND, ngày 10/02/2022 “Về việc phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2025”.

Quyết định xác định mục tiêu xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, bảo đảm định hướng phát triển nguồn nhân lực trong các cơ quan, đơn vị theo từng giai đoạn.

Phấn đấu đến năm 2025: (1)- 100% cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn theo quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, trước khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý; 25% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên; 25% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện dưới 40 tuổi có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. (2)- Hằng năm, có ít nhất 80% cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức pháp luật, được bồi dưỡng về văn hóa công vụ; 70% cán bộ, công chức được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ. (3)- 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; 90% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhiệm; hằng năm, có ít nhất 60% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp, đạo đức công vụ; có 20% cán bộ, công chức cấp xã và 15% cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý cấp xã dưới 40 tuổi công tác tại địa bàn hoặc lĩnh vực có yêu cầu sử dụng ngoại ngữ đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên. (4)- 100% cán bộ, công chức người dân tộc Kinh công tác tại vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng được ít nhất một thứ tiếng dân tộc tại địa bàn công tác. (5)- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bồi dưỡng cập nhật và nâng cao kỹ năng, phương pháp hoạt động ít nhất 1 lần trong thời gian 2 năm. Quyết định đặt ra những mục tiêu cụ thể đối với viên chức, đại biểu HĐND các cấp; giải pháp tổ chức thực hiện thành công, hiệu quả mục tiêu đã đề ra.

Tập trung 5 giải pháp trọng tâm

Các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chủ động, tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả nhóm giải pháp sau:

Một là, tổng kết, đánh giá và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 12/3/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (khóa XVII) “Về tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa trở thành tỉnh tiên tiến” gắn với quán triệt, triển khai và tham mưu tổ chức thực hiện công tác quy hoạch cán bộ; nâng cao hơn nữa vai trò và hiệu quả công tác tham mưu về quy trình công tác cán bộ, từ phát hiện, đánh giá, đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bố trí, bổ nhiệm, sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ.

Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng và tính thực chất của công tác tổ chức cán bộ, mà trọng tâm là công minh, công bằng trong đánh giá và sử dụng cán bộ. Đánh giá cán bộ phải căn cứ vào hiệu quả công tác, có sản phẩm cụ thể, tạo chuyển biến rõ nét trong mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị. Từ đó, công khai kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý để cán bộ, đảng viên và Nhân dân theo dõi, giám sát...

Ba là, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức”.

Bốn là, nâng cao chất lượng thẩm định các đề án về công tác tổ chức bộ máy; rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tham mưu cho cấp ủy sắp xếp, điều động, luân chuyển, thay thế những cán bộ sa sút về phẩm chất, đạo đức, năng lực yếu kém, có dấu hiệu mất đoàn kết, để địa phương, đơn vị trì trệ, yếu kém kéo dài.

Ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là Nghị quyết mang tính lịch sử, thể hiện rõ sự quan tâm, kỳ vọng của Trung ương, để Thanh Hóa “điều khiển sắp đặt” đội ngũ cán bộ, tận dụng thời cơ, vận hội mới rất nổi trội và khác biệt, bứt phá vươn lên, trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, hiện thực hóa khát vọng lớn lao, đưa Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh “kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn./.

Chú thích:

(1)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr 73.

(2) “Thanh Hoá luân chuyển 37 cán bộ cấp tỉnh giữ các chức danh chủ chốt cấp huyện”, Báo điện tử VOV, ngày 23/6/2022.

(3) Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng “Trung thành, trung thực, gương mẫu, trong sáng, tinh thông”, Báo Thanh Hóa, ngày 6/01/2022.

Nguyễn Văn Chiến
Tạp chí Xây dựng Đảng
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra